- 1 Tấm lòng của cựu điệp viên tình báo A10
Sáng sớm ở Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa, ánh nắng chiếu lấp lánh qua khung cửa kính, soi rõ mái tóc muối tiêu và đôi mắt nheo nheo của một người đàn ông đang dán chặt ánh nhìn vào dãy màn hình camera giám sát. Đó là bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy – Giám đốc trung tâm, đồng thời là một cựu điệp viên tình báo A10 từng hoạt động trong lòng địch với bí danh Năm Quang. Ông đang dõi theo từng chuyển động của những đứa con đặc biệt – những người trẻ từng lạc lối vì ma túy.

Từ chiến sĩ tình báo đến người cha của những cuộc đời lầm lỡ
Tiếng cửa bật mở bất ngờ, kéo ông ra khỏi trạng thái tập trung. Một giọng nói gấp gáp vang lên: “Bác Duy ơi, có ca cấp cứu!”. Ngay lập tức, người đàn ông 76 tuổi lập tức sải bước về phía phòng bệnh. Một cô gái trẻ đang trong cơn biến chứng vì tăng huyết áp – hậu quả từ tiền sử bệnh tim – đang cần sự can thiệp khẩn cấp. Sau khoảng nửa giờ, bác sĩ Duy trở ra với nụ cười nhẹ nhõm: “Ổn rồi. Con bé có vấn đề tim mạch, nhưng đã vượt qua được”. Những tình huống như vậy diễn ra hàng ngày tại trung tâm. Có ca bệnh thật, có ca “giả vờ” để trốn trại, nhưng ít ai qua được mắt của “bố Duy”.
Quê gốc ở Nghệ An nhưng lớn lên tại miền Nam, chàng trai Khánh Duy ngày ấy từng là một sinh viên y khoa đầy nhiệt huyết, hoạt động trong phong trào đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1973, ông bước vào đời với hai thân phận song song: một bác sĩ quân y và một chiến sĩ tình báo dưới lớp vỏ bọc hoàn hảo. Giữ vai trò Cụm phó cụm điệp báo A10, Năm Quang nhận lệnh từ đồng chí Mười Hương thâm nhập vào Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ của quân đội Sài Gòn, làm bác sĩ trưởng quân y nhằm phục vụ công tác tình báo nội thành.
Chứng kiến tận mắt những người lính địch phê ma túy và hành xử hung bạo, ông bắt đầu hình thành mối căm thù sâu sắc với chất gây nghiện. “Khi lên cơn, họ không còn là con người. Những cảnh tượng ấy ám ảnh tôi suốt đời”, ông nhớ lại. Sau 1975, khi chiến tranh kết thúc, ông quay lại với danh tính thật và tiếp tục phục vụ trong ngành an ninh, từ công tác phản gián đến vị trí bác sĩ trưởng tại trại giam Chí Hòa. Chín năm tiếp xúc với hàng trăm tù nhân nghiện ma túy, cộng với vai trò hội thẩm trong các phiên tòa liên quan đến ma túy, ông dần nhận ra rằng: “Kẻ địch mới” của thời hậu chiến không còn mang súng, mà đến từ những cơn nghiện trắng tinh khôi nhưng giết người không dao.
Năm 1999, khi mới 52 tuổi, bác sĩ Khánh Duy quyết định xin nghỉ hưu sớm để thực hiện một sứ mệnh khác: thành lập Trung tâm cai nghiện Thanh Đa. Với ông, đó là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời, đánh dấu sự chuyển mình từ một người lính tình báo thành một người cha của hàng chục nghìn cuộc đời lầm lỡ.

Ban đầu, trung tâm chỉ tiếp nhận vài chục học viên. Lực lượng mỏng, thiếu chuyên môn và tài liệu. Cơn nghiện khiến người trẻ trở nên bạo lực, khó kiểm soát. Các cán bộ, kể cả ông, thường xuyên bị học viên tấn công. “Có bữa các con đánh nhau loạn xạ, tôi và anh bạn đồng nghiệp phải xông vào can. Có người sợ quá bỏ nghề luôn”, ông kể. Thiếu tài liệu chuyên ngành, ông lặn lội đi khắp nơi, tham gia các hội nghị trong và ngoài nước để học hỏi. Vốn kiến thức từ trường y, cộng với sự kiên trì nghiên cứu, đã giúp ông tự viết nên một giáo trình cai nghiện bài bản, kết hợp cả y học và tâm lý, được sử dụng rộng rãi tại trung tâm.
