Thầy giáo, nghệ sĩ khuyết tật Thế Vinh đang biểu diễn |
Vào cuối tháng 6 này, Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương sẽ khởi công xây dựng trên diện tích 277m2 tại khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Người đứng ra thành lập trung tâm này chính là Nguyễn Thế Vinh – nghệ sĩ được công chúng biết đến qua khả năng đàn guitar và thổi harmonica điêu luyện cùng lúc dù chỉ còn lại một cánh tay.Có thể nói, anh không chỉ có tình yêu âm nhạc mà còn có một “tấm lòng vàng” dành cho trẻ khuyết tật – mồ côi đáng trân trọng.
Yêu đàn, yêu trẻ
Nguyễn Thế Vinh sinh năm 1970, tại Bắc Bình – Bình Thuận trong một gia đình nhà nông nghèo. Năm anh lên 7 tuổi thì cha mẹ mất sớm. Trong một buổi đi chăn bò cho hợp tác xã, anh bị té gãy cánh tay phải. Do không có điều kiện để đến bệnh viện nên cánh tay bị hoại tử và đành phải cắt bỏ. Anh được ông bà ngoại và các cậu dì cưu mang cho ăn học và đã thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Khoa Quản trị kinh doanh, hệ chính quy năm 1990. Thời gian học đại học, anh làm đủ mọi nghề để sống: từ vá xe đạp, giữ xe đêm ở chung cư, đi tiếp thị dầu gội đến dạy kèm. Cũng chính trong thời gian này, anh nghĩ ra cách làm một cái giá đỡ cây harmonica để vừa đàn vừa thổi kèn được. Nhờ sự tập luyện kiên trì, anh đã thành công và trở nên nổi tiếng với khán giả yêu âm nhạc. Gần đây, anh cũng đang cố gắng tập luyện để có thể chơi đàn organ bằng chân. Dẫu biết rằng sẽ rất khó khăn nhưng anh sẽ không “chào thua” bởi khi đã quyết tâm làm điều gì, anh phải làm cho bằng được. Cuối năm 2008, anh đã có chuyến lưu diễn ở Pháp và Đức cùng với ca sĩ khuyết tật Thủy Tiên và ca sĩ nghiệp dư người Mỹ Richard Fuller được khán giả kiều bào đón nhận nồng nhiệt. Bất kỳ chương trình từ thiện nào mời, anh cũng đều nhiệt tình tham gia mà không bao giờ nhận thù lao. Ngoài thời gian đi biểu diễn ở các phòng trà, tụ điểm và các chương trình nghệ thuật mang tính từ thiện, ba năm qua anh còn tham gia việc giảng dạy cho học sinh với nhiều trình độ khác nhau ở một trung tâm tại Bến Cát – Bình Dương. Các em học sinh giỏi được anh tách thành nhóm riêng để luyện thi đại học ba môn toán – lý – hóa. Anh chỉ thu học phí đối với các em con nhà khá giả, miễn phí cho các em khó khăn và trợ cấp cho mỗi em mồ côi hoặc khuyết tật 500.000 đồng/tháng… Tất cả các học trò của anh đều đỗ cao vào đại học khiến cho anh cảm thấy rất vui và hứng thú với công việc này. Anh tâm sự: “Chính những thành quả ban đầu này khiến tôi luôn suy nghĩ, phải làm sao để có thể nuôi dạy được nhiều em hơn. Bên cạnh đó, mỗi lần đến biểu diễn tại các trường khuyết tật, đến thăm các trại mồ côi, tôi cảm thấy bùi ngùi khi bắt gặp lại hình ảnh tuổi thơ của chính mình. Điều này lại càng thôi thúc tôi phải làm một cái gì đó cho các em trong khả năng có thể…”.
Ước mơ thành hiện thực
Trong đầu anh lúc nào cũng ấp ủý định xây dựng một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi – khuyết tật. Anh cho biết: “Theo nguồn số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay ở Việt Nam người khuyết tật chiếm 15,3% dân số. Trong đó chỉ có khoảng 2% trẻ khuyết tật được đến trường, chưa tới 0,1% người khuyết tật có trình độ cao đẳng trở lên, đại đa số kiếm sống bằng những nghề gần như là kêu gọi lòng thương xót của người khác. Do đó, không những cuộc sống của các em vất vả, khó khăn mà đây còn là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Với hoàn cảnh của các em thì học vấn là con đường giúp các em xóa bỏ mặc cảm, tiếp cận và tham gia vào xã hội một cách hữu hiệu nhất…”. Nhưng một mình anh thì không thể làm nổi vì không có vốn. Anh đã mang ý định này chia sẻ với nhiều bạn bè, khán giả hâm mộ và các nhà hảo tâm. Họ cũng tán thành và sẵn sàng ủng hộ. Đặc biệt, Đài Truyền hình TP.HCM đã thực hiện tâm nguyện của anh thành phóng sự trong chương trình Câu chuyện ước mơ, nhiều báo chí cũng viết bài, đưa tin nên anh đã nhận được sự tài trợ kha khá từ các mạnh thường quân cũng như nhiều doanh nghiệp, công ty… Đặc biệt, phụ huynh một học sinh cũ đã cho anh mượn miếng đất này để xây dựng Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương với kinh phí gần 500 triệu đồng sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động đầu tháng 9-2009. Trung tâm sẽ trở thành một mái nhà, một môi trường nuôi dạy an toàn cho các em, bảo đảm sự phát triển về thể chất lẫn trí tuệ. Anh cho biết: “Trong thời gian đầu, trung tâm sẽ chỉ tiếp nhận các em là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, có trí não tốt và các em học giỏi mà gia đình quá khó khăn không thể nuôi ăn học tới bậc đại học. Các em sẽ được nuôi dưỡng, ăn ở tại trung tâm và đi học hòa nhập ở các trường phổ thông trên địa bàn. Song song đó, trung tâm sẽ bồi dưỡng thêm kiến thức văn hóa nâng cao để các em có đủ khả năng thi vào đại học. Sau đó, các em đang học đại học hoặc đã tốt nghiệp đại học sẽ quay về phục vụ cho trung tâm, dìu dắt thế hệ kế tiếp”.
KHÔI NGUYÊN
Bình luận (0)