Y tế - Văn hóaThư giãn

“Tâm huyết trao đời – Tôi dạy học”: Đêm lang thang giữa chốn thành Nam

Tạp Chí Giáo Dục

 

(Tiếp theo kỳ trước)

Tôi và Hòa xuống tàu ở ga Nam Định khi bóng chiều đã xiên khoai. Sợ muộn giờ, hai đứa rảo bước hỏi thăm đường đến Ty Giáo dục ngay. Song vì chưa biết đường nên cứ đi vòng vo mãi vẫn chưa tìm ra địa chỉ cần đến. Phố xá tấp nập người xe, song dấu tích cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nơi thành phố này vẫn còn hiện rõ. Đây đó, những ngôi nhà cao tầng bị bom phá có nơi vẫn còn trống hoác ngổn ngang một đống gạch vụn. Nhà máy dệt, nhà máy tơ nhiều chỗ đã khôi phục; âm vang rộn rã tiếng máy chạy, song không ít chỗ còn sâu hoắm những hố bom, chơ vơ những khung thép cong queo treo lủng lẳng những mảng bê tông trông thật hãi hùng, xa xót. Đoạn đường phố tắt ngang giữa lòng khu liên hiệp dệt dấu tích những hố bom dù đã được lấp đầy bằng đá cấp phối chứ chưa nhựa hóa như cũ; đâu đây vẫn lởm chởm những ổ gà, ổ voi. Loanh quanh mãi, tới khi trời chạng vạng hai chúng tôi mới bước chân vào cổng Ty Giáo dục Nam Hà. Cả hai nôn nao mừng thầm. Nào ngờ người gác cổng ngăn lại xua tay với lời thông báo lạnh lùng:

– Hết giờ làm việc rồi! Mời hai anh ra ngoài cho tôi đóng cổng! – Như bị dội gáo nước lạnh, hai thằng chưng hửng quay gót trong tâm trạng thất vọng tràn trề.

Đi đâu, về đâu lúc này khi bóng đêm đã sầm sầm bao trùm, thành phố đã lên đèn? Về quê ư? Thôi cứ liều ra bến xe Cổng Hậu xem sao. Hai thằng thất thểu hỏi thăm được đến nơi thì hay tin chuyến xe cuối cùng về Hải Hậu đã vừa rời bến trước đó chừng dăm phút. Thế là đành quay gót lang thang khắp phố phường thành Nam giữa bốn bề xa lạ không một người quen biết. 

Để lên dây cót tinh thần cho nhau, cũng là cách  động viên an ủi nhau tìm ra niềm vui trong cảnh khó, tôi chép miệng lên giọng bảo Hòa:

– Hay quá! Vậy là tối nay chúng ta tha hồ thăm thú, khám phá thành Nam, Hòa ơi!

– Ừ, chí lý đấy! Trước tiên ta qua khu chợ Rồng nhé! – Vừa nói Hòa vừa vỗ vỗ vào vai tôi cười vang ra vẻ đắc ý lắm.

May mà chợ Rồng nằm ngay trung tâm thành Nam trên đại lộ Trần Hưng Đạo chỉ cách bến xe Cổng Hậu chừng mấy trăm mét. Hai thằng đi một thoáng đã tới nơi. Đây là ngôi chợ sầm uất hai tầng khang trang lộng lẫy có lịch sử lâu đời nổi tiếng không chỉ ở tỉnh Nam Định mà còn của cả vùng đồng bằng Bắc bộ. Hai thằng mải mê vừa thả bộ vừa ngắm không chán mắt không chỉ các gian hàng được bày biện ngăn nắp, phong phú, đủ các chủng loại, kiểu dáng, màu sắc các thứ hàng hóa mà còn được “khuây mắt” trước những cô nhân viên bán hàng đầy duyên dáng, thân thiện.

