Bác sĩ Hải (thứ hai từ phải sang) cùng với người thân trong gia đình. |
Tại Bệnh viện Tam Bình – tỉnh Vĩnh Long, tôi gặp bác sĩ Bùi Kim Hải – công dân danh dự của TPHCM – một trong 60 Việt kiều, năm 2006 được Chính phủ ta mời về đóng góp ý kiến về sự phát triển của nước nhà.
Tết dương lịch 2009 này, bà về nước ngoài việc làm từ thiện, còn là để tiếp tục kết nối chương trình đào tạo BS gia đình cho Việt Nam do Bộ Hợp tác và Phát triển của Vương quốc Bỉ tài trợ trong 5 năm (2008 – 2012), mỗi năm 100.000 euro.
Thấy tôi muốn tìm hiểu "nhân thân" BS Bùi Kim Hải trong lúc bà "bận rộn" với mấy cán bộ Hội Chữ thập Đỏ huyện Tam Bình, BS Nguyễn Thế Dũng – Thành uỷ viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cười giới thiệu: "Chị Hải sinh năm 1952 tại TPHCM trong một gia đình giàu có. Sau khi đỗ tú tài Marie Curie năm 1971, chị được cha cho đi du học tại Trường Đại học Liège (Vương quốc Bỉ), chuyên ngành bác sĩ gia đình. Đây là một ngành có từ rất lâu ở các nước Châu Âu, nhưng đối với ta thì đang còn là một khái niệm mới mẻ. Sau khi tốt nghiệp, do Việt Nam mình vẫn chưa có "đất dụng võ" cho BS gia đình, nên chị ấy đã ở lại Bỉ để hành nghề, có phòng mạch riêng".
Qua trao đổi với BS Dũng, được biết: BS Hải đã đứng ra thành lập và là Chủ tịch Hội Hỗ trợ hợp tác phát triển Việt – Bỉ. Bà từng hoạt động rất hăng hái trong phong trào Việt kiều yêu nước nên đã gặp phải khá nhiều sóng gió từ sự chống đối của các thế lực thù địch. Hiện, BS Hải đại diện một số tổ chức từ thiện nước ngoài, đi về Việt Nam để giúp đỡ người nghèo… Nghe vậy, tôi càng muốn tìm hiểu về bà BS Việt kiều có vóc dáng đậm đà với ánh mắt đầy nghị lực này.
Làm từ thiện chính là tu
Tôi theo chân BS Hải cùng các cán bộ Hội Chữ thập Đỏ huyện Tam Bình vào thăm các bệnh nhân đang nằm điều trị ở BV Tam Bình. Qua câu chuyện của mọi người, tôi mới vỡ lẽ: Hội Chữ thập Đỏ ở đây có một cơ sở chuyên làm từ thiện bằng cách hàng ngày cung cấp cơm, cháo, nước chín miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo tại BV.
Trao đổi với mấy người trong Hội Chữ thập Đỏ, BS Hải hạ giọng: "Lần này tôi và em gái tôi (bà Bùi Kim Hà) vận động Hội Phật giáo New York Buddist Global Relief (Mỹ) được 2.000USD giúp cơ sở".
Một người nhà bệnh nhân là chị Nguyễn Thị Sáu (ngụ ấp 5, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình) thấy tôi quan sát (chị đang cho người bệnh ăn từng muỗng cháo), chị nghẹn ngào: "Ở quê làm ruộng cực lắm chú ơi. Tiền không có. Bệnh lo thuốc không đủ, huống hồ lo ăn. Tôi vào đây để chăm sóc người em, may mà cơ sở này lo cho cả cơm cả cháo, chứ không thì mình cũng chẳng dám vào viện".
Một nữ hộ lý trạc ngoài 40 tuổi, có lẽ đã gắn bó lâu năm với BV, góp chuyện: "Mấy năm gần đây, năm nào BS Hải cũng đóng góp tiền cho cơ sở này. Năm ngoái "bả" đóng góp 500USD và cấp phát hàng tấn gạo cho bà con nghèo trong huyện. Không có cơ sở cung cấp cơm, cháo, nước chín miễn phí này thì nhiều người nghèo không biết trông cậy vào đâu chú ạ".
Tôi đi cùng BS Hải tới Mặt trận Tổ quốc huyện Tam Bình. Tại đây, BS Hải trao 2.000USD huy động được từ Hội từ thiện "Wellness Global Foundation" mà BS Hải là Phó chủ tịch, để mua gạo phát cho người nghèo. Được biết, năm 2006, với số tiền ủng hộ từ BS Hải, MTTQ huyện Tam Bình đã tổ chức phát 200 phần quà cho người nghèo, mỗi phần 165 nghìn đồng. Năm nay, cá nhân BS Hải đóng góp 20 giường bệnh cho BV Tam Bình…
Sau khi làm từ thiện, chúng tôi vào chùa Phước Quang (ở thị trấn Tam Bình) thắp nhang. Thượng tọa Thích Phước Hiệp tuy nhận ra BS Hải là người quen, nhưng trong câu chuyện tôi có cảm giác "thân" đấy, rồi lại "sơ" đấy, chỉ thái độ từ hòa là bất biến.
"Thế nào là tu, thưa thầy?" – BS Hải hỏi, thượng toạ Thích Phước Hiệp chậm rãi: "Tu là tập. Mình tập sống sao cho mình và mọi người cùng bớt phiền não. Những việc làm từ thiện, làm công đức để người khác bớt khổ, đó chính là tu".
