Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tâm thế lên lớp của người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Trước một tiết dạy, người thầy phải luôn giữ tâm thế vững vàng để đảm bảo tiết dạy được trôi chảy, thành công. Đó là tâm trạng và tư thế được biểu lộ ra trước công việc sẽ thực hiện. Nhưng trên thực tế của quá trình công tác, không phải lúc nào người thầy cũng gặp những điều kiện “xuôi chèo mát mái”; không gặp trắc trở và gương mặt lúc nào cũng sáng lên, tươi như hoa khi bước vào lớp học…

Bởi vì sao? Vì người thầy, trước hết cũng là một con người xã hội; có nhiều mối liên hệ với cuộc sống đời thường. Trong gia đình, họ không tránh khỏi những mâu thuẫn to hoặc nhỏ phát sinh; những sự “khắc khấu” vợ chồng, con cái chẳng hạn… Hoặc những quan niệm chưa “trùng khớp” về cách dạy con… Hoặc do nợ nần, do nhiều bức xúc của cuộc sống đời thường mà người thầy hàng ngày đối mặt… Trong vô vàn tình huống như thế, người thầy phải có đủ bản lĩnh để chiến thắng những cảm xúc tiêu cực đang xâm chiếm và làm chủ cảm xúc, lèo lái cảm xúc qua hướng tích cực để giờ dạy đạt kết quả.

Có rất nhiều trường hợp, người thầy (nhất là giáo viên nữ) không kiềm chế được cảm xúc tiêu cực; để những cảm xúc lộ ra ngoài và dẫn tới nhiều điều không hay đã xảy ra. Đó là giáo viên “xả trét” ngay bằng thái độ giận dữ, cau có khi học sinh không thuộc bài hoặc vệ sinh lớp còn dơ (ngày thường, khi vui thì giáo viên có thể bỏ qua)… Bao nhiêu bực bội, bức xúc của chuyện riêng tư trở thành những cơn “sấm sét” giáng xuống đầu đám học trò vô tội!

Hoặc có những giáo viên, do bực bội chuyện ngoài xã hội mà mình chứng kiến; vào giờ dạy là bắt đầu có màn “trữ tình ngoại đề”, nói hết chuyện nọ xọ chuyện kia, làm mất thời gian của lớp và khi chợt “bừng tỉnh” thì dạy vội dạy vàng; “chạy” cho kịp giờ nên học sinh rất ngán mà không dám nói ra!

Làm chủ cảm xúc, điều khiển được cảm xúc thể hiện ý chí, nghị lực của người thầy; thể hiện sự ứng xử tình huống sư phạm một cách hài hòa, hợp lý và kết quả tốt. Đó là cách biết dồn nén cảm xúc, đặt cảm xúc tiêu cực qua một bên để hướng tới cảm xúc tích cực cho bài dạy; nhìn vào ánh mắt của học trò để tiếp thêm ý chí, niềm tin.

Đó cũng là sự nhẫn nhịn, biết thầm lặng nhận những nỗi đau về mình; nhận điều cay đắng về mình và dành cho học trò những quả ngọt của tình yêu thương… Một khi có tâm thế lên lớp vững vàng, tự tin thì sẽ mang lại sự tự tin cho học trò; không vì một vài suy nghĩ nhỏ tiêu cực mà làm ảnh hưởng cả quá trình truyền thụ kiến thức…

Tâm thế lên lớp tốt chứng tỏ giáo viên đã có được một sự chuẩn bị kỹ càng bài giảng bằng lòng yêu nghề, bằng tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. Nó thể hiện qua dáng đi đáng đứng; qua nét mặt tươi vui, qua lời nói nhẹ nhàng, ấm áp và qua cách xử sự đúng mực với học trò… Tránh tình trạng thiếu sự chuẩn bị tâm thế lên lớp. Chân đi dép này chân mang giày kia, trang phục thiếu thẳng thớm, sạch sẽ và ngay cả lời nói cũng không chuẩn bị thì rất khó có một tiết dạy thành công vì nghệ thuật dạy là một khoa học, không thể là ngẫu hứng được…

Trưng Sa Đông (Sóc Trăng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)