Hội nghị về biến đổi khí hậu ở Glasgow (Vương quốc Anh) vừa diễn ra vào trung tuần tháng 11 – Ngày dành để công nhận bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các chính sách và hành động về khí hậu…
Rất nhiều trẻ em sẽ phải chịu ảnh hưởng bởi sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và trẻ em gái là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. (Những đứa trẻ trong một trường học ở Papua New Guinea). Ảnh: Shutterstock
Bất bình đẳng giới ở đây có nghĩa là phụ nữ và trẻ em gái sẽ trải qua biến đổi khí hậu theo những cách khác với chúng ta thường hay nghĩ. Họ dễ bị ảnh hưởng tới tính mạng trong trường hợp hiện tượng thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn so nam giới. Và khi biến đổi khí hậu dẫn đến việc di cư, mất nhà ở và thu nhập, họ là những đối tượng dễ bị bạo lực, áp bức trên cơ sở giới.
Vấn nạn tảo hôn trẻ em là một cơ chế đối phó phổ biến của nhiều gia đình khi đối mặt với áp lực khí hậu. Ví dụ, vào năm 2016, một cô bé 15 tuổi ở Mozambique đã phải kết hôn để đổi lấy 2.000 Mozambican Metical (tương đương 42 đô la Úc) để vượt qua tình cảnh thiếu thốn, nghèo đói do khí hậu gây ra đối với gia đình mình.
Cũng có bằng chứng rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu đối với giáo dục của trẻ em gái. Đặc biệt, nó sẽ làm trầm trọng thêm những rào cản vốn đã có sẵn mà các cô gái phải đối mặt. Chúng bao gồm việc học tập bị gián đoạn do không đủ tiền đóng học phí cũng như thức ăn, nước uống và các sản phẩm vệ sinh khi đến kỳ kinh nguyệt. Trong các đợt thiên tai, các bé gái phải đảm nhiệm nhiều hơn công việc chăm sóc gia đình và những hậu quả từ việc di cư.
Quỹ Malala ước tính các sự kiện khí hậu năm 2021 sẽ khiến ít nhất 4 triệu trẻ em gái không thể hoàn thành chương trình học của mình. Tương tự, một báo cáo mới của tổ chức Plan International cho thấy nếu tình trạng hiện tại tiếp tục, vào năm 2025, biến đổi khí hậu sẽ là một yếu tố góp phần ngăn cản ít nhất 12,5 triệu trẻ em gái hoàn thành chương trình giáo dục mỗi năm. Báo cáo nêu rõ: “Mặc dù trẻ em gái chịu tác động đáng kể của biến đổi khí hậu, nhưng họ cũng là những tác nhân mạnh mẽ của sự thay đổi, việc một quốc gia hành động để bảo vệ sự bình đẳng giới cho thấy khả năng ứng phó của quốc gia đó với biến đổi khí hậu như thế nào”.
Tại sao giáo dục cho trẻ em gái lại quan trọng?
Những trẻ em này sẽ phải chịu đựng sự gia tăng mạnh mẽ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, sự gia tăng về việc không có đủ lương thực, những thách thức đối với sức khỏe do chất lượng không khí kém hơn và ô nhiễm, cũng như tác động về sự biến mất của nhiều loài sinh vật và sự thay đổi đa dạng sinh học.
Trước những thách thức này, việc giáo dục cho thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Nhưng đặc biệt, giáo dục, trao quyền và sự lãnh đạo của trẻ em gái và phụ nữ là chìa khóa cho khả năng chống chịu với khí hậu.
Project Drawdown là một dự án nghiên cứu toàn cầu nhằm xác định và đánh giá các giải pháp đối với biến đổi khí hậu, dự án này lưu ý rằng giáo dục sẽ tăng cường khả năng phục hồi và trang bị cho trẻ em gái và phụ nữ đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu. Trang bị các kiến thức về quản lý nguồn thực phẩm, đất, cây và nước hiệu quả hơn, ngay cả khi chu kỳ của tự nhiên thay đổi rất quan trọng với nữ giới.
