Y tế - Văn hóaThư giãn

“Tâm huyết trao đời – Tôi dạy học”: Mất dép

Tạp Chí Giáo Dục

Sau ba tiếng trống báo giờ, tôi đã có mặt ở cửa lớp 6B. Đây là lớp tôi vừa chủ nhiệm vừa dạy văn. Tôi khoan thai bước vào lớp trong không khí nghiêm trang đứng dậy chào của các em. “Vâng! Cảm ơn cả lớp! Xin mời các em ngồi!”. Nói xong tôi nhẹ nhàng nghiêng vai đặt chiếc túi xách xuống bàn giáo viên.

Phút kiểm tra bài cũ bắt đầu, tôi cắm cúi mở sổ: “Lê Thị Thêu lên bảng!”. Mệnh lệnh của tôi đã nhắc lại lần thứ ba vẫn không thấy bóng Thêu đâu. Thấy lạ, tôi đưa mắt nhìn xuống lớp, nhận ra ở góc lớp nơi bàn cuối, Thêu đang gục mặt xuống bàn khóc rấm rức. Thêu không thuộc bài, sợ quê nên làm vậy để thầy thương mà bỏ qua ư? Không, rất có thể Thêu đang gặp sự cố gì đó về gia đình hoặc về bản thân? Hay Thêu bị bệnh đột ngột? Nếu vậy thì nguy hiểm quá. Phải báo với nhà trường đưa em vào trạm xá cấp cứu thôi!

Sốt ruột, tôi liền gọi lớp trưởng đứng lên báo cáo. Em dõng dạc: “Dạ, thưa thầy! Bạn ấy bị mất đôi dép Tiền Phong của chú bạn ở Hải Phòng mới về tặng, trong tiết thể dục ở ngoài sân bãi. Sợ bị mẹ mắng nên bạn ấy khóc đấy ạ!”.

Vậy là chuyện đã rõ. Tôi sẽ cho dừng tiết học để điều tra thủ phạm? Không được! Mọi chuyện trong giáo dục cứ phải bình tĩnh, vội nóng hỏng việc. Hơn nữa, thời gian dành cho chuyên môn không thể cắt xén tùy tiện được. Nghĩ vậy tôi bình tĩnh động viên Thêu và trấn an cả lớp: “Thôi được! Hôm nay thầy cho Thêu khất. Hôm sau sẽ trả bài lại. Còn chuyện đôi dép của em, ta sẽ giải quyết vào giờ sinh hoạt thứ bảy hôm nay. Giờ em cứ bình tĩnh cùng cả lớp học bình thường nhé!”. 

Trong suốt tiết học, tôi để ý thấy Thêu vẫn gục mặt xuống bàn. Chắc là em vẫn xót xa lắm khi nghĩ đến đôi dép bị mất. Ngày đó (những năm thập niên 70 của thế kỷ trước), có được đôi dép nhựa Tiền Phong để đi là cả một mơ ước lớn của học sinh, nhất là ở vùng nông thôn như trường tôi.

Giờ sinh hoạt lớp bắt đầu. Phải giúp em tìm lại đôi dép quý bằng mọi giá. Nhưng bằng cách nào đây? Trước hết, tôi quyết định tác động vào ý thức tự nguyện thành khẩn, dũng cảm nhận lỗi của trò. Nhưng rồi tôi chỉ nhận được sự đáp trả bằng một không khí im phắc, nặng nề. Tôi sẽ cho khám túi cả lớp? Sẽ cho cả lớp bỏ phiếu kín tố cáo thủ phạm? Nhưng nếu tất cả đều nói không thì sao? Nếu vậy sẽ kêu gọi cả lớp ủng hộ tiền mua lại đôi dép mới cho Thêu? Ừ, có lẽ đơn giản nhất tôi sẽ tự bỏ tiền lương ra mua tặng em thôi! Nhưng vấn đề không chỉ ở đôi dép mà cái quan trọng là ở việc giáo dục lòng trung thực, thật thà của học sinh. Nghĩ vậy, tôi đi đến một quyết định mới: Cho cả  lớp ngồi im lặng suy nghĩ. Tôi yêu cầu em lớp phó đưa tôi ra chỗ “hiện trường vụ việc” để tìm hiểu thực hư. Sau khi đã tường tận mọi chi tiết, tôi quay trở về lớp. 

Với thái độ bình thản, tự tin, tôi chân thành nói với các em những lời gan ruột: “Các em ạ! Thầy vừa ra chỗ bãi lớp ta vừa học giờ thể dục tìm hiểu, thầy cho rằng việc đôi dép của Thêu bị mất chắc chắn không phải do ai lấy cắp. Rất có thể khi giờ học xong, cả lớp vội vàng ra chỗ để dép ở gốc dừa để lấy dép của mình, ai đó đã vô tình làm rơi dép của Thêu xuống hồ ngay kề đó. Trời hôm nay quá lạnh. Chắc dưới hồ, nước càng lạnh buốt. Vậy em nào dám dũng cảm xung phong lội xuống hồ mò đôi dép giúp Thêu cũng là giúp lớp, giúp thầy được bây giờ nhỉ?  Một phút im lặng trôi qua. Bỗng một cánh tay ở ngay bàn đầu vút giơ lên giữa tràng pháo tay của cả lớp. Tôi mừng hết nói khi nhận ra đó lá Phạm Vũ Phong, học sinh nổi danh quậy phá nhất khối. Khi Phong đã vù chạy ra khỏi lớp, để thay đổi không khí tôi bảo em quản ca cho lớp hát tập thể. Bài hát thứ hai vừa kết thúc, Phong hăm hở trở lại với đôi dép ướt nhèm trên tay. Cả lớp không ai bảo ai, ào đứng dậy vỗ tay reo hò không ngớt. Phong đỏ mặt bước nhanh tới trao dép cho Thêu trong nhịp vỗ tay vang rền giòn giã.

(Còn tiếp)
NGƯT
Nguyn Ngc Ký

Bình luận (0)