Hội nghị TW7 (khai mạc tại Hà Nội ngày 9-7-2008) đề cập nhiều vấn đề, trong đó có một nội dung rất quan trọng là “vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. Đây là “đại vấn đề” mà việc xử lý đúng sai sẽ trực tiếp quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn không tách rời nhau, đó là “câu chuyện” của người làm nông và nơi cư trú của họ.
Nông dân trong công nghiệp hóa
Nước ta vốn là một nước nông nghiệp. Nông dân từng chiếm 95% dân số, và ngày nay còn xấp xỉ 75% dân số cả nước. Vì vậy, khi đề cập khái niệm “nhân dân” thì thực chất là nói về “nông dân”. Họ từng có vai trò cực kỳ to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa tới nay. Ông cha ta đã từng xác định “Nước lấy dân làm gốc”, “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”, “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chính nông dân là động lực cơ bản, là đội quân chủ lực trên các mặt trận kinh tế, quân sự, chính trị, binh vận.
Trong hòa bình, người có công đầu trong công cuộc đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội trong những năm tám mươi cũng là nông dân. Rồi từ một nước phải nhập khẩu gạo thành nước đứng hàng thứ hai về xuất khẩu gạo trên thế giới cũng chính là do công sức của họ.
Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN, vai trò của nông dân không vì số lượng giảm đi tuyệt đối mà kém phần quan trọng. Nông nghiệp bất luận trong nền kinh tế nào đều có vị trí cực kỳ quan trọng. Trong tình trạng toàn thế giới đang thiếu lương thực trầm trọng hiện nay, vấn đề nông nghiệp nói chung và an ninh lương thực nói riêng lại càng trở nên cấp bách.
Vậy mà, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang “đẩy” nông thôn ngày một xa thành thị, không ít nông dân lâm vào cảnh mất ruộng, chán nghề, dẫn tới thảm cảnh ly hương, tha phương cầu thực, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa người có thu nhập thấp và người có thu nhập cao ngày càng lớn. Tình trạng đau lòng “người ăn không hết, kẻ lần không ra” đang diễn ra trước mắt (thu nhập và chi tiêu cho đời sống, bình quân đầu người một tháng ở khu vực đô thị là 220.000đ, còn ở nông thôn là 95.600đ – thông tin của Viện Quản lý Kinh tế TW). Trẻ em thất học, bỏ học chủ yếu ở khu vực nông thôn, ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu trực tiếp tới “nguồn nhân lực” của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đa số dân nghèo nông thôn chữa bệnh không được bảo hiểm y tế. Công bằng xã hội bị xâm phạm nghiêm trọng.
Có người đã tổng kết nông dân Việt Nam có 10 cái nhất:
Cống hiến nhiều nhất – Hy sinh lớn nhất – Hưởng thụ ít nhất – Được giúp kém nhất – Bị đè nén thảm nhất – Bị tước đoạt nặng nhất – Cam chịu lâu dài nhất – Tha thứ cao cả nhất – Thích nghi tài giỏi nhất – Năng động khôn ngoan nhất.
Mỗi “cái nhất” ấy có thể minh họa bằng nhiều trang viết, tự hào đến tột đỉnh cũng có và đau đến quặn lòng cũng nhiều.
Chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN đối với khu vực nông thôn là nhằm công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn và trí thức hóa nông dân góp phần xây dựng một “xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nông nghiệp, nông thôn đang bị “băm nát”!
