Y tế - Văn hóaThư giãn

“Tâm huyết trao đời – Tôi dạy học”: Làm thế nào để viết bảng?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà giáo, viên phấn và cái bảng luôn là sự song hành cố hữu từ xa xưa. Dạy học mà không viết bảng; điều này chưa hề có tiền lệ trong giáo dục. Nếu không tìm ra cách viết bảng tôi cảm thấy như mình có lỗi với học sinh nhiều quá. Nếu chỉ được nghe mà không được nhìn, sự ấn tượng về bài học của các em sẽ giảm đi không ít. Học trò học tôi liệu có bị thiệt thòi quá không? Có thấy nhàm chán tẻ nhạt không? Nếu không có cách khắc phục, không khéo tiết dạy của tôi sẽ chỉ là nói chuyện văn chứ không phải dạy văn.

Vậy làm thế nào viết được lên bảng? Đây là câu hỏi lớn luôn buộc tôi phải tìm ra lời giải càng sớm càng tốt trong mỗi tiết lên lớp tiếp đó. Nó trăn trở, thường trực trong tư duy của tôi suốt gần trọn một năm lên lớp đầu tiên mà vẫn chưa tìm ra đáp án ưng ý.

Thời gian vài tháng đầu, tôi sử dụng phương thức nhờ học sinh. Cứ vào đầu tiết học là một em có chữ viết chuẩn nhất (đã được tôi chọn và rèn từ trước) lên bảng viết giúp tôi tiêu đề bài học. Các nội dung tiêu mục chính, tôi dạy tới đâu em học sinh đó cập nhật tiếp đến đó. Song điều tôi băn khoăn là em học sinh này ít nhiều cũng bị ảnh hưởng đến việc theo dõi và ghi bài của em. Mặt khác, sự nhịp nhàng trong dạy và viết bảng xem ra nhiều khi bị “trục trặc” ngắt quãng. Đấy còn chưa nói đến chuyện vì chưa quen viết bảng nên chữ của trò lớp 6 vẫn là chữ của học trò vừa mới qua cấp 1 chưa lâu. Nó chậm chạp lại luôn bị trồi sụt, méo mó, xiêu vẹo, rất thiếu mỹ quan sư phạm.

Tôi quyết định phải tìm cách tự viết bảng bằng được. Sau nhiều ngày đêm thao thức, trăn trở, tôi nghĩ ra ý tưởng tự chế một công cụ trợ giúp. Đó là một đoạn cây trúc nhỏ, đường kính thân chừng 2-3cm, dài chừng 1m. Ở đầu đoạn cây, tôi gắn chiếc mỏ được cuộn bằng một miếng sắt tây cắt ra từ vỏ lon sữa. Nơi miệng chiếc mỏ ấy, tôi cho ngậm viên phấn ở thế vuông góc với thân đoạn trúc. Khi sử dụng, tôi ngồi trên chiếc ghế dựa dành cho giáo viên đặt gần góc bảng dùng chân phải cặp chặt phần đuôi gậy điều khiển để chiếc mỏ gậy có gắn phấn tỳ vào bảng viết các chữ theo yêu cầu.

Khi mọi việc hoàn tất, tôi háo hức mang đến lớp viết thử nghiệm vào một sáng chủ nhật vắng vẻ với dụng ý bí mật không để một đồng nghiệp hay học sinh nào hay biết. Tôi hí hửng mừng thầm khi ngay từ lần thử đầu tiên xem ra đã có hiệu quả. Vẫn ngồi ở ghế, chân không phải giơ cao mà vẫn viết được mấy chữ khá rõ ràng lên bảng. Cứ thế tôi say sưa thử nghiệm viết la liệt hết chữ này đến chữ khác, hết dòng này đến dòng khác cho đến khi tôi đã phải thay viên phấn đến lần thứ chín, thứ mười và chiếc bảng cũng không còn chỗ trống mới biết trời đã quá trưa từ lúc nào. Bấy giờ, tôi mới nhận ra bàn chân phải bị chuột rút co quắp, cứng đờ, đau điếng không tài nào duỗi ra được. Tôi đang ngồi nhăn nhó nén cơn đau, dùng bàn chân trái vuốt chân phải thì giật mình có tiếng thầy Châu nói lớn từ cửa lớp:

– Sao, Ký làm gì mà say sưa thế? – Thầy bước vào lớp và nhận ra công việc tôi đang làm liền đổi giọng vui vẻ. – À, tập thử nghiệm cách viết bảng mới hử? Dám nghĩ dám làm thế là tốt. Cứ viết đi, tớ nghiệm thu xem sao.

Thầy nói rồi vào ngồi ngay ở dãy bàn đầu tiên quan sát những dòng chữ trên bảng tôi vừa viết. Tôi lấy lại bình tĩnh, nén đau niềm nở chào thầy rồi gắng gượng viết tiếp thêm mấy chữ. Khập khiễng rời bục giảng, tôi cùng xuống ngồi bên thầy ở dãy bàn học sinh.        

– Thầy thấy chữ em viết bảng thế có chấp nhận được không ạ? – Tôi chủ động xin ý kiến thầy.

Thầy Châu cười mỉm, khẽ lắc lắc đầu với mái tóc hớt cao vừa chải ngược về sau để lộ vầng trán rộng.

– Tớ nói thật nhé. Nếu chữ viết bằng tay mà thế thì chỉ đáng điểm 0. Song cũng không thể ỷ vào việc viết bằng chân mà tự làm mất danh dự mình khi phải cầu xin sự cảm thông của trò. Kể ra, Ký nghĩ ra cách viết này là một ý tưởng sáng tạo. Song xem ra không ổn. Vì không cầm trực tiếp viên phấn mà phải điều khiển thông qua chiếc cần lại không bằng tay mà bằng chân nên chữ không thể chuẩn mực mô phạm được. Tốc độ cũng không thể nào nhanh được, kịp được lời giảng. Hơn nữa cứ viết theo kiểu này, sau mỗi giờ dạy, cậu phải nhập viện để điều trị đau chân mất.

Cả hai thầy trò cùng cười vui. Lặng im giây lát, thầy cao giọng khẳng định:

– Tớ nghe L. ca ngợi cậu dạy tốt lắm mà, có cần gì bảng đâu. Theo tớ thay bằng việc loay hoay suy nghĩ tìm cách viết bảng cậu nên ưu tiên dành thời gian tâm sức nghiên cứu kỹ nội dung, phương pháp từng bài dạy sao cho phù hợp, tối ưu nhất là tốt nhất.   

Sau buổi đó, về nhà suy nghĩ lại tôi thấy lời khuyên của thầy Châu có lý.

(Còn tiếp)
NGƯT
Nguyễn Ngọc Ký

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)