Y tế - Văn hóaThư giãn

“Tâm huyết trao đời – Tôi dạy học”: Về với thành phố hoa phượng đỏ

Tạp Chí Giáo Dục

 

(Tiếp theo kỳ trước)

Trở về Hà Nội, tôi và Hòa đến ngay số 19 Lê Thánh Tông báo cáo sự việc với phòng tổ chức của trường. Để tôi khỏi thất vọng, thầy trưởng phòng an ủi:

– Rồi! Ký cứ yên tâm. Trước sau nhà trường cũng sẽ liên hệ tìm cho em một công việc phù hợp. Cứ kiên nhẫn chờ đợi nhé. Đừng nóng vội!

Hai chúng tôi không quên qua phố Nguyễn Du thăm thầy Hoàng Như Mai như một thói quen cố hữu mỗi dịp qua Hà Nội. Vừa thấy chúng tôi từ cửa, thầy đã vồn vã:

– Ồ, hay quá! Thầy có việc đang cần Ký mấy hôm nay mà chưa biết liên hệ ra sao. Thế nào, chuyến về Ty Giáo dục Nam Hà vừa rồi tốt đẹp chứ?

– Dạ, thưa thầy, chán lắm! Họ khăng khăng nói không rồi ạ! – Hòa lễ phép trả lời.

– Thôi được rồi. Để thầy nói với anh Việt Phương (thư ký riêng của bác Đồng và là bạn thân thiết của thầy Mai). Anh ấy sẽ báo cáo lại với Thủ tướng việc này. Ký cứ yên tâm. Khi bác Đồng trực tiếp có ý kiến chắc mọi chuyện sẽ xuôi thôi.

Thầy dừng lời, pha trà mời. Biết tôi không thể tự uống được thầy nhẹ nhàng nâng ly lên miệng tôi. Thầy điềm tĩnh nói tiếp:

– Bây giờ có việc này, Ký gắng thực hiện nhé. Vừa qua, thầy có chuyến về Hải Phòng công tác. Mấy anh ở Ty Giáo dục và Thành đoàn Hải Phòng biết mối quan hệ của thầy trò ta liền ngỏ lời qua thầy mời Ký về thành phố giao lưu với các trường trong vòng một tháng. Họ thiết tha lắm. Công văn mời họ đã gửi sẵn đây rồi. Nếu Ký đồng ý sáng 27 tháng 10 này sẽ mang xe đến La Khê đón. Thầy cũng trình bày với họ việc Ký phải có người đi kèm để giúp đỡ trong sinh hoạt. Họ đồng ý ngay. Hòa cũng chưa có nơi công tác đúng không? Thôi vậy Hòa đi tháp tùng luôn cùng Ký nhé! Hay quá! Thành phố Cảng, nơi sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm, quê hương của hoa trạng nguyên, họ rất hiếu học nên vô cùng hiếu khách. Thầy tin Ký đi được chuyến này sẽ thu hoạch được nhiều điều thú vị lắm đó.

Hòa nhìn tôi cười khích lệ:

– Thế thì đi thôi Ký ơi! Cơ hội để ta biết thế nào là thành phố hoa phượng đỏ. Hơn nữa, chuyến đi vào thời điểm này sẽ giúp Ký giải tỏa những gì đang trĩu nặng trong lòng bởi sự không như ý trong chuyến về Nam Hà vừa rồi.

Thấy tôi còn chần chừ, thầy Mai nhấn mạnh:

– Phải đó! Phương Tây có câu danh ngôn rất hay: “Mọi sự thừa đều là nguyên nhân của đau khổ”. Em đi chuyến này sẽ cắt được cái thừa về thời gian, về những suy nghĩ vẩn vơ tiêu cực trước bối cảnh phấp phỏng chờ việc làm. Thôi, quyết nhé! Thầy sẽ thông báo để họ yên tâm triển khai kế hoạch.

Không biết nói gì thêm, tôi đưa mắt nhìn Hòa. Cả hai cùng cười vui với lời khẳng định:

– Vâng! Chúng em quyết ạ!

***

Xe chở chúng tôi tới Hải Phòng lúc cuối chiều. Một không khí khác hẳn Hà Nội. Đường phố bình lặng yên ả. Nhà cao tầng gần như vắng bóng. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, anh lái xe giải thích:

– Đây là thành phố lao động, rất hiếm khách vãng lai như ở thủ đô nên giờ hành chính các anh thấy đấy, đường phố gần như rất ít xe cộ và người qua lại.

