Y tế - Văn hóaThư giãn

Tấm lòng rộng mở!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày ấy nhà ông ngoại tôi nghèo và đông con, khi mẹ lên 7 tuổi thì bà ngoại tôi bị bệnh rồi qua đời đột ngột. Mẹ mới 10 tuổi chỉ học hết lớp 3 rồi nghỉ học trông em, hái rau nuôi lợn. Mẹ lớn lên trong cái nghèo, cái khó chung của mọi gia đình thời bấy giờ. 17 tuổi mẹ tôi về nhà chồng, nhà ông nội tôi cũng làm nông nên cha mẹ tôi bắt đầu xây dựng cơ nghiệp với đôi bàn tay chịu thương chịu khó để mưu sinh. Nhờ sự tảo tần của mẹ mà gia đình tôi cũng dần dần bớt thiếu thốn. Quê tôi có nghề thủ công là thêu ren và khâu nón lá, mẹ tôi rất khéo tay, nón mẹ khâu rất đẹp nên ngoài thời gian đồng áng là mẹ lại tranh thủ thời gian khâu nón để bán.

Dù cuộc sống vất vả nhưng khi có người khó khăn cần giúp đỡ là mẹ tôi không quản ngại. Nhà tôi gần thị trấn, khi anh tôi lên cấp 3, cha mẹ cho 2 người bạn cùng khối của anh đến nhà ở nhờ, vì từ nhà các anh cách trường khoảng 10 cây số hàng ngày đi xe đạp xa nên các anh xin trọ để tiện việc học, cuối tuần các anh về mang lên ít gạo, cây rau bắp cải, hay chục trứng góp với mẹ tôi để mẹ nấu cơm cho các anh ăn cùng. Học sinh gửi trọ học nhà tôi không giống như sinh viên ở trọ bây giờ vì không thuê phòng riêng, không trả tiền chỗ nghỉ. Hết giờ học khi rảnh rỗi các anh lại cùng anh trai tôi phụ mẹ nhặt rau nấu cơm, ra đình làng chở nước sạch ở giếng về để lấy nước ăn.

Tôi thắc mắc với mẹ: “Sao nhà mình không rộng mà mẹ vẫn cho mấy anh ở nhờ?”, mẹ trả lời tôi rằng “nhà chật nhưng tấm lòng không chật con ạ, vả lại cha mẹ các anh thấy phù hợp với nhà mình họ mới xin gửi con cái, mình giúp gì được người khác thì nên giúp”. 

Anh trai tôi và hai người bạn trọ học đều thi đậu đại học, ra trường có nghề nghiệp ổn định. Bây giờ, mỗi dịp lễ tết các anh lại về thăm cha mẹ tôi, nhắc đến những bữa cơm độn khoai, những đĩa rau bắp cải, quả trứng luộc dằm nước mắm mẹ nấu cho các anh ăn ngày nào. Trong nhịp sống hối hả, chúng tôi vẫn nhớ vẫn thèm những bữa cơm mẹ nấu bằng bếp rơm, bếp rạ mà mỗi bữa xoong cơm chưa nguội đã hết…

Phạm Thị Ngần
(Biên Hòa – Đồng Nai)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)