- 1 “Tam tự kinh” và triết lý giáo dục trẻ của người xưa
Mặc dù là sách kinh điển từ lâu đời của nền giáo dục Hán học, song những bài học trong cuốn sách dạy trẻ em “Tam tự kinh” nhìn ở góc độ nào đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Sách “Tam tự kinh” là sách gì?
Khi nhắc đến việc học hành, khoa cử ngày xưa, người ta thường hay nói đến hai bộ sách tiêu biểu, gồm Tứ thư và Ngũ kinh. Tứ thư bao gồm 4 cuốn sách, đó là: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử. Còn Ngũ kinh hay còn gọi là Ngũ thư, gồm 5 cuốn sách kinh điển là: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu. Tuy vậy, khi nhắc đến sách dạy vỡ lòng cho trẻ, không thể không nhắc đến bộ “Tam tự kinh”.
“Tam tự kinh” là cuốn sách chữ Hán dạy trẻ em của Trung Quốc và cũng rất thịnh hành trong giáo dục Việt Nam thời phong kiến trước đây. Sách được soạn từ đời nhà Tống. Đến đời nhà Minh, Thanh thì bổ sung thêm. Sách gồm hơn 1.000 chữ Hán, bố trí ba chữ (tam tự) trong một câu có vần, như câu mở đầu “nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Sở dĩ gọi là “kinh”, vì như lý giải của Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long” là do “thánh nhân chế tác” (thánh nhân chế tác viết kinh, hiền giả trứ thuật viết truyện).
Từ nội dung phong phú của sách “Tam tự kinh”, có thể thấy quan niệm triết lý sâu sắc, thực tiễn của người xưa về giáo dục trẻ em. Cuốn sách có thể chia ra làm 6 phần với những nội dung chính như sau: Một, nói về bản tính của con người vốn là thiện, về tầm quan trọng đối với việc dạy dỗ của người thầy và vấn đề học tập của trẻ em; hai, dạy cho trẻ em phải hiếu thảo với bố mẹ, hòa thuận với anh em; ba, dạy những kiến thức phổ thông, từ cách đếm đến thời tiết 4 mùa, ngũ hành, lục cốc, lục súc…; bốn, giới thiệu những sách kinh điển của Nho gia và các trước tác của Chư tử; năm, trình bày lịch sử phát triển và sự hưng vong của các triều đại Trung Quốc; sáu, giới thiệu những gương hiếu học điển hình cho các em noi theo. Trong lời nói đầu của sách “Tam tự kinh” (Đoàn Trung Còn biên soạn, NXB Văn hóa – Thông tin, 2004) có nhận xét: “Sách vỡ lòng được soạn như vậy thật quá chu đáo, dù không học nhiều, nhưng với 1.000 chữ, khi nắm được nghĩa lý, cũng khả dĩ cho con người một khái niệm vũng chắc về cuộc sống, về đạo đời; là mẫu mực sáng giá cho mãi đến ngày nay”.
Bỏ qua những yếu tố cục bộ như là sách của Trung Hoa, giáo dục cho trẻ em Trung Hoa, thì sách “Tam tự kinh” có những bài học giáo hóa rất tốt về bản thân, gia đình, cuộc sống; về đạo đức, làm người và về tinh thần hiếu học… cho trẻ em. Hơn nữa, với hình thức là mỗi câu chỉ vỏn vẹn 3 từ, lại có vần điệu, giúp trẻ dễ nhớ, dễ thuộc, dễ nhập tâm để ghi nhớ. Dù là nôm na, đơn giản, nhưng nhiều câu trong sách có tính khái quát, triết lý sâu sắc của con người: “Nhân chi sơ – tính bổn thiện” (Người thuở đầu – tánh vốn lành); “Nhân bất học – bất tri lý” (Người chẳng học – chẳng biết lẽ); “Tử bất học – phi sở nghi; Ấu bất học – lão hà vi” (Con không học – chẳng phải lẽ; Trẻ chẳng học; Già làm gì?)…
Những câu chuyện giáo dục hữu ích từ sách
