Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tâm sự của cô giáo nhân ngày 20-11

Tạp Chí Giáo Dục

Là giáo viên, càng gần đến Ngày nhà giáo Việt Nam, tôi càng mong phụ huynh hãy tôn vinh thầy cô giáo bằng tình cảm chứ không phải bằng phong bì như những năm gần đây.

Ở đâu cũng có giáo viên tốt, yêu thương và tận tâm với học trò… Ảnh tư liệu TT.

Tôi nói vậy bởi vì không ít phụ huynh đã và đang dùng phong bì những mong con họ được quan tâm hơn.

Trong mắt của học trò, tôi là cô giáo khó tính. Khi học trò mắc lỗi như quậy phá, cãi lời thầy cô, tôi luôn răn các em, cũng có khi dùng hình phạt phù hợp để các em sửa chữa. Nhưng điều này lại không được nhiều phụ huynh ủng hộ.

Nhất là khi một học trò thường xuyên lặp đi lặp lại một lỗi sai, tôi thường đề ra hình phạt nặng gấp đôi như phạt trực nhật, lau bảng, quét dọn lớp và lau bàn ghế sạch sẽ.

Nhưng có phụ huynh đã “mắng” tôi rằng: “Cô tra tấn con tôi, có phải con cô đâu mà cô xót? Ở nhà con tôi chẳng bao giờ phải đụng vào cái chổi, vậy mà lên lớp phải làm ôsin không công cho cô giáo và các bạn”.

Mặc dù tôi đã giải thích cho phụ huynh này hiểu rằng các cháu cần được đưa vào nề nếp, vào nội quy trường lớp nhưng người mẹ này vẫn một mực cho rằng con họ đang bị “đì”, bị hành hạ thể xác lẫn tâm hồn trầm trọng.

Nếu học trò quên làm bài tập hay quay cóp lần đầu sẽ là nhắc nhở, từ lần thứ hai sẽ bị phạt đứng quay mặt vào tường. Nhưng có em chẳng biết về mách bố mẹ thế nào mà ngay hôm sau phụ huynh đã lên làm việc với ban giám hiệu.

Có em còn được bố mẹ mách nước là phải quay lại cảnh cô giáo phạt để làm bằng chứng. Tôi còn nhớ có học trò hỗn láo, cãi lời thầy cô nên bị cho ra khỏi lớp thì phụ huynh lại cho rằng: “Cô giáo không có quyền đuổi con tôi ra khỏi lớp vì cháu đã được bố mẹ đóng tiền đầy đủ rồi”.

Có phụ huynh còn cho rằng càng gần đến ngày 20-11 thì thầy cô giáo càng cau có, khó tính, khắt khe để đòi quà cha mẹ học sinh.

Có phụ huynh đến gặp và nhét cái phong bì vào tay tôi cùng lời nói: “Các cô lương ít, thôi thì cầm tạm mua cái áo mới xem như quà 20-11 của cháu và bỏ qua cho cháu vì đã trót hỗn láo với cô”.

Thú thật, nghe phụ huynh nói vậy, tôi chỉ biết rơm rớm nước mắt. Một cảm giác buồn chán, thất vọng trào lên tận cổ vì lương tâm nghề nghiệp đã bị đem ra đong đếm bằng tiền.

Tôi kiên quyết trả lại chiếc phong bì cho phụ huynh, về nhà tôi cảm thấy tình cảm thầy trò sao quá mong manh.

Đối với thầy cô giáo chúng tôi, một lời chúc chân thành, một tin nhắn hỏi thăm Ngày nhà giáo Việt Nam còn có ý nghĩa hơn nhiều những món quà, những chiếc phong bì dày cộp tiền.

Tiền lương của chúng tôi dù không nhiều thật, nhưng với cách tặng quà theo kiểu quà nặng tay rồi đòi hỏi giáo viên phải thế này thế khác thì tuyệt đối người cầm phấn chúng tôi không bao giờ nhận.

Nhận một vài bưu thiếp, một vài lời chúc của học sinh hay bạn bè, tôi cảm thấy còn có thêm niềm tin với nghề. Dù lương giáo viên nghèo thật nhưng chúng tôi cũng có tự trọng của mình.

Chúng tôi cũng tìm hiểu hoàn cảnh của học trò, nếu thấy các em khó khăn vẫn kêu gọi quyên góp giúp đỡ học trò ấy. Nhiều hôm ở lại phụ đạo cho một số em chưa hiểu bài đến mức quên cả giờ về đón con nhưng vẫn bị nhiều phụ huynh kêu ca, phàn nàn đủ kiểu.

Tôi chỉ xin phụ huynh hãy nhìn giáo viên với ánh mắt thân thiện, để hình ảnh người thầy không bị nhòe, không bị lu mờ trước những món quà ngày nhà giáo.

Tôi chỉ muốn các bậc phụ huynh hiểu rằng ở đâu cũng có giáo viên tốt, yêu thương và tận tâm với học trò.

Không phải người thầy nào cũng ham tiền, rồi đốc thúc học sinh đi học thêm để kiếm thêm thu nhập. Còn nhiều người thầy tận tâm lắm, mong phụ huynh hãy tin như vậy.
PHI KHANH
 

Bình luận (0)