Y tế - Văn hóaThư giãn

Tấm lòng trung của người nhạc sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

Những ý kiến “dìm” nhạc sĩ Phạm Tuyên trong cuộc họp cơ quan vụt tắt khi người chủ trì – nhà báo Trần Lâm lên tiếng: “Phạm Tuyên viết bài hát như thế chứng tỏ thật lòng yêu Đảng đấy. Âm nhạc không nói dối được đâu”.

 “Chấm đen” trong lý lịch
Năm 15 tuổi, chưa tốt nghiệp, cậu học sinh Phạm Tuyên chào tạm biệt mái trường Quốc học Huế đi theo kháng chiến mà bên tai vẫn vang đâu đó giọng ca Huế. Cũng từ đó, những buổi nấp bên hiên nhà nghe các chị gái học đàn tam thập lục với cô giáo Lê Minh (vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư) đã trở thành quá khứ – một quá khứ bện với lòng yêu âm nhạc.
Khi còn bé, ngoài chuyện đi đá bóng, sở thích của ông là chui vào tủ sách của bố để đọc. Rồi sau đó, khi các chị học nhạc, ông có thêm lòng yêu những bản ca Huế buồn não nề. Tới lúc vào trường Tây, nhạc sĩ lại có thêm ham mê âm nhạc dân gian Pháp nữa.
Cũng trong êm đềm của cuộc sống gia đình quan đầu triều Phạm Quỳnh, cậu bé Phạm Tuyên viết những bài hát đầu tiên năm mới 13 tuổi. Cậu bé nghe bài Sóng sông Đanuyp thì cũng viết bài Sóng sông Hương. Thậm chí cậu còn ra Hà Nội, đưa bài hát đến cho nhà xuất bản ở phố Cầu Gỗ. Nhưng tới khi họ mời tác giả đến vì thấy hay, thì cậu lại sợ quá chạy luôn.
Theo cách mạng rồi mà những con sóng sông Hương êm đềm của tuổi thơ ngây vẫn gầm lên thành con sóng mạnh trong đời cậu bé Phạm Tuyên khi đó. Cha ông mất cùng với đánh giá rất xấu về lòng yêu nước. Phạm Tuyên như có một chấm đen trong lý lịch. “Khi bố tôi gặp chuyện ở Huế, hai chị tôi có gặp cụ Hồ. Cụ bảo rất tiếc, tôi về muộn quá. Nhưng điều động viên nhất, cụ Hồ bảo cụ Phạm Quỳnh là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại”, nhạc sĩ cho biết.
Tuy nhiên, nhận định xấu về cụ Phạm Quỳnh vẫn đeo đẳng trong đời công tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên. “Tôi qua được nhiều đận vì có quý nhân phù trợ. Một trong những người đó là anh Trần Lâm – Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam. Anh bảo, Phạm Tuyên sáng tác như thế là thật lòng yêu Đảng đấy, âm nhạc không nói dối được đâu”, vị nhạc sĩ vừa nhận giải thưởng Hồ Chí Minh mới đây nhớ lại.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên làm việc trên cây đàn piano – Ảnh: nhân vật cung cấp
Nhạc sĩ của tuổi thơ
Nhiệm vụ đầu tiên mà kháng chiến giao cho chiến sĩ Phạm Tuyên là phụ trách thiếu sinh quân. Đó cũng là thế hệ đầu tiên hát bài hát thiếu nhi của ông. Họ đã hát Tiến lên đoàn viên bằng lời ca và bằng cả trải nghiệm cuộc đời dấn thân của mình. Lớp thiếu sinh quân đó sau này phần lớn đều thành đạt.
Năm 1957, Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập. Phạm Tuyên ngay lập tức được kết nạp đợt đầu.
Tiến lên đoàn viên cũng là bài hát nằm trong cụm tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh vừa trao hôm 30.4 vừa rồi của ông. Khi mọi người làm hồ sơ bổ sung cho ông, chính nhạc sĩ đã đề nghị nhất định phải đưa ít nhất một bài hát thiếu nhi vào đó. Tiến lên đoàn viên được chọn, nhưng bài hát thiếu nhi để đời của ông thì nhiều. Từ Chiếc đèn ông sao từng được dịch sang tiếng Đức cho thiếu nhi nước bạn hát, đưa vào quảng cáo đến Cánh én tuổi thơ mà tuổi học trò mơ mộng vẫn ca… kể không sao hết.
Bài hát lịch sử Như có Bác trong ngày vui đại thắng của ông cũng ngắn gọn như một bài ca viết cho trẻ nhỏ. Đến nỗi, ngày bài hát lan xa, vẫn có người bảo ôi ôi, đơn giản như bài trẻ con.
 “Tôi đi liên hoan du lịch 3 miền, có đoàn du khách Nhật Bản bảo ban tổ chức cho chúng tôi tham gia với. Hỏi hát gì, họ bảo chúng tôi sẽ hát 2 bài: Hoa anh đào dân ca Nhật Bản và Như có Bác trong ngày vui đại thắng hát bằng tiếng Nhật. Ban tổ chức vui quá. Họ hát đoạn đầu chả ai hát theo được, nhưng đến lúc Việt Nam Hồ Chí Minh thì ai cũng hòa giọng theo. Sau này hỏi ra, bài hát đã được người Nhật dịch từ năm 1975. Họ hát để tôn vinh đất nước nhỏ bé mà đánh thắng 2 đế quốc”.
Giờ đây, Như có Bác trong ngày vui đại thắng – bài hát ông thường bảo “sáng tác chỉ trong hai tiếng nhưng là trải nghiệm cả một đời theo cách mạng” đã thành bài hát “tạm biệt” trong nhiều sự kiện.
Một đời sáng tác, giờ đây ông sống an nhiên tại căn hộ nhỏ trên tầng 3. Sống giản dị, chân thật và không đòi hỏi như vẫn thế từ ngày theo Đảng, theo kháng chiến. Trải qua bao thăng trầm, ông vẫn sống với một tấm lòng trung với Tổ quốc, lòng trung của con trai một nhà văn hóa lớn vẫn đang chờ được lịch sử đánh giá lại một cách chính thức.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh 12.1.1930 tại Hải Dương, là con thứ 9 của nhà báo, nhà văn hóa Phạm Quỳnh (1892-1945).
Tham gia kháng chiến từ năm 1945, ông trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau cho tới năm 1958, ông trở thành người phụ trách biên tập âm nhạc tại Đài tiếng nói Việt Nam rồi làm ở đó tới khi nghỉ hưu.
Các tác phẩm nổi tiếng: Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Bài ca người thợ rừng, Bài ca người thợ mỏ, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Từ làng Sen, Đêm Cha Lo, Từ một ngã tư đường phố, Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào, Chiến đấu vì độc lập tự do…
Phạm Tuyên là nhạc sĩ của tuổi thơ với những tác phẩm sống qua nhiều thế hệ thiếu nhi như: Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Hành khúc Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hát dưới cờ Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Đêm pháo hoa, Cô và mẹ…
Năm 2012 nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4 về văn học nghệ thuật.

 

Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)