Trưa ngày 6-12, tin thầy Nguyễn Tri Chính ra đi, cả tòa soạn Báo Giáo Dục lặng im trong tiếng thở dài, tiếc thương vô hạn về một nhà giáo, nhà báo, nhà văn cả đời mình dành trọn cho ngành giáo dục.
Ngày mới vào tòa soạn Báo Giáo Dục TP.HCM, cảm nhận của tôi về thầy là một người ít nói và có vẻ lạnh lùng. Qua những ngày gắn bó, tôi biết nhận định của mình đã sai, bởi đằng sau khuôn mặt có vẻ lạnh lùng ấy là cả một tấm lòng nhân hậu, vị tha.
Tôi bén duyên với nghề báo bằng công việc của một anh phát hành, rồi tôi tập tành viết báo. Sau những bài lên khuôn, thầy vỗ vai tôi rồi nói: “Cố lên, em viết được, nhưng câu cú cần chăm chút thêm”. Từ lời động viên đó, tôi bắt đầu tìm đề tài và lao vào viết như chưa từng bao giờ được viết. Nghe tin thầy bệnh hai lần tôi vào bệnh viẹn thăm thầy, những lần trước tôi thấy thầy còn khỏe lắm, thầy còn nói đùa với tôi: “Thầy chưa chết được đâu, chắc tuần sau là thầy ra viện được rồi”. Tôi biết, với căn bệnh nan y, nó không chừa bất cứ người nào. Nhưng nhìn ánh mắt sáng rực ẩn sau đôi lông mày dài, tôi thấy thầy còn tự tin và vui vẻ lắm. Sáng ngày 5-12, chúng tôi vào thăm thầy lần thứ ba cũng là lần cuối được gặp thầy, cũng tại căn phòng mà hai lần trước thầy nằm. Tôi thấy thầy đã yếu lắm rồi. Tôi nghĩ xấu: “Không biết thầy có qua khỏi được không”. Linh cảm mách bảo tôi, điều tồi tệ nhất sắp xảy ra. Đôi mắt thầy tuy không còn nhanh nhẹn nhưng vẫn còn nhận biết được chúng tôi đến thăm. Biết là thầy khó qua khỏi nhưng không ngờ rằng chỉ sau một ngày, thầy đã vĩnh viễn ra đi!
Một lần ngồi uống cà phê vỉa hè, một anh trong cơ quan nói với tôi: “Nếu không có thầy chỉ bảo, tôi chắc không được như hôm nay. Rất nhiều người ở tòa soạn được thầy chỉ bảo như tôi”. Phóng viên Thanh Hải chia sẻ: “Thầy ngồi đọc đi đọc lại từng câu, từng từ của bài viết. Ngày trước tôi thấy sợ thầy vì thầy hay chỉ chỗ sai. Dần dần tôi mới hiểu ra và biết ơn thầy nhiều lắm!”. Còn với riêng tôi, vẫn nhớ như in lời thầy dặn: “Nghề báo là nghề khổ, nhưng đòi hỏi người theo nghề phải cố gắng, quan trọng nhất là cần có một tấm lòng. Có tấm lòng trong sáng ngòi bút của mình mới “ngay thẳng” được”. Câu nói ấy có lẽ sẽ trở thành hành trang theo tôi suốt cuộc đời viết báo sau này.
Các tác phẩm đã xuất bản: Dòng sữa mẹ (tập truyện, 1970), Mưa trong mắt nai (tùy bút, 1970), Giấc mơ thanh bình (Thơ, 1970), Lời trần tình dâng mẹ cha (thơ, 1997), Thơ nhà giáo TP.HCM tập I, II (thơ, in chung, 1998), Hương hoa sứ (truyện, 2003)… |
Trước khi về Báo Giáo Dục TP.HCM, thầy đã là một nhà giáo, một người làm công tác quản lý giáo dục. Thầy đã mang cái tâm trong sáng của nghề giáo vào trong nghề báo. Thầy tham gia trong nhiều lĩnh vực vừa làm báo, làm thơ, viết văn… ở lĩnh vực nào thầy cũng để lại những tác phẩm được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Trong đó làm thơ về nghề giáo là thầy tâm đắc nhất. Thầy nói: “Cả đời tôi gắn với ngành giáo dục, nên tôi luôn hướng cái tâm và ngòi bút của mình vào nghề giáo. Và đề tài này làm tôi tâm đắc nhất”. Trong một dịp tâm sự với thầy, nhìn thầy tôi biết thầy vẫn còn tâm huyết với ngành giáo dục: “Thầy may mắn từ trước đến nay đã dành trọn cho ngành giáo dục nên bây giờ thanh thản lắm”. Nhưng tôi đọc trong ánh mắt thầy vẫn có điều gì trăn trở. Gặng hỏi, thầy nói: “Ngành giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn. Thầy muốn cống hiến nữa nhưng tuổi cao, sức yếu không làm được nữa rồi. Mong các em mãi theo nghề”. Cho tới những phút cuối đời thầy vẫn dành trọn tâm, sức của mình cho nghề mà thầy đã chọn.
