Trước hoàn cảnh học sinh tiếp tục nghỉ học để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, nhiều trường học đã lựa chọn giải pháp giảng dạy trực tuyến. Tuy vậy, vì được triển khai trong bối cảnh bị động nên việc dạy và học trực tuyến ở nhiều cơ sở giáo dục đứng trước những rào cản, thử thách lớn, trong đó quan trọng nhất có lẽ là tâm thế người dạy và người học.
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, giáo viên và học sinh trên cả nước, không ai nghĩ rằng sẽ xa nhau một thời gian dài đến như thế. Đã gần hai tháng (và còn chưa biết sắp tới ra sao), các trường học phải tạm thời đóng cửa để phòng dịch. Trong quãng thời gian đó, tâm lý hoang mang là khó tránh khỏi. Việc nghỉ học lại được thông báo theo thời gian từng tuần, không thể tính toán trước theo kế hoạch cụ thể, càng khiến tâm trạng của giáo viên lẫn học sinh cảm thấy thêm bất an. Triển khai giảng dạy trực tuyến trong thời điểm này, vì thế càng trở nên đặc thù, trở ngại về mặt tâm lý. Không khó để nhận ra tâm lý chưa sẵn sàng thích ứng với việc dạy và học trực tuyến từ phía nhà trường lẫn học sinh và gia đình. Nhà trường lúng túng trong các thao tác triển khai, giáo viên dè dặt trong việc thực hiện, học sinh và phụ huynh thì vừa chưa quen, vừa quan ngại tính hiệu quả. Thậm chí, ở một số nơi, xuất hiện cả thái độ bất hợp tác của học sinh cùng gia đình, càng khiến cho việc triển khai giảng dạy trực tuyến thêm phần khó khăn.
Phàm làm việc gì, thái độ thực hiện luôn là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả. Thế nên, để việc giảng dạy trực tuyến có được hiệu quả như mong đợi, trước hết phải thay đổi tâm thế thực hiện của các bên có liên quan. Nhiều trường học chưa làm tốt khâu truyền thông, tuyên truyền để giáo viên lẫn học sinh và gia đình hiểu được những lợi ích từ giáo dục trực tuyến, nhất là trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay. Xây dựng tính tích cực, chủ động, tự giác của người học là điều kiện vô cùng quan trọng. Thiết nghĩ, nếu làm tốt công tác tư tưởng ngay lúc đầu thì khi tiến hành thực hiện, sẽ bớt được một rào cản vô cùng quan trọng: ý thức của người thực hiện.
Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)
Bình luận (0)