Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tân cử nhân miền Trung: Lận đận tìm việc mùa ra trường

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi chờ việc làm, nhiều tân cử nhân chấp nhận làm thuê với công việc lao động chân tay nặng nhọc như thế này

Trung bình mỗi năm hai ĐH vùng ở khu vực miền Trung gồm ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế tuyển sinh hơn 20 ngàn tân sinh viên (SV). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc có gần bằng số lượng tân cử nhân ra trường phải tìm  kiếm việc làm. Trong khi đó nhu cầu việc làm ít, nhiều doanh nghiệp lại đòi kinh nghiệm…
Nhiều tân cử nhân vừa tốt nghiệp đã phải chạy đôn chạy đáo tìm việc trong khi giấy tờ chưa đầy đủ khiến nhiều trường hợp dở khóc dở cười, số khác quay về lao động chân tay và điệp khúc chờ… vẫn cứ lặp lại mỗi năm.
Chỉ tại cái… giấy chứng nhận
Khác với những SV thuộc lớp “cô chiêu, cậu ấm” chưa ra trường đã được “mớm” sẵn chỗ làm thì đối với rất nhiều SV con nhà nông ở miền Trung, tìm được việc làm đối với họ quả là một sự nỗ lực lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng toại nguyện sau những nỗ lực ấy. Mà lí do dẫn đến việc gặp khó trong quá trình xin việc lại xuất phát từ phía… nhà trường nơi đào tạo các em suốt 4 năm qua. “Huyện em thông báo tuyển công chức xã, tụi em nộp hồ sơ đầy đủ nhưng kẹt mỗi cái giấy chứng nhận tốt nghiệp của trường. Thông thường mấy năm trước, nhà trường cấp cho SV giấy chứng nhận tốt nghiệp thì không hiểu sao năm nay họ chỉ cấp giấy đã hoàn thành khóa học. Khi đến cơ quan nộp hồ sơ, họ bảo phải có chứng nhận tốt nghiệp mới nhận. Thế nhưng trong những ngày đó nhà trường ngừng hoạt động để phục vụ thi ĐH. Khi tụi em xin lại được giấy chứng nhận tốt nghiệp thì huyện hết hạn nhận hồ sơ thi tuyển”, em Phan Phương Huyền, SV vừa tốt nghiệp ngành luật, Trường ĐH Khoa học Huế và cũng vừa hụt cơ hội thi tuyển công chức xã ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình buồn bã cho biết.
Không riêng Hà, trong đợt tuyển công chức ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có hơn 20 trường hợp cùng chung cảnh ngộ. Em Ngọc Hiệp, SV vừa tốt nghiệp ngành ngữ văn than thở: “Xong đợt thi thứ nhất, em bắt xe vào Huế xin giấy rồi quay ra Quảng Bình mà không kịp nghỉ ngơi. Mong đến đúng giờ nộp hồ sơ nhưng 4 giờ chiều khi tới nơi mới biết hồ sơ đã bị loại vì hạn nộp hết trước đó một ngày mà bọn em chưa kịp bổ sung giấy chứng nhận tốt nghiệp”. Không nộp được hồ sơ, nhiều tân cử nhân đành quay về phụ giúp ba mẹ làm đồng áng, chờ cơ hội khác.
Việc bỏ qua một cơ hội không có nghĩa tương lai các tân cử nhân này sẽ đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên nhà trường nơi đào tạo các em cũng cần tạo điều kiện, chia sẻ để SV không gặp khó ở những điều đáng ra không hề khó. “Dẫu biết rằng sự cạnh tranh về cơ hội việc làm bao giờ cũng có tính loại trừ lớn. Chưa chắc những hồ sơ các em chạy đôn chạy đáo nộp vào là sẽ đỗ. Nhưng tạo điều kiện cho các em có được cơ hội để nắm bắt là điều nhà trường cần quan tâm khi cấp giấy chứng nhận cho các em. Bởi nếu chỉ có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học thì những nơi tiếp nhận sẽ rất khó trong việc xác minh các em đã tốt nghiệp hay chỉ mới hoàn thành”, một cán bộ lâu năm ở huyện Bố Trạch chia sẻ.
Tốt nghiệp thạc sĩ văn học đã gần 2 năm nay nhưng bạn Nguyễn Hồng Duyên ở Đà Nẵng vẫn phải chọn một công việc làm tạm cho một trang báo mạng về tình yêu giới tính và hễ có nơi nào tuyển lại cầm hồ sơ đến gõ cửa. Nhưng cơ hội để có được một việc làm thực sự đúng ngành nghề dường như mờ mịt.
Anh Hồ Văn Lợi ở thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) tốt nghiệp ngành chăn nuôi Trường ĐH Nông lâm Huế. Với tấm bằng khá, lận đận ba năm trời không tìm được công việc vừa ý, cuối cùng anh về quê mở trang trại chăn nuôi lợn. Theo anh Lợi, việc mở trang trại này ít ra cũng áp dụng được kiến thức đã học sau 4 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường.
May mắn hơn, chị Phạm Thu Hà vừa tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Huế, ngành ngữ văn đã xin được việc làm tại Hà Nội. Tuy nhiên công việc xin được cũng không hề ăn nhập gì với ngành đã học: “Em đang làm trong một công ty kinh doanh nên vừa làm vừa phải theo học văn bằng 2 ngành quản trị kinh doanh. Ngành xã hội bây giờ ra trường, nhất là đến các thành phố lớn đang phát triển năng động rất khó xin việc nên chấp nhận lãng phí 4 năm học ĐH”. 
Doanh nghiệp làm khó
Bấy lâu nay việc SV học ra trường thất nghiệp, nguyên nhân chủ yếu thường xuất phát từ sự kêu ca của nhà tuyển dụng về kinh nghiệm của các em còn quá non. Vấn đề này một phần do chính bản thân các em lười học hỏi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính lại xuất phát từ phía nhà trường trong quá trình đào tạo và phần khác thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa bên đào tạo và nhà tuyển dụng. Theo TS. Đào Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, trong xu thế hiện nay, nhà trường cần phải chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực gắn với đầu ra cho SV. Ngoài kiến thức cứng cần thiết cũng cần trang bị cho các em kỹ năng mềm để ra trường có cơ hội việc làm tốt hơn. Cũng theo TS. Hòa, những năm trở lại đây, Đà Nẵng phát triển mạnh, thu hút đông đảo nguồn nhân lực cao nên nhà trường rất chú trọng khâu đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Nhờ đó, mỗi năm có khoảng 50% SV tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay, hoặc được các nhà tuyển dụng chọn từ khi bắt đầu chuẩn bị làm khóa luận tốt nghiệp.
Mặt khác, bất cập xuất phát từ tâm lý của nhà tuyển dụng. Thông thường khi cần nhân sự, nhà tuyển dụng mới bắt đầu thông báo thi tuyển. SV xin vào thực tập thì không mấy doanh nghiệp mặn mà. Nếu không có sự can thiệp từ phía nhà trường, nhiều nơi thẳng thừng từ chối. Vì thế SV không có cơ hội cọ xát với thực tế. Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà (giảng viên tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng), trong xu thế hiện nay, nhà tuyển dụng luôn đặt ra yêu cầu tuyển được người “xuất chúng” chứ không cần người xuất sắc. Tuy nhiên, họ lại khắt khe trong việc hợp tác đào tạo. Cụ thể như nhiều doanh nghiệp không nhận SV thực tập với lí do không có nhân viên hướng dẫn.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)