Im lặng giây lát anh hất hàm chỉ tay:

– Các anh có nhận ra đám mây trắng đục mờ mờ ở trước mặt phía tay trái kia không? Khói nhà máy xi măng đấy. Hải Phòng tự hào về nhà máy này, song cũng cực về nó lắm. Nhất là khoản khói bụi thì khỏi phải nói.

– Phải chấp nhận thôi. Trên đời này cái gì chẳng tồn tại hai mặt đối lập. – Vị cán bộ Ty Giáo dục đi tháp tùng đón chúng tôi lên tiếng một câu đầy tính triết lý làm mọi người cùng cười vui vẻ.

Trong trọn một tháng, tôi đã được mời đến giao lưu ở hơn 50 địa chỉ. Có ngày cả sáng chiều và tối. Có trường cách xa trung tâm thành phố cả mấy chục cây số. Hôm đi về trường học sinh miền Nam ở Tiên Lãng thật khó quên. Đường đã xa, đã gập ghềnh lồi lõm, ổ gà ổ voi liên tiếp (hậu quả của những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ thời kỳ 1965-1968); trong chiếc xe con Rumani “vừa đi vừa đẩy” người cứ lắc lư như lên đồng, chốc chốc còn bật lên phịch xuống như xóc ốc lại phải qua bến phà Khuể đợi chờ trần ai tới cả hai ba tiếng đồng hồ. Xe vừa lên khỏi phà anh cán bộ Ty Giáo dục nói vui: “Qua bến khổ ta bắt đầu vào đất Tiên rồi mọi người ơi!”. Ai nấy cùng òa lên cười sảng khoái. Khi tới trường, biết các em đã tập trung chờ cả tiếng, không nghĩ gì đến mệt mỏi, tôi vội vàng lên diễn đàn ngay.

Lâu nay, tiếng đồn về học sinh miền Nam rất bướng bỉnh, rất “kiêu binh”, nay lần đầu tiên gặp gỡ giao lưu, tôi phấp phỏng một tâm trạng không mấy tự tin. Quả thật, lúc đầu không khí rất ồn ã, nhốn nháo. Tôi quyết định lấy lại bình tĩnh bằng một hơi thở thật sâu rồi lên giọng thuyết trình tiếp. Với nội dung thật mạch lạc, rành rọt; với ngữ điệu khi khoan thai nhấn nhá lúc dồn dập tuôn trào; với cảm xúc chân tình nồng cháy hết mình, tôi bất ngờ khi thấy cả hội trường từ từ im phắc rồi chốc chốc lại rộ lên tràng pháo tay ngẫu hứng đồng loạt khiến cảm hứng vui mừng, tự tin trong tôi mỗi lúc một tăng thêm.

Không chỉ đến các trường học, Hải Phòng còn trân trọng mời tôi tới giao lưu với nhiều địa chỉ ngoài học đường. Một buổi tối gặp gỡ nói chuyện với gần 500 các chị em công nhân xí nghiệp Len đã để lại trong tôi ấn tượng khó quên. Các chị, ai nấy tay vẫn thoăn thoắt kim đan mắt vẫn hướng về phía tôi chăm chú lắng nghe không sót một chi tiết nào. Đến với nhà máy xi măng Hải Phòng không chỉ vui vì được giao lưu với cả ngàn công nhân mà lần đầu tiên còn được tham quan tìm hiểu quy trình vận hành của nhà máy. Vinh dự xúc động nhất là buổi lên tham quan giao lưu với thủy thủ tàu Sooc-Sniu-Gooc đang đậu ở cảng Hải Phòng. Lần đầu tiên được ăn bữa cơm Nga, được gặp gỡ bằng xương bằng thịt những người lính Xô Viết anh hùng mà chứa chan chân tình bình dị thân thiện. Mấy vị chỉ huy tàu vây lấy tôi chuyện trò vui vẻ như đã quen biết từ lâu. Ai cũng tỏ ra xúc động khi tôi trực tiếp dùng chân trân trọng viết tặng mỗi vị cuốn sách “Những năm tháng không quên”. Ông Chính ủy tàu nhận sách, ôm chặt tôi vào lòng mắt rưng rưng nói một câu đầy cảm kích: “Ở Nga, tôi đã từng gặp Nikolai Ostrovsky hiện thân của Pavel tác giả “Thép đã tôi thế đấy”. Giờ đến đây, tôi lại được gặp Nguyễn Ngọc Ký – Paven  của Việt Nam.”

(Còn tiếp)
NGƯT Nguyn Ngc Ký

Bình luận (0)