Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Tấm lòng sáng của o Diệp mù

Tạp Chí Giáo Dục

“Nhờ o Diệp tốt bụng mà những sinh viên nghèo như tụi em có điều kiện học hành”, em Trương Thị Hường, sinh viên Học viện Âm nhạc Huế nói
“Sống ở đời ni cân đo đong đếm làm chi, mình giúp người ni thì có người khác giúp lại mình. Mình giúp sinh viên nghèo để các cháu có điều kiện học hành mai ni xây dựng đất nước. Tương lai của các cháu là tương lai của quê hương mình mà”. Đó là lời bộc bạch của bà Huỳnh Thị Diệp (82 tuổi), trú tại phường Kim Long, TP.Huế (Thừa Thiên – Huế).
Căn nhà cấp 4 của bà Diệp nằm khép mình khiêm tốn trong con hẻm nhỏ đường Phạm Thị Liên luôn rộn rã tiếng cười nói của nhiều sinh viên…
Điểm tựa của sinh viên nghèo
Nghe tiếng hỏi thăm, nhóm sinh viên tầm 19-20 tuổi mở cửa ùa ra đon đả: “Anh chị hỏi nhà o Diệp à? Nhà o Diệp đây! O Diệp của sinh viên nghèo đây”. Nghe nhà có khách lạ, đang loay hoay giúp bọn trẻ nhặt mớ rau lang, bà Diệp tất tả vào nhà, đôi mắt mờ không nhìn rõ, bà bước từng bước chậm rãi: “Lại có người hỏi tôi à? Chuyện ni có chi mà viết báo, nhà có thêm bọn trẻ thì tôi vui, rứa thôi”. Nói rồi bà ngồi xuống bên thềm cửa, chậm rãi kể về số phận kém may và cơ duyên với những em sinh viên nghèo khó. “Tôi sinh ra trong một gia đình khá đông anh chị em, tầm 14-15 tuổi đầu đã phải phụ giúp cha mẹ làm lụng nuôi các em ăn học. Tuổi xuân cứ thế trôi đi. Ngoảnh lại, thời ấy hơn 20 tuổi là quá xuân thì”, bà Diệp nói. Rồi năm 28 tuổi, một tai nạn bất ngờ khiến mắt trái của bà bị mù. Ở vào cái tuổi “ế”, lại thêm bệnh tật, bà ở vậy chăm sóc ba mẹ già. Cho đến ngày ba mẹ khuất núi, bà thành người đơn thân sống một mình. “Đôi khi nghĩ lại tôi tiếc cái tuổi thơ đã đi qua, bỏ bê học hành, giá như ngày ấy đời sống khấm khá hơn…”, bà bỏ lửng câu nói.
Từ thương mình, bà nghĩ về phận người. Năm 1991, bà cắp nón ra đầu ngõ đón 10 em sinh viên về ở. Thiếu giường, bà thuê thợ đóng thêm giường. Mùa hè nóng, bà lau sạch bóng nền nhà rồi cùng các em ngủ trên sàn. Biết các em con nhà nghèo khó, đồng tiền mang từ quê lên phố chả bao nhiêu, bà cùng các em ra vườn cuốc đất trồng rau. Tiếng lành đồn xa, cứ mỗi mùa thi và đầu năm học, cửa nhà bà luôn rộng mở đón hàng chục sinh viên đến xin trọ học hay thi. “Người miền Trung mình có câu, chật bụng chứ chật chi nhà! Tôi cũng nghĩ rứa nên hễ có cháu nào muốn ở học là tôi đồng ý liền”, bà Diệp chia sẻ. 
Ngồi cạnh bà Diệp, em Trương Thị Hường, sinh viên năm thứ 4 Học viện Âm nhạc Huế, vui vẻ nói thêm: “Cách đây 4 năm em lơ ngơ khăn gói từ Nghệ An vào tìm chỗ trọ ôn thi. Hồi đó ba mẹ bán mấy tạ lúa non cho em làm lộ phí, hôm tới lớp học thêm thấy học phí cao em lo lắm. Rồi có bạn cùng quê bảo, nếu không đủ sức ở lại thì đến nhà o Diệp xin ở để bớt được khoản tiền nhà. Thế là em theo bạn tìm đến nhà o. Em mừng phát khóc lên khi o đồng ý cho em ở. Sau mùa thi được tin đỗ ĐH là em tới xin ở luôn chỗ nhà o”.