Rời chợ Rồng, giật mình nhớ đến chuyện từ trưa đến giờ chưa có gì bỏ bụng, cả hai quyết định đi tìm một quán cóc nào đó để “tọa lạc”. Loanh quanh một hồi, nhận ra mình đã đặt chân vào công viên Vị Hoàng, hai thằng quyết định tìm một ghế đá ngồi giải lao hóng mát, ngắm hồ La Két lung linh những dải đèn màu viền quanh trông thật quyến rũ. Giải quyết xong mỗi thằng một ổ bánh mỳ và một cây kem, chúng tôi quyết định nằm xuống mặt ghế nghỉ một lát cho đỡ mỏi mệt. Chừng ít phút sau, một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi (có lẽ là nhân viên trật tự của công viên) đến nhắc chúng tôi phải ngồi dậy. Qua chuyện trò với ông, chúng tôi biết nơi công viên còn có một địa chỉ mà những ai yêu văn chương, thích hoài cổ không thể không quan tâm. Vâng, đó chính là mộ nhà thơ lừng danh Trần Tế Xương. Lập tức chúng tôi háo hức nhờ ông ta chỉ đường. Tới nơi, cả hai cứ tưởng phần mộ ông phải là một khu tưởng niệm hoành tráng được xây cất khang trang, nào ngờ chỉ lè tè một nấm mộ um tùm cỏ nằm lặng lẽ ở một góc công viên tù mù mà nếu không có tấm bia đá nhỏ nhoi khắc tên ông thì khó lòng ai biết được đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng một nhà thơ trào phúng vĩ đại của đất nước đầu thế kỷ XX. Không biết mua đâu nén nhang để thắp, hai chúng tôi chỉ biết đứng lặng trong nỗi xúc động thành kính dâng trào tưởng nhớ ông trước nấm mồ đơn sơ, khiêm nhường.      

Rời khu công viên, vẫn miên man trong dòng chảy cảm xúc về Tú Xương, chúng tôi lại lang thang hỏi thăm đi tìm khu phố cổ Hàng Nâu nơi nhà thơ đã gắn bó trọn đời trong gieo neo bế tắc trước sự đổi thay quá nhanh của thời cuộc với tâm trạng hoài cổ bi thiết: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. 

Vòng vèo đã khá lâu qua nhiều phố cổ, chúng tôi vẫn chưa tìm ra địa chỉ cần đến. Người xe qua lại trên phố đã thưa vắng dần. Chắc chừng đã khuya lắm. Chúng tôi rùng mình một cảm giác ớn lạnh giữa những làn gió heo may đầu mùa trong màn sương đêm mờ đục bao trùm. Đôi chân chúng tôi lúc này đứa nào cũng rã rời muốn quỵ.

– Có lẽ ta phải tìm chỗ nào nghỉ thôi Ký ơi! – Hòa hổn hển lên tiếng.

– Ừ! Tao cũng mệt lắm rồi!

May sao vừa lúc bên phải phố Trần Phú hiện diện khu Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố, tôi liền bảo Hòa dừng lại vào xem sao. Đây là địa chỉ năm 1964 tôi đã vinh dự được báo cáo điển hình tại Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh. Chiến tranh đã làm một góc nhà hội trường bị sập đổ. Không điện, không bóng người. Không khí hoang lạnh bao trùm cả khu nhà mênh mông. Bước chân lên khu tiền sảnh, hai thằng tiếp tục vòng ra hành lang phải rồi trái. Vẫn một không khí vắng tanh như chùa bà Đanh. Chúng tôi nhận ra đây là nơi “nghỉ” lý tưởng. Hai thằng quyết định trải báo ra một góc hành lang rồi gieo mình nằm xuống, chuyện tếu và thiếp đi lúc nào không hay sau một ngày lang thang bã bời muốn xỉu. 

Khi tiếng còi tầm nhà máy dệt hú vang, chúng tôi giật mình tỉnh giấc thì trời đã sáng bạch. Hai thằng lắc đầu nhìn nhau cùng cười ra nước mắt khi nhận ra khắp chân tay mặt mũi đứa nào cũng bầm đỏ những vết muỗi đốt chi chít suốt đêm qua mà chẳng hề hay biết.

Thật là một đêm khó quên giữa thành Nam trên chặng đường đầu đời tìm đường khởi nghiệp. 

(Còn tiếp)
NGƯT Nguyn Ngc Ký  

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)