Tòa soạn giờ vắng bóng thầy, chúng tôi không còn được nghe những vần thơ về nhà giáo vào mỗi độ cuối năm hay ngày Nhà giáo VN 20 -11… Chúng tôi luôn nhớ đến thầy!
Văn Mạnh
Với anh, chúng tôi vẫn còn nhiều kỷ niệm
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến: Trời đã vào đông, trời và đất vẫn gần nhau. Mùa xuân sẽ đến. Suốt 40 năm anh em mình vẫn gặp nhau, cười nghiêng ngả, sợ xanh mặt và đêm đêm nhớ lại thời sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Hôm đến thăm anh ở bệnh viện, nắm tay anh nói chia tay và kể cho anh nghe vài chuyện cười… rớt cái chụp ôxy.
Nguyễn Tuấn Kiệt: Không thể nhắc hết những kỷ niệm của phong trào đấu tranh của sinh viên ĐH Văn khoa Sài Gòn với Chính. Ở cõi vĩnh hằng mong rằng những kỷ niệm đó là niềm vui của Chính.
Huỳnh Tấn Mẫm: Vô cùng thương tiếc anh Trinh Chí, người đồng chí của phong trào SVHS Sài Gòn đến thời kỳ anh đến với nghề báo.
Phạm Chu Sa (Báo Tuổi Hoa): Gần 40 năm, từ thuở cầm bút viết những tác phẩm cho tuổi thơ đến lúc về công tác tại Báo Giáo Dục TP.HCM. Nhớ nụ cười hiền trong những bữa tiệc tùng, bia bọt cùng bạn bè.
Kim Hài (Báo Tuổi Hoa): Biết nói gì trong giờ phút tiễn anh về cõi vĩnh hằng. Nhớ những ngày cùng vui vẻ tại tòa soạn Tuổi Hoa, những câu chuyện vui đùa, những lời nhắn nhủ… Giờ tất cả đã xa, bạn bè cũng lần lượt ra đi, nhưng những người bạn còn lại luôn nhớ Trinh Chí vì bạn là một phần của tuổi thơ, tuổi thanh niên và Tuổi Hoa của chúng ta.
Một đồng nghiệp ở Trường THCS Chu Văn An: Tôi đã sống và làm việc trên 20 năm tại Trường Hưng Đạo (trước năm 1990) – Chu Văn An (1990 đến nay) nên tôi nhớ khá nhiều công sức của thầy Nguyễn Tri Chính đã đồng cam cộng khổ xây dựng ngôi trường này và 14 năm tôi đã làm việc dưới quyền thầy.
Thời gian đầu về trường, giáo viên rất sợ ông Hiệu trưởng “Khuôn mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, đôi mắt đầy uy quyền và nghiêm nghị” nhưng càng về sau càng hiểu nhau hơn, thầy là người đồng nghiệp, người anh em hết lòng vì người khác.
Thầy Nguyễn Đình Hiền, nguyên phó Hiệu trưởng Trường Võ Trường Toản (Q.1):
“Trả lại đời lớp cũ trường xưa
Đem theo bụi phấn chút dư thừa
Bụi buồn vương mãi trên tóc rối
Làm bạc tóc thầy lúc tiễn đưa”.
Nhà báo Kiều Phan (Báo SGGP): Nhận tin anh ra đi, anh em không bất ngờ nhưng sao vẫn thấy quá đột ngột. Đêm qua, đọc lại những cuốn sách, bài thơ anh viết mới thấm ra một điều: “Những người tốt thường ra đi sớm”. Vẫn biết cuộc đời sinh, tử khó lường nhưng anh em ở lại vẫn thấy mất mát lớn khi vĩnh viễn xa anh. Ngày thăm anh ở bệnh viện, anh thở ôxy một cách khó khăn. Hình ảnh đôi mắt sáng vẫn nhìn thẳng trên trần nhà như níu kéo cuộc sống từng giây. Kiều Phan biết anh nghĩ điều đó.
Nhà báo Hàng Chức Nguyên (Báo Tuổi Trẻ): Anh Chính ơi, anh đi nhưng vẫn còn mãi tên anh. Tri Chính, Trinh Chí… anh em, bạn bè, đồng nghiệp mãi nhớ về anh.
Nhà báo Tạ Văn Doanh, TBT Báo Giáo Dục TP.HCM: Xin hứa sống chân tình thủy chung, đức độ hết lòng vì công việc của tòa soạn, của ngành giáo dục và quyết đưa tờ báo mà anh đã có công vun đắp, gầy dựng ngay từ những ngày đầu cải tổ.
(Trên đây là những dòng ngắn ngủi nhưng dạt dào tình cảm trích từ sổ tang đồng chí Nguyễn Tri Chính).
|
Bình luận (0)