Đến nay, trung tâm đã tiếp nhận hơn 20.000 học viên. Từ một nơi còn non trẻ, Thanh Đa đã trở thành một mái nhà thứ hai, có kỷ luật, có yêu thương và có cả tiếng cười. Dưới sự quản lý của “bố Duy”, mỗi ngày đều bắt đầu bằng việc tập thể dục, dọn vệ sinh, học kỹ năng sống. Trung tâm còn đầu tư xây dựng không gian sinh thái xanh mát, có hồ bơi, phòng chiếu phim, karaoke, bóng bàn… – như một cách phục hồi tinh thần cho người nghiện.
“Nghề này là nghiệp”
Bác sĩ Duy còn nhớ rất rõ Trinh – cô bé mồ côi cha mẹ, nghiện bóng cười, vào trung tâm lúc mới 18 tuổi, trong trí nhớ của ông, cô bé là người hoạt bát, tuổi đời còn rất trẻ. Thời gian đầu, Trinh phản kháng dữ dội, đập phá đồ đạc, từ chối hợp tác. “Tôi hiểu con bé thiếu tình thương nên phải gần gũi, chia sẻ, giao cán bộ kèm sát”, ông nói.
Hơn một năm sau, Trinh hồi phục. Cô từng năn nỉ được ở lại trung tâm làm việc, phụ giúp “bố” – nhưng ông từ chối.
Khi được hỏi, điều khiến cựu điệp viên tình báo A10 – bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy gắn bó lâu dài với nghề, ông chỉ cười: “Vì tôi thấy vẫn còn sống có ích. Và khi nào tôi còn có thể làm việc, tôi vẫn sẽ ở đây, với các con của mình”. |
“Không riêng Trinh, nhiều em muốn vào trung tâm thăm bạn cũ, xin làm việc, song tôi bảo con hãy quên quá khứ ở nơi này đi. Ký ức hồi tưởng đối với người nghiện ma túy rất nguy hiểm, tôi không muốn các con lại ngựa quen đường cũ”, ông nói dứt khoát.
Không chỉ Trinh, hàng trăm thanh niên khác cũng từng quay về xin làm tình nguyện viên. Có người gọi ông là “ông ngoại”, như anh Lê Hoàng Sơn, 39 tuổi, quận Tân Phú – người từng tái nghiện đến gần chục lần. “Ông ngoại khó tính lắm nhưng rất tình cảm. Từ đại ca lớn nhất ở đây ai cũng thương hết. Mỗi lần đánh nhau, ông ngoại lớn tuổi vậy á, mà cũng ráng la lên rồi xông vào can ngăn mọi người. Mình rất nể. Mong ông nhiều sức khỏe gắn bó lâu với tụi mình”, anh Sơn tâm sự.
Dù đã lên kế hoạch chuyển giao dần công việc cho thế hệ sau trong suốt 10 năm qua, nhưng bác sĩ Duy vẫn đến trung tâm mỗi ngày, trở về nhà khi các học viên đã yên giấc. Mắt ông vẫn dõi theo từng camera đến tận khuya. “Tui không yên tâm nếu không theo dõi. Có chuyện gì còn kịp xử lý”, ông nói.
Ông cho biết mình chỉ còn đủ sức làm thêm vài năm nữa. Điều khiến ông day dứt không phải là tuổi tác, mà là làm sao giúp được thêm nhiều người trẻ đang chật vật với cơn nghiện nhưng lại không có điều kiện kinh tế. “Chi phí cai nghiện không nhỏ, trong khi phần lớn các con đều xuất thân nghèo khó. Tôi mong có thêm những mạnh thường quân đồng hành, giúp các con có cơ hội tái sinh”, ông chia sẻ.
Thương Nguyên
Bình luận (0)