Là giáo viên của Trường Bồi dưỡng Giáo dục, cùng với nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên thông qua các chuyên đề, hàng năm tôi còn được phân công thẩm định thanh tra xếp loại trình độ tay nghề một số giáo viên bộ môn mà mình phụ trách.
Thầy Nguyễn Văn Tiến (người đứng giữa) trong buổi mừng sinh nhật tuổi 49 của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, 28-6-1996 |
Một hôm, tôi về Trung tâm Giáo dục thường xuyên của quận dự giờ ngữ văn của cô H. khối THCS. H. lâu nay vẫn nổi danh ương ngạnh, cá tính. Tôi thật bất ngờ khi chứng kiến tiết dạy của cô. Kiến thức cô đọng, chuẩn mực; phương pháp khá nhuần nhuyễn, hiệu quả; học sinh hiểu bài, có kỹ năng bộ môn tốt. Tôi tỏ lời khen và xếp loại đánh giá kết quả tiết dạy không chút dè dặt. Cô mừng vui và cảm động ra mặt. Để tôi khỏi ngạc nhiên về sự “lột xác” của mình, cô vui vẻ tâm sự cùng tôi về một kỷ niệm nhớ đời.
– Thầy biết rồi đấy, em vốn là một cô giáo “cá biệt” mà. Sở dĩ em có được sự tiến bộ hôm nay như thầy đánh giá, tất cả là nhờ công thầy trưởng phòng đấy ạ. Em nhớ những ngày đầu mới chân ướt chân ráo từ miền Bắc vào (do thầy ấy giúp đỡ), lại từ cấp 3 xuống dạy cấp 2 hệ giáo dục thường xuyên, mọi thứ với em đều ngỡ ngàng, bối rối. Kết quả hầu hết mọi kỳ kiểm tra, thi cử, các lớp em dạy đều thấp kém đến tệ hại. Thầy Tiến biết chuyện, một chiều kia liền gọi điện về trường thông báo sẽ về dự giờ của em trong tuần tới. Em lo sợ ngày đêm, gắng sức soạn giáo án, nhiều hôm đến quên ăn quên ngủ. Tiết dạy diễn ra khá trôi chảy. Để mắt nhìn xuống, thỉnh thoảng thấy thầy tủm tỉm cười. Em mừng thầm và thấy an tâm đôi chút. Mặc dù vậy, sau khi rời bục giảng em vẫn hồi hộp chờ nghe sự “phán xét” của thầy.
Song lạ thay, thầy không hề vội vàng “góp ý” như em mong đợi. Trong khi em đăm chiêu lo sợ thì thầy vẫn thản nhiên nói cười như không có gì đáng bận tâm. Vừa nhâm nhi ly cà phê, thầy vừa vui vẻ chia sẻ đủ chuyện. Chuyện đông, chuyện tây, chuyện mây, chuyện gió, chuyện giáo dục, chuyện thời sự. Em thầm nghĩ chắc giờ dạy không có vấn đề gì nên thầy mới hài lòng và thoải mái chuyển “chủ đề” như vậy. Có đến mười lăm phút trôi qua, thầy mới dừng câu chuyện, nhẹ tay để ly cà phê xuống bàn đột ngột hỏi em: “Sao, thế cô có nhớ từ nãy tới giờ tôi nói gì không?”. Em ngớ người, lúng túng, mặt bừng nóng, ấp úng đáp: “Dạ, em cũng mang máng thôi ạ!”. “Vậy nghĩa là chẳng có nội dung nào cô nắm chắc, đúng không?”. Dừng giây lát, thầy cười nhìn em nhấn mạnh: “Và tiết dạy của cô hôm nay cũng giống như vậy thôi. Cô nói nhiều, giảng nhiều, tâm huyết đấy nhưng học trò có nắm được gì đâu. Cô cần kịp thời thay đổi ngay nhé!”. Chính nhờ cách góp ý rất nhẹ nhàng song vô cùng thâm thúy của thầy trưởng phòng hôm ấy mà em có hôm nay đấy thầy ạ!
