Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Tấm lòng thành kính của người dân phương Nam với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 26-7, hàng ngàn người dân tiếp tục tập trung về Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hầu hết mọi người dân đều mặc tang phục màu đen thể hiện sự nghiêm trang và tỏ lòng thành kính đối với sự ra đi của vị lãnh đạo đất nước.

Đông đảo người dân chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM). Ảnh: TTXVN

Không chỉ riêng người dân thành phố, trong hàng dài người đến tiễn đưa có nhiều người dân đến từ các địa phương khác nhau. Có người phải di chuyển hàng trăm cây số, có người thức dậy từ lúc đêm khuya, có người phải đi từ ngày hôm trước. Những giọt nước mắt, sự ngậm ngùi, thương tiếc bao trùm Hội trường Thống Nhất. 
Xuất phát từ 3 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) mang theo khung ảnh gồm di ảnh của Tổng Bí thư và bài thơ tự sáng tác. Bà Tuyết xúc động nghẹn ngào: “Suốt từ lúc hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời đến nay tôi vô cùng đau xót. Suốt mấy đêm tôi không ngủ được và sáng tác nên bài thơ này: Bác ơi bác đã đi rồi/ Người dân cả nước ngậm ngùi tiếc thương/ Cả cuộc đời bác dâng trọn cho quê hương/ Cho đất nước đẹp giàu, sánh cùng bốn bể năm châu”.
Trong bộ trang phục nữ du kích miền Nam, bà Trần Thị Thu Trang (còn gọi là Sáu Trang) nâng niu bó huệ trắng mà bà tự tay mang từ quê hương Tiền Giang đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ chiều hôm trước, bà Trang đã di chuyển từ Tiền Giang đến TP.HCM ở nhà một người họ hàng để 6 giờ sáng kịp có mặt tại Hội trường Thống Nhất viếng nhà lãnh đạo đáng kính của đất nước. Từng là một người hoạt động trong phong trào Hội Liên hiệp phụ nữ, những năm qua, bà Trang luôn dõi theo các hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bày tỏ sự ngưỡng mộ một con người hết lòng vì nước, vì dân.
Từ huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), sáng 26-7, chị Nguyễn Thị Ngọc Thắm mang theo hai con 7 tuổi và 5 tuổi về TP.HCM để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị Thắm kể, chiều hôm qua (25-7), chị một mình đến viếng Tổng Bí thư nhưng sau khi về nhà kể chuyện cho các con nghe, các con mong muốn được mẹ dẫn đi “viếng ông Trọng”. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên chị rất trân trọng và biết ơn những người đã cống hiến công sức của mình cho đất nước, nhân dân. Đưa con đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chị Thắm mong muốn các con của mình cũng nhận thức và biết trân trọng những giá trị thiêng liêng này. “Dù mới 4 giờ sáng nhưng khi nghe mẹ bảo dậy đi viếng ông, cả 2 con đều thức dậy ngay và sẵn sàng cùng mẹ lên đường. Hôm nay, ba mẹ con xin được cúi đầu trước vong linh của bác”, chị Thắm bùi ngùi chia sẻ.
“Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, câu nói phổ biến trên mạng xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những ngày qua đã thôi thúc Nguyễn Anh Duy (22 tuổi, sinh viên đang theo học tại một trường ĐH trên địa bàn TP.HCM) tìm hiểu về thân thế, cuộc đời của Tổng Bí thư. “Thú thật, trước đây em không quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị nhưng càng tìm hiểu về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, em càng thấy kính trọng vô cùng. Hôm nay em đến đây để được nghiêng mình trước nhân cách của bác”, Nguyễn Anh Duy chia sẻ. 

Theo TTXVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)