Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tấm lòng Bác Hồ với người cao tuổi tham gia kháng chiến

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

m 1948 là một trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, đầy thử thách của dân tộc Việt Nam.Nơi núi rừng Việt Bắc nổi tiếng “rừng thiêng nước độc” nhưng cũng là nơi thử thách ý chí và nghị lực con người.

Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc đã có những bài thơ hay về cảnh núi rừng Việt Bắc, về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Đặc biệt là tấm lòng của Bác đối với các vị nhân sĩ yêu nước dù tuổi cao vẫn hăng hái tham gia kháng chiến của toàn dân:

Khán thư sơn điểu thê song hãn/Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì/Tiệp báo tần lai lao dịch mã /Tư công tức cảnh tặng tân thi -1948  (Tặng Bùi Công)

Dịch nghĩa: Khi xem sách, chim rừng đậu ở song cửa sổ/Lúc phê công văn, hoa xuân soi bóng trong nghiên mực/Tin thắng trận dồn dập làm vất vả con ngựa trạm/Nhớ cụ, mới tức cảnh làm bài thơ tặng cụ.

Dịch thơ:

Xem sách chim rừng vào cửa đậu

Phê văn hoa núi ghé nghiên soi

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa

Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài.

1948

 (Tặng cụ Bùi)         

Cảnh núi rừng Việt Bắc hiện lên thật thơ mộng, thật hài hòa, trong trẻo, tươi vui trong buổi sáng mùa xuân:

“Xem sách chim rừng vào cửa đậu

Phê văn hoa núi ghé nghiên soi”.

Hai câu (đề và thừa) như một cặp câu đối: sự hài hòa, cân xứng, cân bằng giữa con người và cảnh vật. “Xem sách” thì có “chim rừng vào”, “phê văn” thì có “hoa núi ghé” – cặp câu thơứng nhịp nhàng, tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng sống động. Thiên nhiên không ở đâu xa, thiên nhiên không xa lạ với con người mà quấn quýt bên con người như người bạn hiền thân thiết.  

Hình ảnh “chim rừng vào cửa đậu, hoa núi ghé nghiên soi” còn cho người đọc cảm nhận được thiên nhiên vô cùng gần gũi, chủ động đến với con người như muốn chia sẻ niềm vui trong một buổi sớm mùa xuân.

Phải có một tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết, coi thiên nhiên là người bạn chia sẻ tâm tình thì mới thấy được hồn vía của thiên nhiên như vậy. Bác đã từng thấy, từng nghe “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”  (Cảnh khuya) của núi rừng Việt Bắc trong một đêm trăng đầy thơ mộng.

 Nét chấm phá của bức tranh thủy mạc gợi lên bao điều suy tưởng. Những hình ảnh được chọn lọc, được sắp xếp theo mạch cảm xúc của tâm trạng con người. Chưa thấy hình bóng con người nhưng điểm nhìn của con người mới tạo ra hình ảnh của cảnh vật. Con người thanh thoát, con người yêu đời, yêu cuộc sống, luôn tìm thấy niềm vui trong mọi hoàn cảnh vẫn thấp thoáng ở phía sau bức họa thiên nhiên. 

Tin chiến thắng dồn dập đưa về, con ngựa trạm đưa tin chạy suốt ngày dường như không nghỉ. Dù mệt mỏi nhưng chú ngựa vẫn băng băng trên khắp nẻo đường đầy dốc cao vực thẳm để mang tin vui sốt dẻo đến cho mọi người (Tin vui thắng trận dồn chân ngựa)…

Giữa những tin thắng trận đó, Bác nhớ da diết tới cụ Bùi và viết bài thơ tặng người trí thức yêu nước, một bậc cao niên nhiệt tình tham gia kháng chiến (Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài). Bác kính trọng, cảm phục tinh thần yêu nước, thương nòi của cụ Bùi với một thái độ chân thành, chân thực và đồng cảm sâu xa.

 Cụ Bùi Bằng Đoàn (1889-1955) là một con người học rộng tài cao, quê làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh  Hà Đông. Cụ đã đỗ cử nhân, tốt nghiệp Trường Hậu Bổ, làm tri huyện, tuần phủ rồi Thượng thư (như Bộ trưởng bây giờ) Bộ Tư pháp triều đình Bảo Đại. Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ là nhân sĩ yêu nước tham gia kháng chiến chống Pháp, được bầu làm Trưởng ban Thường vụ Quốc hội khóa một.

Bác nhớ cụ Bùi là nhớ tấm gương yêu nước, nhớ người bạn thơ. Dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ vẫn tham gia kháng chiến cùng dân tộc. Đó chính là tấm gương, là niềm tin kháng chiến sẽ thành công vì có những con người một lòng một dạ đi theo kháng chiến, đi theo tiếng gọi của non sông …

Bên cạnh đó, Bác còn làm thơ tặng cụ Võ Liêm Sơn, một nhân sĩ yêu nước tham gia kháng chiến quê ở Hà Tĩnh nhân dịp Bác gặp cụ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (từ ngày 16 đến ngày 20-7-1948 tại chiến khu Việt Bắc):  

“Thiên lý công tầm ngã/Bách cảm nhất ngôn trung/Sự dân nguyện tận hiếu/Sự quốc nguyện tận trung/Công lai ngã hân úy/Công khứ ngã tư công/Tặng công chỉ nhất cú:/Kháng chiến tất thành công – 1948”

Dịch thơ: Ngàn dặm cụ tìm đến/Một lời trăm cảm thông!/Thờ dân tròn đạo hiếu/Thờ nước vẹn lòng trung/Cụ đến, tôi mừng rỡ/ Cụ đi, tôi nhớ nhung/Một câu xin tặng cụ:/ “Kháng chiến ắt thành công!”.

Bác Hồ luôn dành những tình cảm thân thiết nhất cho các cụ, cho các nhân sĩ yêu nước với tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công ). Mỗi lời thơ của Bác chan chứa tình đời, tình người mà câu chữ không thể nào nói hết được. Đó chính là sự súc tích, sự chọn lựa từ ngữ sắc sảo, có sức chứa, sức nén mà vẫn giản dị lạ thường (khán, thư, sơn, điểu, song, phê, trát, xuân, hoa, nghiễn, trì, tiệp báo, lao, mã, tư, công , tân thi…).

Người đọc không còn thấy bóng dáng của câu chữ mà chỉ thấy hiện lên một tấm lòng trải rộng tình thương yêu, tình cảm riêng của Người hài hòa trong tình cảm chung dân nước. Tấm lòng cao đẹp của Bác thật bao dung, ôm ấp tất cả, cho tất cả chẳng để lại riêng mình một chút riêng tư (Bác ơi tim Bác mênh mông thế /Ôm cả non sông, mọi kiếp người – Tố Hữu).

LÊ LAM HỒNG

Bình luận (0)