Khổng Minh (Lục Nghị đóng) trong phim Tam Quốc 2010 – Ảnh: Ent.q.q.com
|
Tam Quốc 2010 chính thức bấm máy vào tháng 9.2008 và đã được phát sóng lần đầu ở TQ và Nhật Bản vào đầu tháng 5.2010. Có đến 4 đài truyền hình ở TQ bỏ ra 160 triệu nhân dân tệ mua bản quyền để phát sóng cùng lúc, khiến bộ phim lập kỷ lục mới về giá bản quyền phát sóng.
Một Tào Tháo “biết sai, sửa sai…”
Đạo diễn Cao Hy Hy lần đầu làm phim sử thi đã chứng tỏ tài năng của mình khi chuyển tải những thông điệp mà tác giả La Quán Trung muốn gửi đến người xem, điều mà Tam Quốc diễn nghĩa của đạo diễn Vương Phù Lâm – sản xuất năm 1995 – chưa làm tốt lắm. Tư tưởng triết học, sách lược quân sự, chính trị, thuật dùng người… được La Quán Trung tạo ra ảo diệu thế nào thì Cao Hy Hy chuyển lên màn ảnh sắc sảo như thế ấy.
Bộ phim thuật lại giai đoạn từ cuối đời Đông Hán loạn lạc đến khi thiên hạ lọt vào tay nhà Tư Mã để lập nên nhà Tấn. Nhân vật chính xuất hiện đầu tiên là Tào Tháo, cũng là nhân vật gây ấn tượng nhất của bộ phim lần này: từ vị quan nhỏ dám ra tay hành thích Đổng Trác, chuyện bất thành phải trốn chạy và sau đó trở thành một đại gian hùng trong thiên hạ. Trần Kiến Bân xuất sắc vào vai Tào Tháo, từ khuôn mặt, ánh mắt đến giọng cười ngạo nghễ. Một Tào Tháo “biết sai, sửa sai chứ không nhận sai” chuyển bại thành thắng rất nhiều trận chiến. Một Tào Tháo – thừa tướng sẵn sàng cúi xuống cột dây giày cho Quan Vũ hay phủi bụi cho Trần Lâm khi cần khiến quần hùng kinh hãi. Một Tào Tháo “mượn thiên tử sai chư hầu” thao túng quần thần nhưng không ai dám phản kháng. Cao Hy Hy đã dồn hết những cá tính phức tạp vào vai diễn của Trần Kiến Bân. Và tài diễn xuất của Trần Kiến Bân khiến nhiều người xem thoát được suy nghĩ cực đoan lâu nay: căm ghét Tào Tháo.
Lưu Bị nhiều góc cạnh
Trong khi đó, Vu Hòa Vỹ lại thể hiện rõ bản chất của một Lưu Bị lòng mang chí lớn nhưng rất biết cách giấu diếm. Với tài nghệ diễn xuất qua đôi mắt, Vu Hòa Vỹ cho thấy rất rõ một Lưu Bị muốn chiếm Kinh Châu nhưng giả vờ giữ giùm Lưu Biểu; thèm khát Tây Xuyên nhưng miệng vẫn khăng khăng từ chối vì “lý do” nhân nghĩa…
Vu Hòa Vỹ và Cao Hy Hy đã làm cho người xem hiểu rõ nhiều góc độ trong con người Lưu Bị hơn bất kỳ tác phẩm điện ảnh nào trước đó. Còn Khổng Minh – Gia Cát Lượng lại là một nét khác. Một Khổng Minh nhìn xa trông rộng, liệu việc như thần đã đáp ứng đúng như mong đợi của người xem khi diễn viên người Đài Loan – Lục Nghị vào vai rất ngọt, với hình ảnh đẹp hơn so với Đường Quốc Cường trong Tam Quốc diễn nghĩa năm 1995.
Có thể nói thành công của Tam Quốc 2010 phần nhiều nhờ vào tuyến nhân vật. Nhìn mặt Ngụy Diên thấy nhiều ẩn ý, nhìn thấy Chu Du là biết con người tự cao tự đại, nghe tiếng cười Tư Mã Ý sẽ thấy ẩn trong đó một con người gian trá… Còn những đại cảnh như: Triệu Tử Long cứu A Đẩu tại Trường Bản, trận Xích Bích… khiến người xem thật sự mãn nhãn. Không chỉ vậy, Cao Hy Hy còn khai thác thêm một số chi tiết như sự tranh giành ngôi thứ trong gia đình họ Tào, bất đồng về chiến lược giữa Gia Cát Lượng và Lưu Bị, mâu thuẫn giữa Chu Du và Tôn Quyền… nhằm tăng tính hấp dẫn cho bộ phim.
Trước khi bắt tay làm phim, đạo diễn Cao Hy Hy từng thổ lộ với báo giới TQ rằng vẫn đang trao đổi thêm với các nhà sử học về kịch bản, liệu nên “khen Tào chê Lưu” hay “khen Lưu chê Tào”. Và với bộ phim lần này, thực ý của các nhà làm phim đã thể hiện rõ.
Ai khiến Quan Công tự sát? Cái chết do tự sát của Quan Công (Vu Vinh Hoa đóng) trong phim đang khiến khán giả TQ phản ứng dữ dội. Không chỉ phẫn nộ về cái chết khác với cái chết của nhân vật trong tác phẩm văn học (Quan Vũ bị Tôn Quyền sai người chém đầu – NV), khán giả nước này còn cho rằng trên phim đã không thể hiện được hình ảnh một Quan Vân Trường "cao chín thước, mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt" như nguyên tác. Đang đóng phim mới tại Vô Tích, Vu Vinh Hoa thành thật trả lời phỏng vấn rằng việc đóng vai Quan Công thực sự rất khó. Anh cho rằng chiều cao 1,81m của mình không thấp so với hai diễn viên đóng vai Trương Phi (1,82m) và Lưu Bị (1,79m). Anh cũng diễn giải rằng việc thể hiện mắt lim dim sẽ toát được vẻ bí mật thần thánh của nhân vật Quan Công. Và một khi Quan Công mở trừng mắt sẽ có kẻ bị giết. Và để có được hiệu quả ánh mắt như ý, anh đã phải luyện tập rất lâu, thậm chí sau khi tẩy trang xong, anh nhìn mọi vật đều bị nhòe đi. Tuy nhiên anh cũng thừa nhận râu Quan Công bị cắt ngắn bớt nhằm thuận tiện quay các cảnh đánh võ, để không bị bay lên mặt hoặc bị xộc xệch. Còn về cái chết do tự sát của Quan Công, anh cho rằng "việc Quan Công tự sát khiến cái chết của ông được tôn trọng hơn" và tiết lộ chính mình là người đề xuất ý tưởng đó cho đạo diễn. Lệ Chi (Theo sina.com) |
Trường Nghi (Theo TNO)
Bình luận (0)