Ông giải thích: Người tu hành không thể không bắt đầu từ những việc từ thiện, vì đó là hình thức "thí tài", là cho đi những vật ngoài thân, từ đó dần nhận ra cái "tôi" của mình để mà tìm cách chế ngự nó. Tất cả tham, sân, si đều từ cái "tôi" mà ra cả. Nó chính là nguyên nhân của mọi khổ đau, của sinh tử luân hồi…". Tôi không mấy hiểu, nhưng thấy BS Hải mỉm cười như "ngộ" một điều gì đó.
Bác sĩ Hải chụp ảnh lưu niệm với Hội Chữ thập Đỏ huyện Tam Bình, Vĩnh Long. |
Cầu nối Việt – Bỉ
Buổi trưa, tôi có dịp chuyện trò với BS Hải, mới vỡ lẽ huyện Tam Bình là quê nội của bà. Tôi đùa: "Nếu BS chỉ làm từ thiện ở quê mình thì cái "tôi" vẫn còn nặng lắm, làm sao có thể giải thoát để thành Phật?" – BS Hải cười: "Thành Phật thì chẳng dám, chỉ mong chia sẻ phần nào những khó khăn của những người họ hàng thân tộc, rồi đến bà con láng giềng, những người VN nói chung".
Thực vậy, qua câu chuyện trao đổi giữa BS Hải với BS Nguyễn Thế Dũng, tôi được biết trong những năm qua, BS Hải đã trở thành cầu nối để các giáo sư y khoa hàng đầu của Bỉ đến với Việt Nam, đưa nền y khoa tiên tiến vào Việt Nam.
Chương trình ghép thận trị giá 300 nghìn euro sau khi có Luật Hiến tạng cùng với chương trình đào tạo BS (đưa BS sang Bỉ đào tạo và đào tạo BS tại VN) của Bỉ thông qua Đại học Liège được thực hiện trong ba năm (2004 – 2007) cũng do bà thiết kế. Bà chính là người đứng ra lo tất cả. Qua các chương trình này, bước đầu có hơn 50 BS đã được đào tạo tại Bỉ và hơn 50 bệnh nhân được ghép thận, hơn 50 bệnh nhân được mổ tim.
Bên cạnh đó, chương trình cấy điện ốc tai, tập luyện giọng cho trẻ em bị điếc cũng đã thành công, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình. Cũng với cầu nối là BS Hải, chương trình đào tạo BS gia đình cho Việt Nam đã được Bộ Hợp tác và Phát triển Bỉ chấp nhận tài trợ trong 5 năm (2008 – 2012) mỗi năm 100.000 euro. Mới đây, các giáo sư quốc tế đã về Việt Nam làm chuẩn bộ môn cho các giáo sư trong nước giảng dạy.
BS Hải giải thích: "Hiện nay nước mình chưa có BS gia đình nên tất cả bệnh nhân nặng, nhẹ đều dồn hết vào BV, khiến các BV quá tải. Nếu nước mình phát triển mô hình BS gia đình, sẽ giảm áp lực rất lớn cho các BV, người bệnh cũng được chăm sóc tốt hơn".
Giáo sư Didier Giet – Chủ nhiệm bộ môn Y học tổng quát, Đại học Liege (Bỉ) nhận xét tại Hội thảo Việt-Bỉ về "BS gia đình" tổ chức tại TPHCM tháng 11.2005: "Nhiều vị lãnh đạo giữa hai chính phủ và các trường đại học Việt Nam – Bỉ đã liên kết được với nhau bằng mối quan hệ tin tưởng, thân thiết, thông qua "cầu nối" là BS Bùi Kim Hải.
Điều hằng tâm niệm
Khi đã đủ hiểu và thân thiện để có thể chia sẻ những việc sắp tới, BS Hải nhìn tôi cười, cho biết: "Vào tháng ba sang năm (2009), Hội Từ thiện Wellness Global Foundation sẽ tổ chức Hội nghị xạ trị tại BV Ung bướu TPHCM với sự tham gia của các giáo sư Đại học Standford (Mỹ). Hiện nay tổ chức từ thiện đã quyên góp được 200.000USD cho hội nghị này. Tới tháng 7 năm 2009, sẽ có một đoàn BS và sinh viên thế hệ thứ hai của Việt kiều tại Đại học Y khoa Washington về Việt Nam để đi ba nơi khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo trong nước. Chúng tôi đã lo kinh phí đầy đủ, đang chuẩn bị các thủ tục để thực hiện".
Qua trao đổi, được biết: Tuy sống làm việc đã lâu tại Bỉ, nhưng từ năm 1989, khi Việt Nam mới mở cửa, BS Hải đã về nước. Bà dành nhiều thời gian thăm các BV. Hiểu được sự thiếu thốn trang thiết bị y tế, từ đó bà đều đặn gửi về những trang thiết bị tiêu hao cho các BV (như BV Bộ Nông nghiệp, BV Thái Nguyên…).
Tôi buột miệng hỏi: "Điều gì làm BS toàn tâm toàn lực với việc làm từ thiện ở đây vậy?". Trầm ngâm một lúc, mắt rớm lệ, BS Hải tâm sự: "Trước khi tôi lên đường sang Bỉ học, ba tôi có dặn: Con hãy hứa với ba, sau khi học xong, con phải về nước giúp những người nghèo".
Bây giờ thì tôi đã hiểu! BS Hải, cũng như vô số những Việt kiều yêu nước khác, dù sống ở đâu, thì trái tim vẫn luôn chảy dòng máu của người Việt mình, vẫn luôn hướng về nơi quê cha đất tổ, nơi ấy, còn có biết bao nhiêu người đang cần những bàn tay giúp đỡ…
Bình luận (0)