Một buổi trưa, thầy Trần Ngọc Châu gọi tôi vào phòng, nói nhỏ: “Này, tớ thấy cái L. có cảm tình với Ký lắm. Tớ đã thăm dò qua một số người. Xem chừng cô ấy sẵn sàng đấy. Ý cậu thế nào? Trâu ta, cỏ đồng ta. Nếu được thế thì “hên” quá còn gì”.
Vậy là thầy lại đang lo cho hạnh phúc của tôi. Tôi hiểu với người tàn tật như tôi, đây quả là việc không dễ. Vì quá bất ngờ, lúc ấy tôi hơi lúng túng, chỉ biết xúc động cười trừ. Những ngày sau, thầy sắp xếp để tôi và L. có nhiều cơ hội gặp nhau.
Nhưng rồi chuyện vẫn chưa đâu vào đâu thì một hôm, ông anh kết nghĩa của tôi là Đặng Yên Chi từ Nam Trực dẫn N., em vợ của anh xuống chơi thăm nhà tôi và cũng có ý muốn “xếp đặt” cho tôi (N. vừa học xong Trung cấp sư phạm 7+3 Nam Bình, nhưng chưa tốt nghiệp). Không hiểu sao, ngay giây phút đầu gặp gỡ, tôi đã bị N. “hớp hồn”. Thế là sự vui xen lẫn nỗi thắc thỏm, dằn vặt. Biết nói thế nào với thầy Châu đây? Liệu thầy có giận không? Nhưng không thể giấu mãi được, tôi đành liều gặp thầy để thưa chuyện. Vừa nghe, thầy đã vỗ tay cười phá lên: “Ồ thế thì tuyệt, tuyệt! Tớ ủng hộ, ủng hộ ngay. Còn L. tớ sẽ nói nó thông cảm. Duyên phận mà!”. Thế là lần nữa, thầy lại vì tôi mà quan tâm lo lắng vun bồi, lại cũng vì tôi mà lặng lẽ hy sinh thiện ý, công lao của mình như vậy đấy.
Ngày tôi và N. chuẩn bị làm lễ cưới, biết bao công việc cần trù liệu. Biết tôi rất cần phương tiện để đi lại cho thuận lợi, thầy gọi tôi nói luôn: “Này, từ mai đi đâu cứ bảo Hòa (bạn cùng học với tôi ở đại học, quê Thanh Hóa, dịp này về ở hẳn nhà tôi, giúp tôi lo việc vui lớn) vào lấy xe tớ mà đèo. Đừng ngại gì”. Tôi vâng vâng, dạ dạ cho thầy vui, chứ thực lòng rất ngại. Bởi tôi biết chiếc xe đạp với thầy ngày đó là một tài sản quý. Đi đâu xa thầy mới dùng đến nó. Bình thường, thầy treo nó bằng hai sợi xích lên xà nhà ở một góc phòng. Cẩn thận hơn, thầy còn trùm lên người nó một chiếc áo đi mưa để tránh bụi. Sau mỗi chuyến “phi hành” dù gần dù xa, bao giờ thầy cũng tỉ mỉ dùng giẻ ngồi lau chùi đến sạch bóng từng chiếc đinh ốc, từng cái nan hoa trước khi cho nó “an tọa” lửng lơ lên chỗ không gian góc phòng như cũ.
Mặc dù mua đã mấy năm mà chiếc Phượng Hoàng nữ ấy trông vẫn còn mới tinh như vừa xuất xưởng. Thầy còn chu đáo yêu cầu thợ gia công hẳn chiếc chân chống bằng đuya-ra(1) và chiếc lồng bằng thép inox bảo vệ đèn trước, đèn sau. Ở giữa tuýp chéo của xe nổi bật chữ Trần Ngọc Châu viết hoa khắc nổi trên một lá đồng vàng óng được ốp vào rất khéo. Dù rất cần, mọi người trong trường cũng không ai dám hỏi thầy mượn xe. Biết tôi rất muốn nhưng còn e dè, giữ ý, vừa nể vừa sợ nên chưa dám ngỏ lời, tối đó thầy liền đạp luôn xe ra thăm hỏi về việc chuẩn bị lễ cưới cho tôi đến đâu và giao luôn chiếc xe đó cho gia đình tôi.
