Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tân cử nhân lao đao vì thiếu kỹ năng… mềm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận bằng khen sau đợt tập huấn KNM

Hiện nay, đa số sinh viên (SV) được trang bị đầy đủ kiến thức chuẩn về ngành nghề mà họ được đào tạo trong các trường ĐH. Tuy nhiên, các kỹ năng mềm (KNM) như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tìm kiếm thông tin, giải quyết vấn đề… để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thì SV còn rất hạn chế.
Lúng túng trong hoạt động nhóm
Nếu SV nước ngoài có thái độ tích cực, chủ động, chuyên nghiệp trong các hoạt động ngoại khóa hay hoạt động xã hội thì SV Việt Nam còn thiếu các KNM trong những hoạt động này. Chính vì thiếu KNM mà khi tốt nghiệp, mặc dù có điểm số học tập rất cao nhưng họ vẫn không vượt qua “lưới” của các nhà tuyển dụng. Rất nhiều nhà doanh nghiệp than phiền rằng, khi tuyển dụng được nhân viên, họ lại tiếp tục phải đào tạo thêm nhiều kỹ năng cho nhân viên mới. Theo điều tra của Bộ LĐ-TB&XH, có hơn 13% SV phải được đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng, gần 40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc, 41% cần thời gian làm quen với công việc. Ông Trần Thiên Ân, Phó giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn cho biết: “Dưới góc độ là một nhà kinh doanh, tôi thấy SV được trang bị khá kỹ lưỡng và đầy đủ những kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng là do thiếu các KNM. Nhiều SV chưa nhận ra được vai trò, vị trí của mình trong công việc, họ chưa có kỹ năng xây dựng hình ảnh cá nhân, vì vậy họ không phát huy được hết năng lực của mình để trở thành người thành đạt”.
Một trong những KNM quan trọng nhất là làm việc nhóm nhưng đa số SV hiện nay mang tính cá nhân quá cao. Thạc sĩ Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win – Win chia sẻ: “Nếu đơn độc, chúng ta sẽ rất khó thành công trong công việc. Một người muốn thành công cần sự cộng tác, giúp đỡ của những người xung quanh. Tuy nhiên, SV Việt Nam tính cá nhân còn cao, vì vậy khi làm việc nhóm họ chưa phát huy cao sức mạnh tập thể, hiệu quả công việc chưa đạt được yêu cầu”.
Nhiều SV cũng cho rằng, trong các đề tài nhóm họ chưa thể kết hợp tốt năng lực cá nhân và sức mạnh tập thể. Nguyễn Thu Hương (SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết: “Làm việc độc lập tôi thường được điểm số cao và được đánh giá là khả năng thâu tóm vấn đề rất tốt. Tuy nhiên, để làm việc nhóm thành công quả thật là rất khó vì tôi thiếu tự tin trước mọi người nên không biết cách hòa nhập để làm việc tập thể”. Còn Hoàng Oanh (SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) tâm sự: “Mặc dù chúng tôi rất tích cực trong các bài tập nhóm nhưng do chưa nắm được những KNM như giao tiếp, làm việc nhóm nên chúng tôi thường tranh cãi mỗi người một ý tưởng, cuối cùng không có thống nhất được ý kiến nên không thể hoàn thành bài tập của mình”.
Cần thiết bổ sung kỹ năng mềm
Nhận thấy nhu cầu trang bị KNM cho SV là vấn đề cấp bách nên nhiều trường ĐH, bên cạnh việc giảng dạy các kiến thức chuyên môn đã có các chương trình đào tạo KNM để SV tự tin khi bước vào môi trường làm việc mới. PGS.TS Nguyễn Đông Phong, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng: “Để xây dựng chuẩn đầu ra cho SV, ngoài phát huy nội lực bằng việc trang bị những kiến thức chuyên ngành thì trong quá trình giảng dạy, chúng ta nên phối hợp với các công ty tổ chức những chương trình hỗ trợ thêm về KNM cho SV”.
Gần đây, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã đưa chương trình huấn luyện KNM vào chương trình học bắt buộc của SV. Chương trình đào tạo này bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng xây dựng hình ảnh cá nhân… Và ở từng ngành sẽ có những tiết huấn luyện, giao lưu với các chuyên gia. Một trong những chương trình huấn luyện KNM thành công mà nhà trường đã phối hợp với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện là “Student Development Program”. Thạc sĩ Đỗ Thanh Năm, giảng viên trực tiếp dạy SV trong chương trình này cho biết: “SV Việt Nam cũng rất tự tin, sáng tạo và chủ động khi tham gia chương trình. Tuy nhiên, chỉ với những buổi tập huấn này là chưa đủ để trang bị đầy đủ KNM cho họ. Trong các chương trình đào tạo ở trường, giảng viên nên lồng ghép KNM vào để SV nắm bắt nhanh hơn. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin các doanh nghiệp đang có nhu cầu như thế nào để có những chương trình đào tạo KNM phù hợp là rất cần thiết cho SV”.
Hiện nay, nhu cầu học thêm về KNM từ phía SV tăng lên rất nhanh kéo theo sự xuất hiện của các đơn vị đào tạo ngày càng nhiều. Tuy nhiên, ông Trần Thiên Ân cho rằng ý thức của SV vẫn là điều chủ yếu để họ có thể trang bị kỹ năng hiệu quả nhất. Nếu họ tự giác nhận thấy rằng, những KNM là rất quan trọng để bước vào đời thì sẽ tự tìm ra cách trau dồi thiết thực nhất”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)