Y tế - Văn hóaThư giãn

“Tâm huyết trao đời – Tôi dạy học”: Được bầu giữ chức Bí thư Đoàn trường

Tạp Chí Giáo Dục

Với những thành công gặt hái được, năm học thứ 2 đứng trên bục giảng kết thúc, tôi vinh dự lần đầu tiên được bầu danh hiệu chiến sĩ thi đua và duy trì nó trong 25 năm.

Bước vào năm học mới 1972-1973. Một hôm, ông Hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Hiến (mới chuyển về thay cô Thuần) gọi tôi vào phòng riêng trao đổi. Ý ông cũng là ý ban lãnh đạo trường muốn cơ cấu tôi vào Ban chấp hành Đoàn trường. Quá bất ngờ, tôi đâm bối rối đành xin phép hiệu trưởng về suy nghĩ và trả lời vài hôm sau.

Chiều đó, tôi đến tâm sự cùng thầy Trần Ngọc Châu nơi căn phòng tập thể ở ngay đầu hồi dãy nhà có lớp tôi chủ nhiệm kề bên. Thầy hất hàm hỏi lại với giọng hơi bất thường:

– Thế Ký nghĩ thế nào?

– Dạ, thưa thầy, có hai điều em băn khoăn lắm. Một là sức khỏe em không bình thường. Hai là em chưa bao giờ đảm đương vai trò lãnh đạo. Em rất lo ạ!

– Lo chi con bò trắng răng! – Thầy Châu nói giọng chắc nịch. – Người lãnh đạo phong trào quyết định là ở cái đầu, cái tâm chứ đâu phải ở cái chân cái tay mà cậu lo không đủ sức khỏe.

Ngừng giây lát, thầy nhấn mạnh với nụ cười cởi mở:

– Thế còn việc không quen cứ làm rồi sẽ quen. Nếu cần, tớ sẽ hỗ trợ. Mạnh dạn nhận đi. Cơ hội đến, phải biết tranh thủ chớp lấy để khẳng định mình chứ! Còn chờ đến bao giờ nữa?

Được thầy Châu động viên, niềm tự tin trong tôi lớn dần. Hôm đại hội chi đoàn tôi trúng cử Ban chấp hành với số phiếu cao nhất và được giao làm Bí thư. Từ đó suốt 10 năm (từ 1973-1983) tôi đảm đương vai trò này ở trường cấp 2 Hải Thanh đến ngày chuyển về đơn vị công tác mới: trường Năng khiếu huyện Hải Hậu.

Để Chi đoàn đi vào hoạt động nề nếp, tôi quyết định hàng tháng duy trì sinh hoạt vào ngày 26 (hầu mong các đoàn viên luôn nhớ đến ngày thành lập Đoàn 26-3-1931). Buổi sinh hoạt kết thúc, bao giờ các đoàn viên cũng vui thêm khi được nhận “bồi dưỡng” là một tấm bánh chưng bà Thìn (một đặc sản nổi tiếng ở vùng quê Hải Hậu, Nam Định). Ý thức xung kích, sẵn sàng trong mọi hoạt động luôn được mọi đoàn viên giáo viên tự giác thể hiện.

Trọng trách của Chi đoàn nhà trường là lãnh đạo tổ chức cho liên đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh nhà trường hoạt động sao cho hiệu quả. Để đạt mục tiêu đó, không có con đường nào khác là phải luôn năng động tìm ra và thực thi những hoạt động cụ thể thiết thực.

Em Lưu Quang Khánh hiện là Vụ trưởng một vụ ở Bộ Kế hoạch đầu tư. Trong một lần thầy trò gặp nhau ở Hà Nội, em nhắc lại một kỷ niệm.

– Ngày đó, em là thành viên Ban chỉ huy Liên đội. Em nhớ mãi ngày ngày cứ vào giờ ra chơi là các học sinh trong trường; tốp thì háo hức đón nghe buổi phát thanh “Tiếng nói măng non”; tốp lại vây vòng trong vòng ngoài để xem bảng tin. Chính em là người được thầy hướng dẫn viết bài rồi cầm loa tay trèo lên cây bàng giữa sân trường làm nhiệm vụ “phát thanh viên” về gương nghìn việc tốt của các đội viên trong trường. Em cũng được thầy chỉ đạo cập nhật tin tức và dán báo Thiếu niên tiền phong hàng tuần lên bảng tin của liên đội. Bảng tin này được thầy tổ chức thiết kế và hoàn tất từ tay nhóm tổ mộc lớp thầy chủ nhiệm và được dựng ở gần cổng trường dưới gốc một cây bàng lớn.

Một hôm lên giao lưu với Trung Tâm bồi dưỡng Chính trị thị xã Đồng Xoài tỉnh Bình Phước năm 2014, tình cờ tôi gặp em cựu học trò Phạm Đình Cứ đang làm việc tại Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình thị xã. Thầy trò tay bắt mặt mừng, em hoan hỷ nhắc kỷ niệm hơn 40 năm về trước. Với chủ đề Đoàn Đội, em hăm hở chia sẻ:

– Em nhớ những buổi Đại hội Chi đội, Liên đội thời kỳ đó ở trường Hải Thanh ta năm nào cũng diễn ra rất trang trọng, hoành tráng. Lớp thầy bao giờ cũng được chọn làm mẫu cho các lớp học theo. Việc trang trí ở các đại hội này hầu như “một chân” thầy thực hiện. Mỗi chi đội ngày đó đều được mang tên một nhân vật lịch sử. Để niềm tự hào ấy luôn được khơi gợi, hâm nóng, thầy còn sáng tác cho mỗi lớp một bài hát về nhân vật đó. Lớp em được mang tên chi đội Võ Thị Sáu. Bài hát thầy viết cho lớp em ngày đó em nhớ mãi câu: “Chị Sáu ơi, chị Sáu ơi! Bao năm rồi chị đi xa mà bông hoa chị cài lên mái tóc đến nay còn thơm nức lòng chúng em…”. 

Em Phạm Đức Trọng hiện là phóng viên VTV đến thăm tôi nhân ngày 20-11-2015. Với giọng hào sảng đầy chất nghệ sỹ, Trọng cùng tôi ôn lại một chuyện vui vui:

– Em nhớ mãi, hồi đó nhóm học sinh siêu quậy chúng em mỗi sáng vào trường thường ít đứa nào đi theo lối cổng chính mà thường lẻn rẽ ngang qua hàng rào trồng cây xương rồng phía con đường lớn của xã. Mặc dù rất nhiều lần nhà trường nhắc nhở, kể cả kỷ luật cảnh cáo để răn đe nhưng nhiều đứa vẫn chứng nào tật ấy. Một hôm vào tiết chào cờ sáng thứ hai, với cương vị Bí thư Đoàn, thầy được giới thiệu lên nói trước toàn trường về vấn đề này. Cả trường lặng đi khi nghe thầy đọc 2 câu thơ:

Có đường có lối ta đi

Chui bờ rúc bụi khác gì chó chui.

Trọng phá lên cười làm cả tốp cựu học trò có mặt ở nhà tôi lúc ấy cùng cười theo. Rồi Trọng nhấn mạnh:

– Từ đó thật lạ, cứ nhớ đến hai câu thơ ấy của thầy là hầu như chẳng đứa còn dám chui bờ rúc bụi để lẻn vào trường nữa. 

Với những đóng góp được ghi nhận về công tác Đoàn Đội, tôi vinh dự được Trung ương Đoàn tặng Huy chương vì thế hệ trẻ.

(Còn tiếp)
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)