Câu chuyện của cô H. làm tôi xúc động thực sự. Tôi bất ngờ hiểu thêm về thầy trưởng phòng Nguyễn Văn Tiến. Thầy không chỉ tâm huyết, năng lực mà còn rất chân tình, khéo léo, sâu sắc đến mức nghệ thuật mọi quan hệ tiếp túc với các đối tượng giáo dục.
Nhớ một sáng xuân 1995 ngập tràn hoa và nắng cùng sắc đỏ màu cờ, tôi đến chúc tết thầy. (Thời điểm này, gia đình thầy vẫn tá túc ở một gian nhà tập thể trường Phan Tây Hồ. Thầy đã bị bệnh tiểu đường và suy thận nặng. Đến cuối năm 1997, thầy đột ngột ra đi vẫn trong cảnh không nhà riêng, không hộ khẩu thường trú thành phố dù thầy đã chuyển từ Hà Nội vào từ năm 1973, làm trưởng phòng từ năm 1983). Món quà còn lưu mãi trong tâm hồn mà tôi được thầy tặng hôm đó là được nghe thầy đọc bài thơ xuân rất xuân và ngẫu ngứng:
“Tình ta đã trải những tháng ngày
Mưa buồn trăng đẹp nắng mê say
Sáng nay em đến cùng xuân đến
Nơ tím cài đầu áo trắng bay”.
Tôi còn được nghe một chuyện thật xúc động. Một tối, thầy vào một cửa hàng giải khát ở quận 1 thì tình cờ gặp một nữ sinh quê Gò Vấp mồ côi cả cha và mẹ, phải ở với bà ngoại ngày ngày bán vé số; tranh thủ vừa đi học vừa đi làm thêm buổi tối ở quán này. Thế là từ đó suốt ba năm, cứ tháng tháng, thầy lại tìm cách gặp cô sinh viên ấy để gửi em chiếc phong bì nhỏ bớt ra từ đồng lương ít ỏi của mình để giúp em có điều kiện duy trì việc học đến ngày hoàn tất chương trình đại học.
Lại nhớ ngày 10-1-1996, trong buổi gặp giáo viên chủ nhiệm tại phòng, khi tôi cập nhật tư liệu phục vụ chuyên đề: “Công tác chủ nhiệm lớp ở các trường quận Gò Vấp”, thầy nói:
– Có giáo viên, khuyết điểm của học sinh chưa đáng gì đã viết giấy đòi cha mẹ học sinh gặp mình tại trường. Các đồng chí biết ta có việc của ta, họ có việc của họ. Tại sao cứ đòi họ làm theo ý ta, trong khi bản thân ta chưa làm hết nghĩa vụ của mình. Phải đến thăm nhà học sinh, mới hiểu được hoàn cảnh học sinh, biết được nguyên nhân phạm lỗi của các em, ta mới có được sự cảm thông với các em, được các em và gia đình hiểu ta, thương mến, tin tưởng ta. Và từ đó, mọi kế sách giáo dục mới hy vọng đạt hiệu quả.
Thầy trưởng phòng Nguyễn Văn Tiến là thế. Rất lãng mạn tài hoa, song cũng rất thực tế, sâu sát. Thầy luôn đặt lợi ích của trò, của phụ huynh lên trên hết, sẵn lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì mọi người mà quên mình, quên bệnh tật. Phải chăng đó cũng là lý do đã góp phần đưa giáo dục Gò Vấp từ một quận ven nghèo trở thành hình mẫu tiêu biểu của cả thành phố mang tên Bác?
Bài học về cách góp ý phê bình của thầy đã để lại cho những cán bộ làm thanh tra chuyên môn như chúng tôi thêm bài học khó quên.
(Còn tiếp)
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
Bình luận (0)