Y tế - Văn hóaThư giãn

“Tâm huyết trao đời – Tôi dạy học”: Bất ngờ được làm chủ nhiệm lớp (tiếp theo kỳ trước)

Tạp Chí Giáo Dục

Sửa sang xong phòng học, tôi nghĩ ngay đến việc trang trí lại lớp. Tấm ảnh Bác cũ kỹ dán vào tường nay thay bằng tấm ảnh mới do các em sưu tầm được lồng trang trọng trong khung kính. 5 điều Bác Hồ dạy và đôi khẩu hiệu “Dạy thật tốt, học thật tốt”, tôi cũng quyết định tự mình trang trí kẻ vẽ, cắt dán lại thật công phu, mô phạm bằng giấy màu, mực màu thật nổi bật. Câu khẩu hiệu với chữ màu xanh viền trắng hiện trên nền giấy đỏ có viền vàng xung quanh; còn 5 điều Bác dạy thì màu đỏ tươi rực rỡ trên nền giấy vàng có viền hoa văn xanh xung quanh thay cho những dòng chữ kẻ viết trực tiếp vào tường vôi đã mờ nhòe, rất thiếu mỹ quan.

Để khích lệ ý thức thi đua giữa các tổ, tôi nghĩ ra cách thiết kế một “bảng thi đua” theo mô hình di động treo phía tường bên phải tấm bảng. Ông bạn đồng nghiệp láng giềng Đào Anh Cân (dạy Toán) sang nhà chơi, bắt gặp tôi đang lúi húi làm đi làm lại chiếc bảng đó liền vỗ vai cười lớn:

– Ông hay vẽ vời nhiều quá. Cứ kỷ luật thép như tôi là xong hết. Học sinh nào vi phạm tôi bắt lên bục đứng nghiêm trong vòng “kim cô” vẽ bằng phấn, quay mặt vào tường. Đứa nào cũng sợ “té ra quần”. Việc gì phải thi đua, thi đùa cho mệt xác ông ơi!

– Ông Cân ạ! Ông thuộc phái mạnh. Tôi cũng phái mạnh nhưng là mạnh yếu. Muốn nhu thắng cương, tôi buộc phải nghĩ ra cách chứ. Chủ nhiệm một lớp học chứ đâu phải quản lý một trại giam ông ơi!

Vừa đáp lời ông bạn giáo làng, tôi vừa tiếp tục hoàn tất cái bảng thi đua ấy. Đó là một tấm bìa cứng màu vàng nhạt chừng một phần tư mét vuông được trang trí hoa văn xanh xung quanh. Trong đó nổi bật 4 cái mũi tên màu rực đỏ, di động ghi danh 4 tổ, xếp song song theo chiều ngang có sợi dây kẽm nhỏ xuyên qua phía sau được nối ra hai phía cạnh bên tấm bìa. Chiều đứng tấm bìa được chia 6 ô lớn tượng trưng cho các thứ trong tuần. Trong mỗi ô đó lại chia thành 4 ô nhỏ. Hàng ngày sau mỗi buổi học, kết quả thi đua mỗi tổ thế nào sẽ được lớp trưởng công bố và mời bạn nào được bầu tiến bộ nhất trong tuần lên dịch chuyển mũi tên trên bảng thi đua. Tổ xếp nhất mũi tên di chuyển được 4 ô nhỏ, thứ nhì 3 ô, thứ ba hai ô và thứ tư 1 ô. Hàng ngày cứ nhìn lên bảng thi đua này các em sẽ biết ngay tổ mình đang ở vị trí nào trong lớp. Danh dự và lòng tự trọng của thành viên các tổ từ đó như được nhân lên gấp bội, trở thành động lực phấn đấu kỳ diệu khiến mọi hoạt động của lớp ngày càng đi vào quy củ, tiến bộ đáng ngạc nhiên.

Lớp đã đẹp rồi, làm sao giữ cho lớp luôn sạch, đây là điều tôi luôn quan tâm, nhắc nhở các em. Để các em không bao giờ được quên việc nhỏ mà không nhỏ này, tôi ngẫu hứng thành mấy câu văn vần cho cả lớp nhớ:

Lp là ngôi nhà thân thương/
Đng ai đ mu rác vương mà bun/
Gi cho lp sch luôn luôn/
Là ta gi đp tâm hn chính ta.

