Những doanh nghiệp “thế hệ mới” sẽ không coi thương trường là chiến trường, không cạnh tranh mà phải đi trước đối thủ một bước
Câu chuyện tâm lý bầy đàn bắt đầu với người buôn cừu tên là Panurge trong một tác phẩm của đại văn hào Pháp Francois Rabelais thời Phục hưng, thế kỷ XVI. Panurge, người lái buôn dạn dày kinh nghiệm, một hôm lên tàu buôn của đối thủ mua một con cừu, sau đó ôm cừu ra trước mũi tàu và quăng nó xuống biển. Cả đoàn cừu nghe tiếng kêu theo nhau nhảy xuống biển cùng chết. “Bầy cừu của lái buôn Panurge” được dùng chỉ những người chạy theo người khác hay đám đông mà không cần biết hậu quả sẽ ra sao và tương lai sẽ như thế nào.
Thị trường tài chính và chứng khoán được xem như một đối tượng có đầy đủ cá tính của con người. Ảnh: H. Thúy |
Tìm kiếm sự an toàn
Áp lực hội nhập và phát triển kinh tế đang đặt doanh nghiệp (DN) và các khách hàng của họ trong tình trạng hối hả, đi tìm những thành công chớp nhoáng, ngắn hạn và sự thỏa mãn tài chính trước mắt. Đa số DN hay các nhà đầu tư đều có chung một lối mòn trong tư duy là đi tìm sự an toàn và cơ hội kinh doanh trong việc đi theo, chạy theo, làm theo số đông. Không gì an tâm hơn khi mình kinh doanh hay đầu tư giống nhiều người khác.
Tư duy kinh doanh theo “làn sóng” hiện rất phổ biến, thời thượng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Việt
Hiện tượng chạy theo số đông và thị hiếu hay nhu cầu thành công trong chớp mắt ngày nay vẫn còn phổ biến. Khủng hoảng tài chính hôm nay vẫn còn tiếp diễn, bắt đầu từ Hoa Kỳ do việc một số ngân hàng thương mại cho người dân vay mua nhà dưới tiêu chuẩn, kéo theo sự sụp đổ, ra đi và sáp nhập của rất nhiều ngân hàng đầu tư và các công ty đa quốc gia, có lịch sử hàng trăm năm ở Hoa Kỳ và thế giới như Lehman Brothers, Merryll Lynch… Tại VN, thị trường chứng khoán trong năm qua cho thấy tâm lý bầy đàn trong kinh doanh và đầu tư đã làm cho nhiều người thất điên bát đảo.
“Phải chết cái chết của chính mình”
Một sự thực không thể chối cãi được trong cuộc sống có thể áp dụng trong kinh doanh và đầu tư là chúng ta sinh ra cô đơn và cũng sẽ chết trong cô đơn – mọi người phải chết cái chết của chính mình. Quyết định đầu tư hay kinh doanh của những người thành công lớn và bền vững trên thị trường luôn có yếu tố của lòng dũng cảm, sự hiện diện của trí tuệ, phong cách làm việc phù hợp và một quyết tâm đi ngược lại với tâm lý bầy đàn. Tâm lý bầy đàn trong kinh doanh, đầu tư tài chính, thị trường chứng khoán gần đây đã trở thành một môn học hay đề tài trong nhiều trường đại học, trung tâm giáo dục và đào tạo. Thị trường tài chính và chứng khoán được xem như một đối tượng có đầy đủ cá tính của con người, lúc thất thường hoảng loạn; lúc lạnh lùng, lúc điên cuồng cả khi các chỉ số có dấu hiệu tích cực cũng như tiêu cực. Tâm lý bầy đàn được gói gọn trong câu “sáng nắng, chiều mưa, tối gió mùa…”.
Đi trước đối thủ một bước
DN và các nhà đầu tư phải làm gì để tồn tại, phát triển và tạo lập sự bền vững? Việc làm đầu tiên trong ba yêu cầu trên là phải bảo đảm sự tồn tại của mình trong thị trường. Trong thời kỳ khó khăn và khủng khoảng, DN và các nhà đầu tư phải áp dụng ngay việc cắt giảm chi phí – kể cả việc cắt giảm quản lý và lao động, đưa các mảng kinh doanh ít lợi nhuận ra khỏi danh mục kinh doanh, chuyển một số việc sản xuất cho các cơ sở sản xuất có công nghệ cao và chi phí thấp hơn; giảm biên chế nhưng tăng lương hay phúc lợi cho một số người giỏi còn lại để khuyến khích họ tăng năng suất, gánh vác thêm trách nhiệm và công việc, làm thêm giờ. Đây là lúc DN có cơ hội để tinh giản số quản lý, lao động, sắp xếp lại nhân sự, bảo toàn vốn, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, từ khâu nghiên cứu thị trường, sản xuất, tiếp thị đến bán hàng…
Những DN “thế hệ mới” này sẽ không coi thương trường là chiến trường nữa, họ sẽ không cạnh tranh mà chỉ làm hay kinh doanh những gì khi họ có thể đi một bước trước đối thủ. Họ sẽ không hài lòng với phong cách làm việc cũ và “không dùng bản đồ cũ để tìm ra miền đất mới”. Chủ nhân của các DN thành đạt trong thời đại khủng hoảng là những người lãnh đạo hay quản lý không thuộc bầy cừu nào mà luôn là những đại bàng trên không và sẽ luôn “cô đơn trên đỉnh núi”.
Theo nld
Bình luận (0)