Hội nhậpThế giới 24h

Tầm quan trọng chiến lược của cầu đường sắt cao nhất thế giới ở Ấn Độ

Tạp Chí Giáo Dục

Cầu đường sắt Chenab sắp khánh thành ở Ấn Độ – cao hơn tháp Eiffel – được nhận định là sẽ củng cố an ninh ở khu vực.
Cầu đường sắt Chenab ở Ấn Độ.
Sau 15 năm xây dựng, vài tháng nữa, Ấn Độ sẽ khánh thành hoàn toàn cây cầu đường sắt cao nhất thế giới ở Kashmir.
Ở độ cao 359 m, cầu đường sắt Chenab cao hơn 29 m so với tháp Eiffel ở Paris.
Cây cầu bắc qua con sông cùng tên Chenab dự kiến mở cửa vào cuối tháng 12.2023 hoặc vào tháng 1.2024, theo Bộ Đường sắt Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ cho biết, cây cầu khai trương sẽ mang lại sự thịnh vượng cho Kashmir.
Cây cầu này cũng hứa hẹn mang lại những lợi ích chiến lược lớn cho quân đội Ấn Độ, giúp đảm bảo khả năng tiếp cận gần như trong mọi điều kiện thời tiết không chỉ tới Kashmir mà còn cả khu vực Ladakh, Nikkei Asia chỉ ra.
"Cây cầu sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi thực sự trong cả năng lực quân sự cũng như thương mại và du lịch địa phương. Tàu hỏa có thể chuyên chở gấp 50 lần xe tải" – D.S. Hooda, cựu chỉ huy phía bắc của quân đội Ấn Độ, nhận định.
Ông chỉ ra, cầu đường sắt Chenab sẽ giúp cư dân Kashmir vận chuyển táo và các mặt hàng khác, đồng thời giúp quân đội di chuyển binh sĩ và thiết bị một cách nhanh chóng.
Trước khi cầu đường sắt Chenab khai trương, chỉ có một tuyến đường cao tốc chính vào thành phố Srinagar của Kashmir. Tuy nhiên, tuyến cao tốc này thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lớn và sạt lở đất cản trở các phương tiện tới Kashmir và Ladakh.
Ngoài cầu đường sắt Chenab, Ấn Độ cũng sắp hoàn thành đường hầm hai chiều dài nhất châu Á tại Zojila, nối Kashmir với Ladakh.
Ông Hooda cho hay, cầu đường sắt Chenab sẽ đặc biệt hữu ích vì đường cao tốc thường gặp trở ngại vào mùa đông. "Đó sẽ là sự trợ giúp lớn về mặt kinh tế cho người dân, cũng như cho quân đội Ấn Độ" – cựu chỉ huy nói.
Thiếu tướng Amrit Pal – cựu lãnh đạo hậu cần trong quân đội Ấn Độ – giải thích về lợi thế mà cây cầu mang lại. “Các đoàn đi từ Jammu đến Srinagar mất 12 giờ trong khi các đoàn xe hậu cần thì mất 16 giờ. Hiện tại, hành trình đó sẽ được thực hiện trong 3 giờ" – ông chỉ ra.
Cầu đường sắt Chenab được làm bằng thép chống nổ đặc biệt dày 63 mm cùng các cột bê tông được thiết kế để chịu được các vụ nổ. Cây cầu được cho là có thể chịu được trận động đất mạnh 8 độ richter và vụ nổ từ lượng TNT nặng 40 kg.
Ngoài công trình kiên cố, chính phủ Ấn Độ có kế hoạch cung cấp vòng an ninh trên không cho cầu đường sắt Chenab. Hệ thống giám sát và cảnh báo trực tuyến cũng được lắp đặt trên chính cầu đường sắt Chenab.
Dù cầu đường sắt Chenab chưa chính thức khánh thành nhưng cây cầu đang thu hút sự quan tâm nhiều hơn. Tháng 6 năm nay, cây cầu trên sông Chenab là địa điểm tổ chức sự kiện Ngày Quốc tế Yoga Quốc tế.
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)