Đằng sau những nụ cười rạng rỡ ngày tốt nghiệp là cả một chặng đường gian khó. Ảnh: T.L |
Giã từ cuộc sống sinh viên (SV) với bao khó khăn, thiếu thốn, những SV mới ra trường bước ra đời với tâm trạng của một trí thức “nửa mùa” không biết đi đâu, về đâu.
“Lay lắt” tìm việc
Thi xong tốt nghiệp, Thùy Liên (ĐH Sư phạm TP.HCM) tranh thủ về nhà ở Nam Định. Nhưng cũng chỉ “nghỉ mệt” được nửa tháng, Liên lại tức tốc lên đường vào TP.HCM. Thực ra, lý do nghỉ hè chưa phải là mục tiêu quan trọng của chuyến hành trình về quê. Liên cho biết mục đích chính là bổ túc giấy tờ để chuẩn bị đi xin việc. Chỉ cho chúng tôi xem xấp hồ sơ hơn chục cái, Liên than thở: “Em cứ làm sẵn như vậy rồi đi “rải” luôn một thể. Xin được việc bây giờ đâu phải chuyện dễ dàng. Cứ gửi hồ sơ, chỗ nào gọi thì đi phỏng vấn. Em bắt chước các anh chị khóa trên cả đấy. Lúc còn học thì mong ra trường sớm, giờ ra trường rồi lại không biết bắt đầu từ đâu”. Khi được hỏi sẽ xin vào dạy ở trường nào, Liên ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu. “Học ngành sư phạm nhưng chưa chắc em đã xin được đi dạy vì các trường ở thành phố đều thừa giáo viên. May ra thì xin vào trường quốc tế hoặc các trường ngoài công lập. Còn không thì lại phải làm… trái ngành”. Cùng dãy trọ với Thùy Liên, Minh Tú (ĐH Bán công Marketing TP.HCM) cũng cùng chung cảnh ngộ. Đến tháng 8 mới nhận bằng tốt nghiệp nhưng Tú không về nghỉ hè dù nhà Tú ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Thay vì về nhà vui vẻ cùng mọi người trong gia đình thì Tú chọn giải pháp ở lại TP.HCM, suốt ngày lang thang trên mạng tìm thông tin để xin việc hoặc tìm đến các hội chợ việc làm nộp đơn xin việc và phỏng vấn để lấy “mẹo xin việc”. Minh Tú cho biết bây giờ số lượng công ty đăng tuyển việc làm không ít nhưng hầu hết đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Những vị trí không yêu cầu kinh nghiệm thì lại theo kiểu “lương thỏa thuận”. Đó không phải là nỗi băn khoăn của riêng Tú mà còn là của hầu hết tất cả mọi sinh viên khi bước ra khỏi cánh cửa ĐH, CĐ. Qua tìm hiểu số trí thức “nửa mùa”, có việc làm đúng với ngành nghề mình học chiếm rất ít. Mỗi năm hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp tại các trường ĐH, CĐ, họ cố gắng tìm cho mình một công việc phù hợp, thậm chí chẳng có dính dáng gì đến ngành mình được học ở trường. “Vừa là để lấy kinh nghiệm và cũng là để tìm cho mình cơ hội khác. Như mình nè, tốt nghiệp ĐH Công nghiệp ngành hóa chất. Ra trường mãi mà không xin được việc. Người anh họ rủ vào công ty truyền thông làm. Bây giờ yêu nghề luôn, không muốn tìm việc khác nữa” – Thanh Nam, Công ty truyền thông Media chia sẻ.
Và về quê…
Không thích cảnh náo nhiệt, xô bồ nơi chốn thành thị có không ít SV sau khi ra trường đã chọn giải pháp về quê. Nhưng không phải vùng quê yên bình nào cũng dành chỗ đứng cho họ. Kim Huệ (Khoa Ngữ văn Trường ĐH dân lập Văn Hiến) kể về hành trình xin việc của mình: “Ra trường với tấm bằng loại ưu, em quyết định về quê ở Hải Dương. Ban đầu em nộp hồ sơ ở nhiều trường học. Nhưng đổi lại em chỉ nhận được những cái khoát tay và lắc đầu. Chỗ này nói thừa giáo viên, chỗ kia thì cần kinh nghiệm… Trầy trật mãi, một năm sau em vẫn chưa tìm được một công việc phù hợp, dù chỉ là một người làm văn thư ở xã”. Không kém phần “bi đát”, Phương (Trường CĐ Công nghệ thông tin) cũng về quê xin việc. Nhưng về nhà, bạn mới nhận thấy tấm bằng cử nhân mà mình học trong bốn năm trời vẫn chưa thể coi là đủ. Sau một thời gian nộp hồ sơ, phỏng vấn mà kết quả vẫn lặng im không phản hồi, Phương bùi ngùi xin tiền bố mẹ mua thêm máy tính, mở lớp tin học dạy cho lũ trẻ gần nhà kiêm chủ tiệm photocoppy. Người không xin được việc đã đành, người có việc cũng chật vật không kém. May mắn thi đạt công chức và làm nhân viên lưu trữ tại huyện, Thanh Thiện (Khoa Lưu trữ Trường ĐH KHXH – NV TP.HCM) cũng thở dài: “Tiếng là làm văn thư trên huyện mà đồng lương thì chết đói. Ban đầu vào làm, mình chỉ là chân sai vặt, rót nước cho mọi người. Lúc bắt đầu được nhận việc rồi thì công việc chất đống. Việc gì cũng đến tay nhưng lương vẫn cứ ba cọc ba đồng. So với số tiền một triệu bố mẹ cho hồi còn là SV chỉ nhỉnh hơn một xíu”. Cảm giác mà hầu hết SV nào về quê dù ghét cay ghét đắng vẫn phải chấp nhận đó là thời gian chờ việc, và không ít SV chờ đợi một cách vô điều kiện.
Ban đầu em nộp hồ sơ ở nhiều trường học nhưng đổi lại em chỉ nhận được những cái khoát tay và lắc đầu. Chỗ này nói thừa giáo viên, chỗ kia thì cần kinh nghiệm. Kim Huệ – cựu SV Khoa Ngữ văn Trường ĐH dân lập Văn Hiến cho biết. |
Ngọc Anh
Bình luận (0)