Giáo dục ĐH thực hiện 3 chức năng cơ bản là đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển khoa học – công nghệ, hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học.
Giảng viên Trường ĐH Gia Định trao đổi với sinh viên trong giờ lên lớp (ảnh minh họa). Ảnh: M.Tâm |
Trên cơ sở đó hệ thống các trường ĐH cần được phân tầng tùy thuộc vào năng lực và định hướng đào tạo. Có những trường ĐH mạnh về đội ngũ hàn lâm sẽ thành ĐH nghiên cứu, có những trường chuyên đào tạo định hướng nghề nghiệp. Sự phân tầng này sẽ giúp quản trị ĐH hiệu quả hơn, giúp các trường chủ động hơn về nguồn lực trong việc xây dựng mục tiêu phát triển.
So với các nước khu vực, ngân sách chi cho giáo dục ở nước ta còn thấp. Cơ sở vật chất và điều kiện trang thiết bị phục vụ dạy học còn hạn chế. Lương của đội ngũ giảng viên chưa phải là thang bảng lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương công chức, viên chức. Đây là vấn đề không nhỏ làm giảm động lực phấn đấu của đội ngũ giảng viên, cán bộ. Việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH phải gắn với việc giải quyết bài toán giữa chất lượng và số lượng trong quy mô phát triển mạng lưới các trường ĐH cũng như quy mô đào tạo ĐH.
Nhìn lại mới thấy tốc độ phát triển của các trường ĐH ở Việt Nam diễn ra rất nhanh chóng. Năm học 2005-2006, cả nước mới có 104 trường ĐH, 151 trường CĐ thì đến nay đã có trên 200 trường ĐH (tăng hơn 100%). Trong lúc đó chúng ta chưa có kế hoạch chuẩn bị và lộ trình bài bản cho sự tăng trưởng nóng về giáo dục ĐH nên chất lượng còn nhiều bất cập. Hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ” hay “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ” là vấn đề đáng suy ngẫm. Ngay cả việc phân bố mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH cũng mất cân đối nghiêm trọng trên phạm vi cả nước. Theo đó, các cơ sở giáo dục ĐH chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ. Đa số các trường thành lập đều thiếu giảng viên, phương pháp giảng dạy vẫn trung thành với lối bảng đen – phấn trắng. Chương trình đào tạo cũng còn có khoảng cách khá xa so với quốc tế, vì vậy việc liên thông với hệ thống các trường ĐH nước ngoài còn nhiều khó khăn, nhất là khối ngành khoa học xã hội.
Những vấn đề trên cho thấy việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng là một yêu cầu cấp bách. Phải nhận thức được rằng muốn giải quyết những yếu kém và hệ lụy của nền giáo dục ĐH thì cần triệt tiêu cái gốc của vấn đề, trị “căn” chứ không phải trị “chứng”. Trước hết phải nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục ĐH đi liền với đầu tư giáo dục, thay thế cơ chế quản lý tập trung sang cơ chế trao quyền tự chủ. Thay vì quản lý theo một định dạng khuôn mẫu thì hãy làm sao tăng tính linh hoạt, đa dạng cho các trường, với nhiều cơ chế đặc thù phát huy thế mạnh. Hai là chú trọng đến chất lượng của sản phẩm giáo dục. Từ chỗ đào tạo ra những sinh viên còn hạn chế về tay nghề, thụ động thì bây giờ phải làm sao đào tạo được đội ngũ những người lao động thạo nghề, năng động, sáng tạo. Từ chỗ chỉ chú trọng đào tạo kiến thức, nghiệp vụ thì giờ đây cần chú ý đến giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng. Cuối cùng một câu hỏi được đặt ra là: Nếu xác định đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH thì đổi mới theo tiêu chí gì? Câu trả lời là nên bắt đầu xây dựng triết lý cho nền giáo dục ĐH đó là “con người Việt Nam thế kỷ XXI”. Từ chuẩn con người mới xác định chuẩn đào tạo, việc đổi mới sẽ xoay quanh trục đó, hướng tới mục tiêu đó, thiết kế ra nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo phù hợp.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH là một vấn đề lớn đòi hỏi tầm nhìn vĩ mô, sự phối hợp của các giải pháp bằng chính sách và khả năng đánh giá được chuyển động thực sự ở tầm vi mô. |
Trong tình hình cụ thể của giáo dục ĐH nước ta, các nhóm tạo động lực bao gồm: cơ chế quản trị ĐH, chế độ lương và điều kiện làm việc, môi trường của tự do học thuật, tính minh bạch giải trình, sự tín nhiệm của sinh viên và xã hội. Động lực không còn ở phía người dạy thì bây giờ nằm ở phía người học. Người thầy chỉ đóng vai trò tổ chức, gợi ý hướng dẫn và làm trọng tài giúp sinh viên tìm đến kiến thức một cách chủ động và sáng tạo thông qua nhiều con đường. Bên cạnh đó cơ sở giáo dục ĐH cần áp dụng chế độ sàng lọc đội ngũ giảng viên, nhằm loại bỏ những người không có năng lực chuyên môn, yếu kém, trì trệ trong đổi mới phương pháp và tu dưỡng tư cách nghề giáo. Việc tăng cường quan hệ quốc tế giúp các trường đẩy mạnh hoạt động trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm quản lý và còn là cơ hội để các trường tự kiểm điểm lại vị thế khoa học của mình.
Tóm lại, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH là một vấn đề lớn đòi hỏi tầm nhìn vĩ mô, sự phối hợp của các giải pháp bằng chính sách và khả năng đánh giá được chuyển động thực sự ở tầm vi mô. Điều này đòi hỏi toàn bộ hệ thống đào tạo ĐH ở nước ta phải quyết tâm xóa bỏ lợi ích cục bộ và chủ động tìm kiếm con đường đổi mới trước khi trông chờ thụ động vào nguồn lực của khu vực công.
PGS.TS Ngô Minh Oanh
(nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục,
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Bình luận (0)