Thực hiện chủ trương đó, bản thân nông nghiệp phải được cơ khí hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa, áp dụng công nghệ sinh học… để tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Muốn vậy, vấn đề tích tụ ruộng đất không thể không đặt ra (song, tích tụ thế nào để không quay trở lại cảnh “địa chủ”, “cố nông”, để không “đẩy” nông dân không ruộng ra bên lề cuộc sống là vấn đề không hề đơn giản), và việc xác định dứt khoát tổng diện tích đất nông nghiệp (đất có “cấu tượng” – tức đất trồng trọt được) để bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu ở mức tối thiểu như hiện nay là rất cấp bách. Nếu không, tình trạng lấy đất có “cấu tượng” chuyển thành khu công nghiệp một cách thiếu tính toán như hiện nay (từ 2000 đến 2005 có tới 366.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi để chuyển sang cho công nghiệp, đô thị và kết cấu hạ tầng), hoặc biến đất nông nghiệp thành sân golf (nay tạm chựng lại) sẽ là một thảm họa khôn lường. (Tại vùng lúa Hậu Giang, mới duyệt dự án sân golf có diện tích tới 232 ha. Huyện Thủ Thừa Long An có 777 ha trồng lúa thì đã bị thu hồi tới 256,3 ha làm sân golf…). Trong tiến trình trên, tất yếu tình trạng thừa nhân lực làm nông nghiệp là không thể tránh khỏi, và phải được giải quyết kịp thời theo phương châm “ly nông bất ly hương” để tránh các luồng di dân cơ học không cần thiết vào các thành phố lớn. (Việc thành lập các xí nghiệp hương trấn ở Trung Quốc là một kinh nghiệm nên tham khảo. Gần đây Trung Quốc đã có những phương hướng chỉ đạo mới: “Phát triển kinh tế – xã hội ở thành thị phải đi đôi với phát triển nông thôn, “Công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, thành thị dẫn dắt nông thôn” và có phương châm 20 chữ: “Sản xuất phát triển, đời sống ấm no, làng xã văn minh, diện mạo sạch đẹp, quản lý dân chủ”).
Đi liền với công nghiệp hóa nông nghiệp là phải từng bước hiện đại hóa nơi ở cho nông dân, tức thành thị hóa nông thôn (mà lâu nay phong trào “điện, đường, trường, trạm” là những bước khởi đầu), nhưng làng quê ngày nay dường như đang bị “băm nát” (dưới con mắt của nhà văn Nguyễn Quang Thiều thì: “Làng quê Việt Nam ngày nay, “ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng”, phố cũng không phải phố mà làng cũng không phải làng”). Trong những làng ở gần khu công nghiệp, đã xuất hiện các “làng ung thư”. Ô nhiễm môi trường nông thôn không kém thành thị. Con kênh xanh xanh “trở thành màu đen kịt, hôi thối. Và viễn cảnh thiếu sáng sủa của nó sẽ là: “Nông thôn sẽ là nơi không ai muốn ở…nông nghiệp sẽ là ngành không ai muốn đầu tư, nông dân muốn thoát khỏi quê hương nghèo khổ, các thế hệ tương lai sẽ bỏ rơi nông thôn”. (Theo báo cáo của Viện Chính sách & Phát triển nông thôn).
Còn trí thức hóa nông dân để có nguồn nhân lực tương ứng, thì không ít nơi ở vùng xa, vùng sâu, vùng cao, con em nông dân thiếu thốn trường lớp hay trường lớp tạm bợ chẳng khác cái chuồng trâu. Trước cảnh nghèo, tái nghèo, hiện tượng con em nông dân bỏ học đang ngày một nhiều.
Để có một nền nông nghiệp bền vững, để có một nông thôn văn minh, hiện đại, để người nông dân được thực sự đổi đời, một số tổ chức của LHQ khuyến cáo cần coi trọng 4 yếu tố sau:
– Sự tham gia chủ động, tích cực của các cộng đồng nông thôn, bao gồm những người lao động nông thôn, những chủ trang trại, những công nhân, các nông hội, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân, các cơ quan nhà nước trong mọi khâu của quá trình ra quyết định và thực hiện quyết định.
– Môi trường chính sách quốc gia thuận lợi, giàu tính khuyến khích, hỗ trợ, không áp đặt hoặc can thiệp thô bạo hay tinh vi, không đối xử bất công với nông nghiệp và nông dân.
– Thông tin minh bạch, thông suốt và có hiệu quả giữa các tác nhân có liên quan.
– Tập trung nghiên cứu ứng dụng những cách làm, những kỹ thuật thích đáng của từng địa phương, lối sống và văn hóa nông thôn ở từng địa phương.
Hy vọng NQTW7 sẽ vạch ra được chiến lược phát triển bền vững đối với khu vực nông thôn với những quyết sách thích hợp nhằm giải quyết quyết liệt, đồng bộ cả ba mặt: nông nghiệp, nông thôn và nông dân, để chúng ta lại có những làng quê thanh bình, hiện đại, trong lành với những con sông quê hương có “nước gương trong soi bóng những hàng tre”.
C. Dân
Bình luận (0)