Việt Nam thuộc top 10 nước có nguy cơ cao về mất an toàn thông tin mạng với nhiều cuộc tấn công qua mạng và phát tán thư rác. Tổng Thư ký Hiệp hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA) Trần Anh Minh cảnh báo tại buổi giao lưu trực tuyến Thế giới ảo, nguy hiểm thật, sáng 17-12 tại TPHCM.
Hacker tấn công báo điện tử VietNamNet, thay đổi giao diện và công khai mã nguồn cùng nhiều thông tin “nhạy cảm” khác . Ảnh: CTV |
Nạn nhân mới nhất là báo điện tử VietNamNet, bị hacker tấn công, lấy mất dữ liệu, chiếm quyền xuất bản. Theo ông Trần Anh Minh, đây là sự kiện nổi bật về an toàn thông tin (ATTT) liên quan tới nhiều yếu tố như: con người, tổ chức, công nghệ…
Theo ông Minh, các website của VN có quá nhiều lỗ hổng trong khi đầu tư về con người, kỹ thuật, bảo mật chưa được quan tâm đúng mức. Trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm ATTT được thiết kế cho nhiều đối tượng.
Để có thể lựa chọn giải pháp, sản phẩm phù hợp, các tổ chức cá nhân cần đánh giá rủi ro hệ thống như: công nghệ, tổ chức, nhân sự và tài nguyên thông tin thiết yếu… Một doanh nghiệp có thể bảo vệ được hệ thống CNTT của mình khi có chính sách ATTT phù hợp để bảo vệ, “vá” lỗ hổng của hệ thống.
Khó xử lý
Theo LS Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, công tác đấu tranh với loại tội phạm mới này gặp rất nhiều khó khăn trong thu thập chứng cứ. Kẻ phạm tội và người bị hại không tiếp xúc trực tiếp mà chỉ thông qua mạng internet.
Do vậy, không xác định được người bị hại cụ thể hoặc địa chỉ của người bị hại. Thủ phạm thường sử dụng internet với thủ đoạn rất tinh vi nên phạm vi lan tỏa nhanh, số người bị hại rất nhiều và sống ở nhiều nước khác nhau.
Mặt khác, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa công nhận dữ liệu điện tử được lưu trong máy tính cá nhân, điện thoại di động, USB, thẻ nhớ, hộp thư điện tử, máy chủ hệ thống, hoặc mạng internet đặt ở nước ngoài… là chứng cứ pháp lý. Để phòng chống loại tội phạm này, cơ quan quản lý nhà nước về CNTT cần hoàn thiện khung pháp lý.
Phạm Lê Thư (Theo TPO)
Bình luận (0)