Giáo dục cho trẻ em gái có thể là một con đường để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu theo các cách chính:
Cần phải giáo dục cả về khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Sự tham gia của trẻ em gái trong các lĩnh vực này sẽ thúc đẩy sự đổi mới trong công nghệ xanh cũng như cách tiếp cận xã hội đối với khả năng phục hồi được xây dựng trên cơ sở bình đẳng giới.
Giáo dục và xây dựng kiến thức dựa vào tình trạng nơi ở hiện tại của phụ nữ và trẻ em gái về giảm thiểu rủi ro thiên tai và giúp họ ứng phó với các tình huống khẩn cấp về khí hậu.
Giáo dục giúp họ tạo ra các hướng đi, quyết định độc lập hơn về công việc, kế hoạch hóa gia đình và sự tham gia của họ trong cộng đồng. Việc này cũng tạo cơ hội để họ lãnh đạo và tạo ra quyết định cho tương lai của chính mình.
Trẻ em gái và phụ nữ đang dẫn đầu trong việc tạo ra các quyền lợi trong việc ứng phó với khí hậu trong khu vực. Anjali Sharma, 17 tuổi, đã dẫn đầu một vụ kiện tập thể mang tính bước ngoặt cùng với 7 thanh thiếu niên khác, tại Tòa án Liên bang Úc chống lại Bộ trưởng Môi trường của Úc, Sussan Ley. Nhóm đang tìm kiếm lệnh cấm Ley phê duyệt mở rộng mỏ than, vì cho rằng nó sẽ góp phần gây ra biến đổi khí hậu gây nguy hiểm cho tương lai.
Quỹ Malala cũng nói đến tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục trẻ em gái trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Quỹ cho rằng việc đầu tư giáo dục sẽ làm tăng khả năng phục hồi xã hội và tăng cường các nỗ lực thích ứng và giảm thiểu những tổn thương cho nữ giới.
Có thể làm được nhiều hơn thế
Báo cáo của Plan International cho thấy trong năm 2019, Úc đã chi 516 triệu đô la Úc trong khoản hỗ trợ phát triển chính thức cho các dự án nhằm mục tiêu hành động chống lại biến đổi khí hậu.
Con số đó chỉ chiếm 25% viện trợ phát triển của Úc, đưa Úc vào vị trí thứ 12 trong số 30 nhà tài trợ thuộc Uỷ ban Phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Báo cáo của Plan International cũng cho thấy giáo dục về khí hậu không có trong các chính sách phát triển và chiến lược giáo dục gần đây của Úc. Với Quan hệ đối tác phục hồi của Úc chỉ bao gồm Chính sách ứng phó phát triển Covid-19 được đưa ra vào tháng 5-2020 không đề cập đến biến đổi khí hậu trong ba chính sách của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.
Thế hệ trẻ đang đòi hỏi sự thay đổi từ những người nắm quyền, tổ chức trong cộng đồng của họ để giáo dục lẫn nhau, tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và mong muốn tiếng nói của họ được lan rộng đến các cấp chính quyền.
Chúng ta phải có suy nghĩ và động thái về việc đảm bảo trẻ em và phụ nữ được chuẩn bị cho những thách thức phía trước. Bằng cách ưu tiên giáo dục trẻ em gái trong nguồn tài trợ và quan hệ đối tác để phát triển khu vực, Úc có thể thúc đẩy vai trò lãnh đạo về khí hậu trong bình đẳng giới.
Các nhà lãnh đạo chính trị không chỉ có trách nhiệm cam kết và ứng phó với những người trẻ tuổi, mà còn phải xây dựng năng lực của họ để đối mặt với biến đổi khí hậu, hiện tại và trong tương lai để bảo vệ trẻ em gái và nữ giới khỏi sự bất công, áp bức khi tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp như hiện nay.
Thủy Phạm
(Theo TheConversation)
Bình luận (0)