Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tạm ngưng tuyển sinh cử nhân tài năng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Sau 10 năm, đề án đào tạo kỹ sư – cử nhân tài năng của ĐHQG TP.HCM được thực hiện tại các trường thành viên phải tạm ngưng tuyển sinh khóa mới trong năm nay.
Giờ học của sinh viên năm 3 hệ cử nhân ngành hóa học Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – Ảnh: Như Hùng
Việc tạm dừng tuyển sinh đột ngột một chương trình được đánh giá hiệu quả khiến các trường bất ngờ, thí sinh hụt hẫng…
“Chúng tôi không biết vì sao chương trình bị ngưng. Có thông tin chương trình phải dừng lại do khó khăn về nguồn kinh phí. ĐHQG cắt kinh phí tuyển mới của năm 2012” – đại diện nhiều trường cho biết.
Nhiều ưu đãi
Đề án bước đầu được triển khai thực hiện tại ba trường thành viên (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Bách khoa và ĐH KHXH&NV) từ năm học 2002-2003 nhằm tập trung đào tạo nguồn lực tinh hoa ở một số ngành trọng điểm. Đến năm học 2006-2007, số sinh viên tham gia chương trình tài năng là 1.047, đạt số lượng kế hoạch đặt ra cho giai đoạn đầu tiên.
Liền sau đó, giai đoạn 2 (2007-2011) đề án tiếp tục được triển khai với các tiêu chí về tổ chức lớp, quy trình chọn ngành đào tạo, quy trình tuyển mới. Quy mô chương trình đã được mở rộng ở năm trường thành viên (thêm ĐH Kinh tế – luật, ĐH Công nghệ thông tin) với 2.628 sinh viên.
Nguồn bổ sung giảng viên
Theo ông Trần Tịnh Đức – phó phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, nhiều năm nay chương trình tài năng là nguồn chính bổ sung cán bộ giảng dạy của trường. Thực tế phần lớn sinh viên tài năng tốt nghiệp được giữ lại làm giảng viên, rất nhiều người thành công… “Xét ở góc độ nào đó, đến nay chương trình này đã đạt được mục tiêu ban đầu. Cần tính toán lại ngân sách để duy trì chương trình này” – ông Đức nói.

Chương trình đào tạo kỹ sư – cử nhân tài năng nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, cán bộ đầu ngành cho các đơn vị sản xuất, hoạt động kinh tế, cán bộ giảng dạy cho các trường ĐH, CĐ… Vì thế,  đối tượng tuyển chọn chương trình đào tạo này là những thí sinh dự thi vào trường đạt kết quả cao, ưu tiên thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế… Sinh viên có thể được chọn học sau ĐH và đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, được xét tuyển thẳng chuyển tiếp sinh cao học… Đó là những yếu tố hấp dẫn của chương trình tài năng.

TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho rằng quy trình tuyển chọn sinh viên vào chương trình tài năng hiện nay thôi thúc được sinh viên cả trong lẫn ngoài chương trình, đặc biệt là sinh viên giỏi, tạo động lực phấn đấu rất tốt cho sinh viên.
Ông Quang cho biết nhiều cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chương trình tài năng còn phục vụ việc đào tạo sinh viên đại trà khá hiệu quả. Những người tham gia chương trình tài năng đều thấy tiếc khi chương trình gián đoạn. “Việc này ảnh hưởng đến tính kế thừa trong đào tạo, giáo trình, phương pháp giảng dạy của chương trình theo đó cũng bị gián đoạn” – ông Quang nói. Một cán bộ đào tạo Trường ĐH Bách khoa cho biết: “Từ tháng 12-2011 đã có thông tin chương trình tài năng bị tạm dừng. Ngay khi đó, các trường đã có ý kiến tới ĐHQG đề nghị tiếp tục chương trình này nhưng hiện chưa có phản hồi chính thức nào nên nhà trường vẫn chủ trương duy trì chương trình”.
Vì sao tạm ngưng tuyển sinh?
Theo lãnh đạo ĐHQG TP.HCM, việc tạm dừng tuyển sinh này nhằm rà soát lại toàn bộ chương trình, đồng thời xây dựng đề án mới để nâng cao hiệu quả. TS Nguyễn Quốc Chính, phó ban ĐH – sau ĐH, ĐHQG TP.HCM,  cho biết: “ĐHQG đã khảo sát toàn diện chương trình tài năng ở các cơ sở và tạm ngừng tuyển sinh khóa mới năm 2012. ĐHQG sẽ sớm có văn bản chính thức yêu cầu các đơn vị đưa ra kế hoạch cụ thể về việc sử dụng nguồn tài chính hỗ trợ cho chương trình… Trên cơ sở đó, ĐHQG sẽ xét duyệt đưa chương trình này vào chương trình thường xuyên”.
Một số người cho rằng chương trình vẫn còn khá nặng nề. Phần lớn các khoa đều áp dụng chương trình giảng dạy vừa đại trà vừa nâng cao, chuyên sâu, đồng thời còn tăng cường các chuyên đề… dẫn đến quá tải đối với sinh viên. Ngoài ra, một số khuyết điểm khác cũng cần phải khắc phục như phần tăng cường kỹ năng thực hành chưa được phản ánh rõ nét, chưa có môi trường thực hành hiệu quả… Việc biên soạn giáo trình riêng cho chương trình, đưa sinh viên tiếp xúc doanh nghiệp, chuẩn bị cho công việc sau khi tốt nghiệp chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần tập trung chương trình tài năng vào một số ngành mũi nhọn, đang cần đội ngũ cán bộ kế cận, không nên dàn trải như hiện nay.
Hiện có thông tin ĐHQG có ý định thu hẹp chương trình tài năng và đẩy mạnh chương trình tiên tiến để giảm gánh nặng ngân sách vì sẽ thu được học phí cao. “Tuy nhiên, chưa chắc chương trình tiên tiến hiệu quả hơn chương trình tài năng ở tất cả các trường. Thực tế đã có sinh viên xin ra khỏi chương trình tiên tiến vì không chịu nổi mức học phí cao” – một giảng viên nhận định.
TRẦN HUỲNH
Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)