Lục Phạm Quỳnh Nhi, người sáng lập ra nhóm Hiếu Văn Ngư – một nhóm nghiên cứu, ứng dụng các chất liệu văn hóa, di sản vào đời sống một cách mới mẻ, vui vẻ và hiện đại cho biết: “Sắp tới đây, nhóm sẽ kết hợp với Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM để đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này đến gần với du khách, đặc biệt là những khách du lịch nước ngoài không cần phải hiểu tiếng Việt mà vẫn có thể thưởng thức hát bội…”.
Nhiều nhiệt huyết với nhóm Hiếu Văn Ngư
Lục Phạm Quỳnh Nhi là một cô gái trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết với cổ nhạc Việt Nam. Cô cũng là tác giả quyển sách “Đường vào đờn ca tài tử” và sáng lập ra nhóm Hiếu Văn Ngư.
Theo Quỳnh Nhi, cơ duyên thành lập nhóm khá tình cờ khi cô tham gia một cuộc thi do UNESCO tổ chức vào năm 2020 về sáng kiến của thanh niên nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa. Trong cuộc thi, nhóm của Quỳnh Nhi đã giành chiến thắng với chủ đề hát bội. Sau cuộc thi, thay vì dừng lại thì cô gái trẻ này cùng các cộng sự quyết định lập ra nhóm Hiếu Văn Ngư để tiếp tục triển khai các ý tưởng đã đề ra từ trước.
Sáng kiến của nhóm bao gồm việc lưu trữ, truyền thông cho hát bội và ứng dụng loại hình nghệ thuật truyền thống này vào các sản phẩm hiện đại. Ngoài hát bội, Hiếu Văn Ngư còn nghiên cứu và ứng dụng các chất liệu văn hóa khác như dân ca, đặc biệt là dân ca Nam bộ, hò, lý và hát ru. Các thành viên nhóm Hiếu Văn Ngư đều là những người trẻ yêu say mê với việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa cổ truyền Việt Nam.
Đánh giá về các chất liệu diễn xướng trong văn hóa Việt Nam, Quỳnh Nhi nhận định hát bội là một trong những loại hình sân khấu có khả năng đưa ra quốc tế tốt nhất: “Nếu các chất liệu khác phụ thuộc vào việc người nghe phải hiểu được ca từ thì đối với hát bội, nhờ tính chất tượng trưng, ước lệ và khoa sức nên người xem có thể hiểu được câu chuyện thông qua hành động, trang phục hay vẻ mặt của nhân vật”. Chính vì không gặp rào cản về ngôn ngữ nên Quỳnh Nhi cho rằng hát bội có khả năng tiếp cận với nhiều khán giả quốc tế. Thực tế là một thành viên người Mỹ trong nhóm Hiếu Văn Ngư, dù không giỏi tiếng Việt nhưng vẫn có thể hiểu được câu chuyện khi xem hát bội. Với tình yêu, sự nhiệt huyết và mong muốn quảng bá hát bội đến với nhiều người trong nước lẫn quốc tế, Quỳnh Nhi cũng như các thành viên nhóm Hiếu Văn Ngư bắt đầu dấn thân vào con đường nghiên cứu và ứng dụng hát bội.
Những dự án đầu tiên của Hiếu Văn Ngư tập trung vào việc truyền thông nhằm lan tỏa về loại hình nghệ thuật hát bội qua các nội dung bài viết, kịch bản câu chuyện. Nhiều infographic được đăng trên các trang lưu trữ của nhóm Hiếu Văn Ngư, hướng dẫn cách nhận diện nhân vật và trang phục trong hát bội. Từ năm 2020 đến 2023, nhóm Hiếu Văn Ngư liên tục mở lớp “Hát bội 101” và mở rộng thành lớp thưởng thức sân khấu truyền thống. Với vốn kiến thức xem hiểu hát bội, khán giả của lớp này có thể áp dụng để xem cải lương, tuồng chèo hay các loại hình sân khấu tương tự nước ngoài như kabuki Nhật Bản, talchum Hàn Quốc, kinh kịch Trung Quốc, mak yong Mã Lai… vì các loại hình sân khấu này đều có cùng nguyên lý.