Tôi hiểu trong giáo dục, việc làm gương luôn là biện pháp có ảnh hưởng và sức lan tỏa cao. Tôi luôn có mặt ở lớp chủ nhiệm trước và sau mỗi buổi học nhằm quán xuyến, nắm bắt mọi tình hình của lớp để kịp uốn nắn, điều chỉnh. Bước vào lớp, nếu thấy một mẩu rác vương, bao giờ tôi cũng lặng lẽ dùng chân nhặt rồi dúi vào dép mang ra bỏ đúng thùng rác quy định. Trong mắt các em, việc làm rất đỗi bình thường đó có sức lay động cảm hóa không nhỏ. Từ đó, em nào cũng tự giác ý tứ trong việc giữ gìn vệ sinh lớp. Chính vì vậy, ai bước vào lớp 6C ngày đó cũng khen lớp sạch, đẹp, nề nếp.

Lớp chủ nhiệm của tôi dần dần trở thành môt tập thể nổi trội về mọi mặt. Xếp loại thi đua hàng tuần, hàng tháng luôn ở tốp dẫn đầu. Đặc biệt, các học sinh cá biệt đều tiến bộ trông thấy.

Viết đến đây, tôi lại nhớ một kỷ niệm. Ngày nhận được giấy gọi vào học đại học, tôi lên xã làm thủ tục cắt các giấy tờ cần thiết. Ngồi ở hàng ghế chờ, tôi nghe ông Phó Chủ tịch quay sang nói nhỏ với ông Chủ tịch: “Này, cái cậu Ký liệt này làm được gì mà đi học đại học nhỉ?”. Tôi lặng người, mím môi cố nuốt cái cục gì nghèn nghẹn ở cổ. Nước mắt cứ chực ứa ra.

Một chiều xuân lất phất mưa bay. Cây xoan ở góc vườn nhà tôi trắng xóa như chiếc ô hoa khổng lồ, ngan ngát tỏa hương. Tôi bất ngờ khi chính ông Phó Chủ tịch xã ấy đã thân chinh đến thăm nhà tôi. Sau những lời ngợi khen, động viên, ông liền tâm sự thật một chuyện:

– Chẳng giấu gì thầy. Thằng nhỏ nhà tôi chắc thầy đã biết. Nó ngỗ ngược, chỉ chơi với phá là giỏi. Học hành mấy năm liền cứ đúp lên đúp xuống. May quá, nay có thầy về trường. Biết tiếng thầy không những dạy giỏi mà còn làm chủ nhiệm và giáo dục học sinh cá biệt rất thành công, tôi muốn phiền thầy vui lòng cho phép được chuyển cháu từ 6A sang 6C của thầy. Chỉ có vậy gia đình mới hy vọng cháu tiến bộ. Nếu không, trước sau gì nó cũng bỏ học thôi thầy ạ!

Tiếp ông, trong tôi lúc đó cứ mồn một hiện về cái kỷ niệm “gai gai” ngày nào. Song lương tâm và trách nhiệm khiến tôi không nỡ chối từ. Và tôi hiểu tôi càng phải hết lòng với con ông. Để tạo niềm tin nơi cậu trò nhiều “vấn đề” này, tôi tìm cách gần gũi, thuyết phục và cuốn hút cậu vào vòng xoay tích cực của lớp. Tôi quyết định cử cậu làm tổ phó rồi tổ trưởng. Với tính khí năng nổ thích thể hiện, cậu đã nhanh chóng từ thành phần “tiêu cực” chuyển hóa thành tích cực. Kết quả cuối năm đó, cậu “quý tử” ấy đã đạt học sinh tiến tiến và được trường tặng giấy khen. Ông mừng quá, làm cơm đón tôi bằng được. Chắc là ông đã quên cái kỷ niệm xưa với tôi rồi chăng?

(Còn tiếp) 
NGƯT Nguyn Ngc Ký

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)