Thông điệp của o Diệp
Nghĩ sao làm vậy. Nhà có một phòng ngủ kín đáo, bà Diệp dành riêng cho các sinh viên nữ. Còn các sinh viên nam thì chia nhau cái phòng khách. Đến mùa thi, học trò nghèo đến xin trọ đông, bà dọn sạch căn bếp, kê thêm hai cái giường cho phụ huynh và con em nghỉ ngơi lấy sức vượt vũ môn. “Hiện tại, ngôi nhà o Diệp có đến 8 sinh viên đang ở đấy ạ. Tụi em mỗi đứa một quê nhưng yêu thương nhau như anh em. O Diệp luôn nhắc tụi em sống phải làm người tử tế. Cái gì tụi em chưa hiểu hỏi là o chỉ dạy tận tình lắm. Đây như ngồi nhà thứ hai của tụi em vậy”, em Trương Thị Huệ, quê ở Quảng Bình nói. Trong khi ở các khu vực có trường ĐH đóng chân, nhiều người thường tận dụng đến từng mét đất thừa để xây phòng trọ cho thuê kiếm thu nhập thì mỗi năm, căn nhà nhỏ của bà Diệp rộng cửa đón hàng chục sinh viên đến ăn ở. Các em chỉ đóng tiền điện, nước. Bằng tấm lòng thơm thảo ấy, hơn 20 năm qua đã có gần 200 sinh viên các tỉnh từ Đắk Lắk, Kon Tum đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ở nhờ trọ học nay đã thành đạt. Hỏi bà Diệp về việc mình làm, bà hào sảng bấm đốt ngón tay: “Từ cái nhà nhỏ ni mà hàng trăm cháu ra trường có việc làm ổn định rồi đó. Như thằng Cường quê ở Quảng Nam nay đã là tiến sĩ, lâu lâu nó lại gọi điện về giục o vô chơi với cháu vài bữa. Rồi có nhiều đứa khác cũng là thạc sĩ, cử nhân… Đời tôi không được học. Tôi cũng không dạy chữ được cho các cháu nhưng giúp cho các cháu chỗ ăn ở để yên tâm học hành là mừng rồi. Đời tôi như rứa là mãn nguyện!”.
Trước khi chúng tôi ra về, bà Diệp nói: “Mình giúp người này thì người khác sẽ giúp mình. Cuộc đời là nợ đồng lần thôi. Thế nhưng trong lúc trả nợ đồng lần ấy, tôi vẫn hạnh phúc lắm. Hạnh phúc là mỗi lần nhận điện thoại thăm hỏi sức khỏe từ các cháu. Rồi Tết đến, thể nào các cháu cũng thay nhau ở lại cùng tôi lo tết nhất. Những lúc đó thấy cuộc đời mình giàu có lắm. Giàu con và giàu nghĩa tình”. Ngẫm lại lời một ông cụ đứng đầu ngõ lúc chúng tôi hỏi đường đến nhà bà Diệp: “Bà Diệp mù nhưng có tấm lòng sáng lắm. Đáng để nhiều người ngẫm nghĩ khi bắt chẹt đủ đường các cháu sinh viên nghèo từ quê lên phố trọ học!”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Ở vào cái thời buổi kim tiền, ai cũng tận dụng từng mét đất nhà mình để xây phòng trọ cho thuê kiếm thu nhập. Nhiều người không chỉ căn ke từng đồng tiền nhà trọ mà còn tính toán đến từng ca nước, điện thắp sáng cũng tăng giá dần… Vậy mà bà Diệp lại cho người ta ở không. Bà nói, các cháu sinh viên nghèo, lấy đâu ra tiền thuê nhà trọ. Tạo điều kiện được cho các cháu học cái chữ là mừng rồi, chật bụng chứ chật chi nhà. 
 

Bình luận (0)