Học “Tam tự kinh”, trẻ được tiếp xúc với nhiều bài học dạy con, tấm gương hiếu học xưa, từ đó mà có nghị lực vươn lên trong học tập. Đó là bài học giáo dục của người mẹ Mạnh Tử với con: Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ và chịu sự nuôi dưỡng của mẹ là Chương Thị. Chương Thị nổi tiếng với câu chuyện 3 lần chuyển nhà để cho con trai mình có môi trường giáo dục tốt nhất. Lần đầu mẹ con chuyển nhà ở gần nghĩa địa. Mạnh Tử thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước theo. Mẹ Mạnh Tử nghĩ: “Chỗ u ám như vậy không phải chỗ con ta ở được”. Lần thứ hai, bà dọn nhà ra gần chợ. Mạnh Tử ở gần chợ thấy người buôn lọc lừa, bà mẹ lại nghĩ: “Chỗ thị phi này cũng không phải chỗ con ta ở được”. Lần cuối, mẹ Mạnh Tử bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học. Mạnh Tử ở gần trường, thấy trẻ đua nhau học, cũng ham học theo chúng bạn. Bấy giờ bà mới vui lòng: “Chỗ này là mới thực sự là chỗ cho con ta nên người!”. Một hôm, Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy liền cầm dao cắt đứt ngang tấm vải đang dệt trên khung mà nói: “Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi như vậy”. Từ hôm đó Mạnh Tử cảm khái lời mẹ dạy, quyết không phụ tấm lòng của mẹ, chuyên tâm chuyện học tập, rồi về sau thành một bậc đại hiền vang danh ở thời Xuân Thu Chiến Quốc. Trong “Tam tự kinh”, chuyện mẹ con Mạnh Mẫu (mẹ Mạnh Tử) nói tên được dạy như sau: “Tích Mạnh mẫu – trạch lân xử; Tử bất học – Đoạn cơ trữ).
Hay như việc dạy tích Ôn Thư (đời Hán) nhà nghèo, ham học mà không có sách, đi chăn dê, lấy lá bồ đóng thành vở để học. Hoặc chuyện Công Dương Hoành (đời Hán) đã 50 tuổi, nhà nghèo, hiếu học, đi chăn heo cho người ta, chẻ tre làm thẻ chép Kinh Xuân Thu mà học. Chuyện Tôn Kính (đời Tấn) đêm khuya đọc sách, e rằng buồn ngủ, bèn lấy dây cột tóc treo lên rường nhà, phòng hễ ngủ gục thì dây sẽ kéo đầu cho thức tỉnh. Tô Tần đời Chiến quốc, đọc sách canh khuya, mắt mỏi buồn ngủ, bèn lấy cây dùi đâm vào vế cho đau mà tỉnh dậy để học. Hoặc như Xa Doãn, Tôn Khương (đều đời Tấn), không có tiền mua dầu thắp, phải bắt đom đóm và lấy tuyết trắng hắt bóng sáng ra mà học… Tất cả các gương hiếu học trên về sau đều trở thành người hiền tài, đáng để trẻ em ngưỡng mộ. Ở Việt Nam cũng có nhiều tấm gương hiếu học như thế, như: Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Đình Chiểu…
Nhiều người vì quá “nghênh tân” mà có tư tưởng “tống cựu”. Họ cho rằng sách xưa, tư tưởng xưa là lỗi thời, lạc hậu, ấu trĩ, thiển cận. Suy nghĩ như thế là thiếu công tâm. Nền Hán học, Nho học đã đào tạo ra những bậc kỳ tài, những danh nhân cho nước nhà và nhân loại, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… Trước đây (năm 1954), trong cuốn “Tự học – một nhu cầu thời đại”, học giả Nguyễn Hiến Lê đã có ý thức đề cao Hán học (và bản thân tác giả cũng là người có sở học Hán học rất rộng, nhờ tự học là chính): “Ba mươi năm trước ai mà chẳng nghĩ như Tú Xương “Nào có ra gì cái chữ nho/ Ông nghè ông Cống cũng nằm co”. Mười lăm năm sau, sách dạy Hán tự đua nhau xuất bản… Và giờ đây, người ta đang kiếm những người có Hán học để dạy trong các trường trung học” (Tự học – một nhu cầu thời đại, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa – Thông tin, HN, 2007, tr. 38). Ý kiến của học giả Nguyễn Hiến Lê vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay. Cổ học không chết, chỉ là chúng ta có biết cách khai thác nó cho phù hợp với đời sống ngày nay hay không. Sách “Tam tự kinh” cũng là hiện tượng như thế.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)