Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tâm trạng Thúy Kiều khi trốn khỏi lầu xanh Tú bà

Tạp Chí Giáo Dục

Đã có lần chúng tôi có nhắc đến từ quỳ trong câu thơ: Mụ già hoặc có điều gì/ Liều công mất một buổi quỳ mà thôi. Một từ quỳ kín đáo mà toát lên tính cách nhân vật họ Mã. Ở đây, ta lại gặp hai chữ quá đỗi, nghe giản dị mà lột tả tình cảnh khốn khó của Thúy Kiều. Trong nguyên truyện, TTTN còn cho Thúy Kiều: “Trong lòng lo ngại, không muốn nghe theo (Sở Khanh – LXL chú) ngặt vì đã thất thân với hắn, sợ hắn trở mặt thì rất có hại” (Thúy Kiều tâm hạ ưu nghi, dục bất y tha, nghiệp dĩ thất thân vu hỉ, khủng phạ phiên chuyển diện bì vi hại…).
Hai chữ quá đỗi như một bước sa chân không thể quay đầu lại. Đó cũng là sự chuẩn bị cho hai câu thơ bất hủ: Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Mà xem con tạo xoay vần đến đâu. Rõ ràng Thúy Kiều đưa chân bước theo Sở Khanh là một cuộc liều thân, Thúy Kiều không còn điều gì ở thế chủ động. Thúy Kiều đã phó mặc cho sự rủi may. Mà đã phó mặc, tất lòng lo sợ, mình không còn là mình nữa. Đó cũng là bước chuẩn bị cho tâm trạng Thúy Kiều khi đêm càng sâu, tấm thân càng gửi vào không gian, thời gian mù mịt: Đêm thu khắc lậu canh tàn/ Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương. Bản Kiều của Nguyễn Văn Anh, Phạm Kim Chi, Kiều Oánh Mậu, Duy Minh Thị và cả Tản Đà cũng để là đêm thu. Nhưng Tản Đà đã biện giải: câu này chữ “vợi”, các bản đều là chữ “lậu” là lầm mà chữ “thâu” nhiều bản để lại là chữ “thu”. Song cứ văn thế mà tôi được nghe, thì chữ “thâu”, chữ “vợi”, chữ “tan”, ba chữ cùng nghĩa mà có hơi khác, nghĩa là đêm càng thâu, khắc càng vợi, canh càng tàn. Câu đây và câu sau, thực là hai câu tả tình cảnh rất hay, cho nên cần phải biện bạch. Một chữ “trút” ở câu dưới, nghe cũng khác thường, đủ thấy chỗ dụng công của tác giả.
Không có bản gốc từ tay cụ Nguyễn Du viết nên ta khó phán quyết là đêm thu hay đêm thâu. Nếu là đêm thu, người đọc có thể nghĩ đến một tối mùa thu, đêm ấy là đêm cuối tháng (ngày 21) có thể sương rơi, giá lạnh. Cũng không hiểu đêm ấy ở tháng đầu thu hay cuối thu nên cảm giác giá lạnh có phần chưa chắc chắn. Điều cầm chắc ở đây là nói đêm thu tức chuẩn bị (hay liên ý) với câu thơ dưới đấy: Gió cây trút lá
Nhưng, nếu theo Tản Đà, chữ đêm thâu không những có ý như nhà thơ núi Tản sông Đà viết: đêm càng sâu, khắc càng vợi, canh càng tàn mà câu thơ còn dứt mạch hai chữ một: Đêm thâu/ Khắc vợi/ Canh tàn. Tuy cùng một ngữ nghĩa nhưng người đọc cứ thấy từng bước, từng bước Thúy Kiều đi sâu vào cái đêm quạnh quẽ, cô đơn ấy. Cũng chính vì vậy mà con đường Thúy Kiều đi như nhỏ lại, thiếu sức sống: Lối mòn cỏ lợt màu sương! Và, một câu thơ vừa tả thực vừa đau nhói lòng người đọc: Lòng quê đi một bước đường một đau. Thúy Kiều đang đi nơi đất khách quê người sao lại lòng quê (lòng nhớ đến quê hương)? Cụ Nguyễn đưa sự nhớ quê giữa cảnh tình đau đớn, bơ vơ, cũng là khắc đậm thêm sự lâm ly, bi thảm của Kiều.
 Đang đau buồn, cô đơn như vậy mà khi nghe phía sau có tiếng người ồn ào, lao xao, nhìn lại Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!
Chao ôi! Người “anh hùng, hảo hán”, người từng phát ngôn dữ dội: “Nàng đã biết đến ta chăng/ Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi”… Nghe lời hắn nói như đinh đóng cột: Dù cho gió kép mưa đơn/ Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì”. Nay hắn đã biến mất, Thúy Kiều trơ trọi, hãi hùng: Vuốt đâu xuống đất/ Cánh đâu lên trời!
Trong tình cảnh ấy, cụ Nguyễn lại tả bước đi của Thúy Kiều: Dặm rừng, bước thấp, bước cao… cái trồi sụt, lồi lõm ấy khiến ta nhớ đến Kiều theo Mã giám sinh: Vó câu khập khiễng/ bánh xe gập ghềnh
Liên tục, hết nỗi đau này Thúy Kiều gánh chịu nỗi đau khác. Nhưng đấy cũng là bước chuẩn bị!
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)