Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tạm ngưng tuyển giáo viên Philippines dạy tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Khi dừng chương trình, một số trường sử dụng đội ngũ GV Việt Nam, một số trường linh động hợp đồng tuyển dụng với GV nước ngoài từ trung tâm ngoại ngữ. (Trong ảnh: Một tiết học với GV nước ngoài tại Trường TH Dương Minh Châu, Q.10, TP.HCM) 

Bắt đầu từ năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT gửi công văn trình UBND TP.HCM xin tạm ngưng tuyển dụng giáo viên (GV) dạy tiếng Anh người Philippines. Và năm học 2014-2015, căn cứ nhu cầu của các đơn vị, sở sẽ cân nhắc và trình xin ý kiến UBND TP.
Chương trình tuyển dụng 100 GV Philip-pines thực hiện Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020, được sự chấp thuận của UBND TP.
Ngưng vì lý do khách quan
Theo lý giải của ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, nguyên nhân khiến sở ngưng tuyển dụng đội ngũ này vì công tác tuyển không dễ. GV trúng tuyển phải vừa đáp ứng được trình độ chuyên môn, tích cực tham gia các hoạt động, nâng cao được năng lực giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường. Vì thế năm 2012-2013, sở chỉ tuyển được 13 GV trong số 50 người đăng ký. Năm tiếp theo, căn cứ vào nhu cầu đăng ký nhận GV từ các quận/huyện tăng lên, sở tiếp tục tiến hành thủ tục để tuyển dụng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của bão Haiyan (vào tháng 11-2013) khiến một số GV bị mất tất cả giấy tờ, gia đình bị ảnh hưởng nên không thể sang Việt Nam để giảng dạy. Lý do này khiến sở tạm ngưng tuyển dụng trong năm học 2013-2014. Để việc dạy học dưới các trường không bị gián đoạn, ảnh hưởng, sở cũng kịp thời có chỉ đạo đến các quận huyện, hướng dẫn các trường học nên hợp đồng tuyển dụng GV nước ngoài đang giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ có sự thẩm định, giám sát của sở để đảm bảo chuyên môn.
Được biết, năm học 2012-2013, 13 GV Philippines sau khi trúng tuyển được phân về giảng dạy ở 27 trường tiểu học, 10 trường THCS tại 8 quận huyện: Q.1, 2, 5, 7, 9, Bình Thạnh, Phú Nhuận và huyện Củ Chi. Mức lương chi trả hàng tháng cho mỗi GV khoảng 2.000 USD, dựa vào nguồn kinh phí xã hội hóa, phụ huynh đóng góp. Theo đó, mỗi  GV sẽ đảm nhận 35 tiết/tuần, trong đó có 20 tiết đứng lớp, 15 tiết tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, tạo môi trường bản ngữ cho GV Việt Nam. Sau một thời gian công tác, các trường học đều đánh giá cao về trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy của GV Philippines. Họ tích cực tham gia các hoạt động, góp phần bước đầu hình thành môi trường giao tiếp bằng ngoại ngữ ở các trường. Chính vì thế, đến năm 2013-2014, số lượng GV này được các trường đăng ký tăng lên 26 người.
Chương trình tốt, thiết thực
Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cho rằng: “Các trường trong quận đánh giá đội ngũ GV Philippines phát âm chuẩn, hòa đồng, nhiệt tình, bắt nhịp văn hóa rất nhanh. Bên cạnh đó, họ tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, tạo được môi trường giao tiếp ngoại ngữ cho GV Việt Nam. Mặc dù kinh phí xã hội hóa nhưng 1 GV Philippines tham gia giảng dạy theo cụm nhiều trường, kinh phí san sẻ qua lại, giảm bớt giúp phụ huynh cũng có thể lo được. Đặc biệt phụ huynh học sinh cũng hài lòng vì trẻ phát triển khả năng sử dụng ngoại ngữ rất tốt. Việc ngưng tuyển dụng khiến chúng tôi khá tiếc, vì thế nếu sở tiếp tục đưa xuống thì chúng tôi vẫn đăng ký”.
Theo bà Võ Ngọc Thu, khi sở ngưng chương trình tuyển dụng, các trường không gặp nhiều trở ngại. Một số trường sử dụng đội ngũ GV Việt Nam, một số trường linh động hợp đồng tuyển dụng với GV nước ngoài từ trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, bà Thu cũng chia sẻ thêm, việc sở trực tiếp đứng ra phỏng vấn, tuyển dụng sẽ đảm bảo chất lượng giảng dạy, khắc phục được những hạn chế các trường gặp phải khi trực tiếp tuyển dụng GV nước ngoài từ trung tâm ngoại ngữ như: GV không đáp ứng được trình độ chuyên môn buộc phải nghỉ giữa chừng, giá cả cao, GV dạy theo tiết nên không có thời gian sinh hoạt chuyên môn với GV Việt Nam…
Được biết Q.5 là đơn vị đăng ký nhận GV Philippines khá nhiều. Năm học 2012-2013, quận đăng ký 4 GV, đưa xuống giảng dạy ở 10 trường tiểu học lẫn THCS. Năm sau số GV mà quận đăng ký tăng lên 10 người.
Ở Q.7, địa phương này chỉ duy nhất Trường Tiểu học Lương Thế Vinh thực hiện. Theo ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng GD-ĐT quận, do sắp xếp tốt nên trường không gặp khó khăn về kinh phí. Riêng công tác giảng dạy được nhà trường đánh giá hiệu quả. Cũng nhờ việc sở trực tiếp đứng ra hợp đồng tuyển dụng nên chuyên môn dạy, các hoạt động lẫn trách nhiệm được đảm bảo. Nếu sở tiếp tục triển khai, Q.7 vẫn tiếp tục tham gia đăng ký.
Huyện Củ Chi cũng nhận 2 GV phân bổ về 2 trường tiểu học và 1 trường THCS. Đội ngũ này đã tạo được không khí học ngoại ngữ tốt, học sinh thích thú, phụ huynh ủng hộ. Ông Lê Hùng Sen, Trưởng phòng GD-ĐT cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy ý kiến phụ huynh, nhà trường để triển khai thực hiện nếu sở tiếp tục tuyển dụng”.
Trước những chia sẻ trên, ông Đỗ Minh Hoàng cho rằng, trong năm học 2014-2015, mặc dù không còn tổ chức tuyển dụng nhưng căn cứ nhu cầu của các đơn vị, Sở GD-ĐT sẽ cân nhắc và trình xin ý kiến UBND.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)