Buổi học chiều ở Trường Năng khiếu Hải Hậu hôm ấy kết thúc trong không khí bất thường. Nỗi nhớ thương bàng hoàng và hãi hùng như bao trùm cả lớp Văn 6 ngay sau đêm Son, người bạn thân thương vui tính có khuôn mặt trăng rằm với nước da trắng hồng, đôi môi lúc nào cũng rực đỏ như thoa son đột ngột ra đi vì đuối nước.
Bình Nguyên Trang gặp nhau trong Đại hội Nhà văn VN lần IX (Hà Nội tháng 7-2015) |
Sân trường thưa vắng dần những bước chân. Các thầy cô gần như cũng đã vội vã ai về nhà nấy trên những chiếc xe đạp cà tàng sau một ngày mải miết công việc. Lác đác đây đó, vài nhóm học sinh nội trú còn lại vào phòng thắp đèn sớm túm tụm tán gẫu.
Với túi sách trên vai, tôi thủng thẳng bước ra phía cổng trường định cuốc bộ về. Bỗng Ngọc Ánh, con gái tôi đạp xe tới với vẻ vội vàng, thông báo tin “khẩn”: “Ông ngoại xuống chơi, mẹ bảo bố về ngay’. Không thể chần chừ, tôi nhanh chóng định lên xe thì Quỳnh Trang (nay là nhà văn Bình Nguyên Trang) cùng mấy em nữ lớp Văn 6 từ đâu đến vây lấy tôi, đứa cầm tay, đứa níu áo, giọng tíu tít: “Thầy ơi! Thầy ơi! Thầy ở lại với chúng con đi. Chúng con sợ lắm!”. Nghe giọng đầy tha thiết khẩn cầu được phát ra từ gương mặt thất thần của các em, tôi sững người suy nghĩ: “Sao nhỉ, về hay ở lại đây? Nếu về thì tội cho các em quá. Ở lại, chịu thất lễ với cụ nhạc ư? Đã mấy tháng rồi cụ mới xuống chơi. Ở tuổi xưa nay hiếm lại đạp xe cả mấy chục cây số mà không về tiếp cụ sao đang nhỉ? Nhưng còn các em thì sao đây? Lẽ nào để mấy đứa con nít lóc nhóc sợ hãi ngủ trong căn phòng bị ám ảnh bởi hình ảnh của Son? Lương tâm người thầy lẽ nào bỏ rơi các em lúc này?”. Nghĩ vậy, tôi nảy ra ý mới.
Sau khi đã kể rõ ngọn ngành sự việc, tôi chau mày dịu nhẹ bảo Ngọc Ánh:
– Có lẽ bố phải ở lại với các em. Con về nói với mẹ sáng mai không có tiết dạy, bố sẽ về sớm tiếp ông.
Ánh giẫy nảy, phụng phịu:
– Không được đâu. Sáng mai có việc bận, ông về sớm mà. Mẹ bảo thế nào bố cũng phải về.
– Không, dứt khoát bố phải ở lại. Con cứ về nói thế với mẹ và xin lỗi ông cho bố!
Trước thái độ dứt khoát của tôi, Ánh đành quay xe về. Tôi lặng người nhìn theo cái bóng liêu xiêu của con trên chiếc xe đạp Nam Hà cũ kỹ trong bóng đêm chập choạng, một tay liên tục đưa lên quệt nước mắt.
Tối ấy, để trấn an các em, việc đầu tiên tôi làm là dụ các em đi bách bộ thăm thú con phố nhỏ Đông Cường viền quanh phía tây trường, nghỉ chân uống nước ăn kẹo dồi ở một quán cóc nhỏ, rồi ghé vào thăm nhà cô Đào (cùng dạy văn ở Trường Năng khiếu Hải Hậu). Hiểu ý tôi, cô vui vẻ rang lạc, rang đậu tương, đưa bỏng ngô mời. Thầy trò xả láng vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ đến gần khuya mới trở về phòng.
Biết các em rất nhạy cảm về hình bóng của bạn mới ra đi, tôi chọn đúng chỗ Son vẫn ngủ hàng đêm để nằm chung với các em. Vừa để tạo không khí vui vẻ, thoải mái hòng khỏa lấp cảm giác sợ hãi, vừa là cách để đảm bảo “công bằng” giải quyết cuộc tranh giành được nằm sát ôm thầy, tôi cho các em thi giải câu đố vui và thả thơ (do tôi sáng tác). Cứ em nào có đáp án đúng sớm nhất thì được ưu tiên nằm cạnh thầy. Tiếng tranh luận, tiếng cười vui làm náo động cả căn phòng. Rồi hàng loạt câu chuyện cổ tích ly kỳ, mới lạ do tôi đã đọc hoặc mới sáng tác cũng lần lượt được tôi tỉ tê kể với giọng thật “cổ tích”. Cứ thế, tôi đưa các em từ từ chìm vào giấc ngủ bình an lúc nào không hay. Còn tôi, cứ nằm im đấy nhưng mắt cứ thức chong chong. Trong ánh đèn dầu chập chờn, ngắm các “thiên thần” say giấc, tôi thấy lòng lâng lâng khó tả.
Khi tiếng chim báo sáng vừa hót vang, các em dậy đánh răng rửa mặt thì tôi vội vã đeo túi sách tạm biệt ra về. Gấp gáp rảo bước gần 5 cây số, tôi về tới nhà vừa lúc bà xã sắp bữa sáng. Hiểu tâm trạng tôi lúc này, tôi chưa kịp chào, cụ nhạc tôi đã bước ra cửa, khoan thai nhẹ vuốt chòm râu dài bạc trắng cười vui hỉ hả:
– Ồ! Con về sớm thế! Nghe cháu Ánh kể bố hiểu mà. Làm thầy thời nào cũng phải biết vì học trò như vậy mới phải đạo con ạ! (Cụ nhạc tôi vốn cũng là một ông đồ dạy chữ nho từ trước năm 1945.)
Vừa nói cụ vừa nhẹ nhàng gỡ chiếc túi xách trên vai tôi xuống treo vào chiếc đinh đầu cột. Tôi chỉ biết đứng lặng mím môi giữ cho những giọt nước mắt không chảy thành dòng trong cảm giác nghẹn ngào biết ơn.
(Còn tiếp)
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
Bình luận (0)