Vậy là trong suốt một tuần, chiếc xe quý ấy của thầy đã trở thành trợ thủ đắc lực cùng Hòa gội mưa, tắm nắng đưa tôi đi về như con thoi khắp làng trên xã dưới để kịp hoàn tất mọi thủ tục cho ngày vui được trọn vẹn. Khi mọi việc đã xong, tôi cùng Hòa định mang xe trả thầy thì,chao ôi, chiếc xe đã không còn nguyên dáng cô gái Phượng Hoàng thanh tân, xinh giòn hào nhoáng nữa mà đã hóa cô lọ lem cáu bẩn, già nua đến thảm hại. Mặc dù Hòa và vợ tôi đã kỳ công rửa, lau rất cẩn thận nhưng vẫn không sao giấu được những vết sơn bị trầy xước, nhiều chỗ do bị bùn đất bám lâu ngày đã sinh gỉ sét rất khó nhìn.
Tôi lúng túng chưa biết xử trí thế nào để thầy đỡ buồn thì tối đó thầy đi bộ ra nhà tôi. Sau khi cùng gia đình ăn bữa cơm dưa muối xuềnh xoàng, tôi đành lựa lời dè dặt nói thật với thầy về lý do chưa trả xe. Không ngờ thầy xua tay cười vui vỗ vỗ vào lưng tôi:
– Yên chí! Yên chí! Dù quý mấy nó cũng chỉ là chiếc xe đạp thôi mà. Nếu tiếc, nếu sợ hỏng, tớ đã chẳng mang tận nhà cho cậu mượn. Cậu cứ quan trọng hóa vấn đề vậy là chưa hiểu thầy Châu đâu. Cậu biết đấy, với tớ cái gì cũng quý. Tất cả mọi đồ vật đều có hồn cả đấy. Mình có yêu nó, chăm sóc nó, nó mới hết lòng phục vụ mình. Song không phải vì thế mà làm nô lệ cho nó.Thầy trò đã hiểu nhau, quý nhau, giúp được nhau cái gì là vui rồi! Cái tình cái nghĩa mới là vô giá. Thôi chúc hạnh phúc nhiều. Thầy về nhé!
Sau ngày cưới mấy tháng, vợ tôi ra trường và được phân về dạy cùng trường với tôi và thầy Châu. Hơn hai năm sau, chúng tôi đã đón hai “tí nhóc” ra đời. Các cháu lại hay quặt quẹo, đau ốm luôn. Đồng lương hai vợ chồng tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Thầy Châu rất biết điều đó nên cứ dành dụm được đồng nào lại tìm cách san sẻ cho chúng tôi. Nhiều lần ngại quá không dám nhận liền bị thầy mắng: “Vẽ bộ. Thiếu thì cứ cầm mà tiêu. Cần thiết cứ ghi vào sổ. Coi như tớ gửi tiền tiết kiệm, vợ chồng cậu giữ hộ.”
Ngày tiễn thầy lên đường gia nhập đội ngũ những nhà giáo tăng cường cho giáo dục các vùng giải phóng miền Nam (tháng 11-1973), vợ chồng tôi có ý xin được trao lại số tiền đã được thầy “gửi, giữ hộ” ấy. Thầy nghiêm mặt nhìn hai chúng tôi:
– Tớ hỏi thật, tiền này vợ chồng kiếm ở đâu? Đi mượn nóng phải không. Thôi cứ cầm lấy mà lo cho con cái. Một mình tớ, đi lần này có Nhà nước lo tất cả, chẳng có gì phải băn khoăn.
Gần 30 năm sau vợ chồng tôi mới có dịp về Đà Lạt (nơi thầy Châu công tác). Những tưởng sẽ được gặp lại thầy để hoan hỷ, cũng là để trả món “nợ” xưa. Nào ngờ đến nơi mới hay tin thầy tôi đã mất do bạo bệnh sau khi nghỉ hưu được ít năm…
(Còn tiếp)
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
(1) Đuya-ra: Hợp kim không gỉ.
Bình luận (0)