Những hiệu ứng thực tế
Để đưa nhóm Hiếu Văn Ngư ngày càng phát triển, Lục Phạm Quỳnh Nhi cùng các thành viên không chỉ tổ chức những buổi workshop mà còn có những hoạt động kết hợp cùng Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bảo tồn và chia sẻ về văn hóa, Quỳnh Nhi không đo kết quả hiệu ứng tiếp cận bằng con số mà thông qua việc lan tỏa, truyền cảm hứng đến bất kỳ ai chọn hát bội làm chất liệu sáng tạo. Gần đây nhóm Hiếu Văn Ngư tư vấn cho một sinh viên người Pháp gốc Việt sử dụng chất liệu hát bội để làm đồ án game. Trong game này, người chơi sẽ thay đồ cho các nhân vật được vẽ theo phong cách chibi, hay còn gọi là “sắm tuồng”, sau đó lần lượt chọn vẻ mặt, đạo cụ và bước ra sân khấu. Ngoài ra, nhóm Hiếu Văn Ngư còn có một thành viên người Mỹ, là một họa sĩ và chọn hát bội làm chất liệu để vẽ tranh, nhằm chuẩn bị ra mắt xưởng tranh cũng như bán các tác phẩm này trong năm sau.
Đối với Quỳnh Nhi, hiệu ứng tốt nhất đó là có thêm người chọn chất liệu hát bội cho các dự án của họ. Thời gian gần đây, có nhiều người đã tham khảo nguồn thông tin mà Hiếu Văn Ngư cung cấp. Đây chính là một dấu hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn và phát triển hát bội mà nhóm Hiếu Văn Ngư hướng đến.
Về hiệu ứng số liệu, Quỳnh Nhi cho biết những video lưu trữ về hát bội, trong đó có video mà nhóm thực hiện cùng UNESCO ICHCAP – Trung tâm Lưu trữ văn hóa phi vật thể châu Á Thái Bình Dương, đạt hàng chục nghìn lượt xem. Đồng thời, Hiếu Văn Ngư cũng đưa video về hát bội lên các nền tảng quốc tế, nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Đó chính là những điều mà Hiếu Văn Ngư đã và đang từng bước thực hiện, góp phần giữ gìn và lan tỏa giá trị của nghệ thuật hát bội.
Câu chuyện của Lục Phạm Quỳnh Nhi và Hiếu Văn Ngư đã chứng minh rằng, với sự nhiệt huyết và sáng tạo, các giá trị văn hóa cổ truyền như hát bội có thể được bảo tồn và phát triển một cách gần gũi, hiện đại đến các bạn trẻ trong nước lẫn quốc tế. |
Trong suốt hành trình ấy, nhóm Hiếu Văn Ngư nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Sau một thời gian làm về lưu trữ và giáo dục, Hiếu Văn Ngư phối hợp cùng Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM để tổ chức các show diễn. Khán giả không chỉ được nghe nhà nghiên cứu hướng dẫn cách thưởng thức hát bội mà còn được trực tiếp xem các trích đoạn biểu diễn ngay sau đó. Quỳnh Nhi chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi thường hay giới thiệu cho mọi người mua vé khi đây là phiên bản chỉn chu, đẹp đẽ và lộng lẫy nhất của hát bội từ trước đến giờ. Khi Nhà hát Hát bội TP.HCM hát tại sân nhà với hệ thống âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng, tôi tưởng tượng bản thân đang đi học một lớp thưởng thức hát bội, khác ở điểm đó là sau khi nghe giới thiệu thì được xem liền”.
Sau loạt show này, Hiếu Văn Ngư dự định sẽ có thêm nhiều dự án kết hợp với Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM, đặc biệt là mảng biểu diễn phục vụ cho khách du lịch. Đây cũng chính là kế hoạch mà Hiếu Văn Ngư và nhà hát đang cân nhắc cùng nhau lên kế hoạch với mong muốn khách du lịch đến TP.HCM có thêm một điểm đến thú vị. Đáng chú ý, du khách quốc tế không cần phải hiểu tiếng Việt mà vẫn có thể thưởng thức hát bội.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)