Thời điểm này học sinh lớp 12 trên cả nước đã hoàn tất chọn nguyện vọng vào ĐH, CĐ năm 2020. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các em có thêm một cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng học phù hợp. Theo các chuyên gia, để tận dụng hiệu quả cơ hội này, người học cần nhìn nhận lại đam mê, sở thích của bản thân, mục tiêu nghề nghiệp cũng như xây dựng được một kế hoạch học tập khoa học, phù hợp.
Học sinh lớp 12 đang trao đổi về ngành nghề đào tạo với chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm 2020 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức
Nhiều con đường để thực hiện đam mê
Hiện nay với sự đa dạng về ngành nghề, môi trường học, việc lựa chọn một ngành nghề yêu thích không còn quá khó khăn với học sinh. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là người học phải nhìn thấy được khả năng của bản thân để lựa chọn con đường phù hợp theo đuổi ước mơ. Theo ThS. Trần Minh Tuấn (Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM), vướng mắc mà người học thường gặp trong câu chuyện chọn ngành nghề chính là “không tin tưởng vào bản thân”. Thường hoài nghi rằng với ngành nghề đó, nếu mình còn yếu kỹ năng này, kỹ năng kia thì có thể theo đuổi được không? Hoặc dù đã lựa chọn ngành nghề rồi nhưng vẫn băn khoăn rằng học xong ra trường có việc làm không?… “Vấn đề ở đây là sự phù hợp. Bản thân các em phải nhìn nhận lại chính mình từ kiến thức, kỹ năng và đối chiếu với ngành nghề mình chọn. Song, quan trọng nhất phải hỏi rằng mình có thực sự đam mê với ngành nghề đó hay không. Nếu có đam mê, sở thích thì cứ lựa chọn, mạnh dạn đăng ký. Nếu đam mê mà ngập ngừng, lo sợ thì thành công sẽ không bao giờ đến”, ThS. Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực) cho rằng trước hết người học cần phải định nghĩa đúng đắn về đam mê, sở thích của bản thân. “Các em có xu hướng chọn ngành nghề theo bạn bè, theo định nghĩa ngành nghề hot, ngành nghề kiếm được nhiều tiền. Xu hướng chọn ngành nghề như thế này sẽ mang đến nhiều hệ lụy. Trong đó, hệ lụy lớn nhất đó là các em sẽ không có tính cạnh tranh về nghề nghiệp sau khi ra trường, không xây dựng cho mình được lộ trình, ước muốn khi ra trường. Như vậy, để định nghĩa được đúng đam mê, sở thích thực sự không phải dễ dàng. Các em cần phải nhìn vào chính thực lực của mình, tham khảo từ những người xung quanh như bạn bè, ba mẹ, thầy cô cũng như tham khảo thêm những phương pháp trắc nghiệm để có sự hỗ trợ”, ông Tuấn chỉ ra.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng khi đã xác định được đam mê thì mỗi người lại cần phải tìm được con đường phù hợp để thực hiện đam mê đó. Ví dụ như yêu thích ngành y nhưng sức học không thể vào được Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì các em có thể lựa chọn những môi trường khác có đào tạo về ngành y mà phù hợp với năng lực học tập của mình. Hay như thích ngành y nhưng lại sợ máu, các em cũng có thể tìm được con đường để theo đuổi theo hướng khác. “Trong giáo dục ngày nay cũng như quan điểm về bằng cấp của doanh nghiệp hiện nay, ĐH công lập hay dân lập không còn quá quan trọng. Điều cần thiết đó là tìm được môi trường học phù hợp. Do vậy, khi đã có đam mê rồi thì các em hãy nghiên cứu thật kỹ để tìm được con đường phù hợp nhằm thực hiện đam mê đó”, ông Tuấn cho biết.
Khi nào thì chọn học CĐ?
Đây là băn khoăn của rất nhiều học sinh đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề, ngay cả khi đã đăng ký nguyện vọng. Giải đáp băn khoăn này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, lựa chọn bậc học là bước kế tiếp sau khi người học chọn được ngành học. Vậy, căn cứ vào những yếu tố nào để biết rằng mình nên chọn học ĐH hay CĐ? “ĐH sẽ thiên nhiều vào nghiên cứu chuyên sâu phục vụ ở những vị trí việc làm liên quan đến việc nghiên cứu. Khi học ĐH, thời lượng thực hành và lý thuyết sẽ gần như là tương đương nhau. Trong khi đó, học CĐ thì việc thực hành lại chiếm đến khoảng 70% thời gian đào tạo. Điều này có nghĩa là với bậc CĐ sẽ thiên nhiều về kỹ năng thực hành. Do đó, các em phải xác định được mục tiêu nghề nghiệp của bản thân để chọn bậc học phù hợp”, ThS. Nguyên lưu ý. Trừ những ngành học bắt buộc như sư phạm (từ THCS trở lên) hay y (bác sĩ) thì mới đòi hỏi phải học bậc ĐH, còn những ngành học khác, theo ThS. Nguyên, học sinh có thể linh hoạt chọn bậc học, phụ thuộc vào đòi hỏi của mức độ công việc, điều kiện gia đình. Bổ sung thêm, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) khẳng định, chính mục tiêu nghề nghiệp sẽ là căn cứ để quyết định bậc học và môi trường học cho người học. Ngay bản thân mỗi trường ĐH, ở cùng một ngành nghề cũng thiên về đào tạo những thế mạnh riêng. “ĐH, CĐ – bậc học nào cũng có những giá trị riêng. Điều làm nên giá trị của người học không phải chỉ phụ thuộc vào bậc học mà đa phần phụ thuộc vào chính nỗ lực khẳng định của bản thân mỗi người”, TS. Mai nhìn nhận.
Học như thế nào trong thời gian nước rút cũng quyết định thành công
Thông thường, thời gian nước rút của kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh lớp 12 thường… cuống cuồng ôn tập. Tuy nhiên, ThS. Đỗ Văn Sự (chuyên gia tư vấn tâm lý) nhìn nhận, thói quen học tập này sẽ không làm cho người học tự tin hơn mà trái lại vô tình tạo thêm áp lực trong học tập. “Các em phải xây dựng một kế hoạch học tập khoa học ở từng bộ môn, biết được điểm yếu của bản thân trong từng bộ môn để có lộ trình ôn tập, nâng cao. Bản thân mỗi học sinh sẽ có những phương pháp học tập thích hợp khác nhau. Có thể là học nhóm, học theo sơ đồ tư duy, học dựa vào hình ảnh… Tận dụng được những phương pháp phù hợp cũng là cách để nâng cao khả năng học tập trong môn học”, ThS. Sự phân tích.
Cơ hội vào ĐH tăng TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) cho hay, mùa tuyển sinh năm nay các trường ĐH đều mở rộng các hình thức xét tuyển. Tức là người học có thêm nhiều cơ hội để vào ĐH, thêm nhiều cơ hội để lựa chọn học tập trong những ngành nghề mà mình yêu thích. “Tất cả các phương thức xét tuyển đều độc lập và như nhau. Thế nhưng lại chỉ chọn được một nguyện vọng ở một phương thức để theo đuổi, có thể là bằng hình thức ưu tiên xét tuyển, học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực hay điểm thi tốt nghiệp… Khi đã xác nhận một hình thức rồi thì các kết quả ở những hình thức khác sẽ bị hủy bỏ. Điều quan trọng nhất là các em phải tận dụng được sự đa dạng đó, lựa chọn được môi trường học tập thật sự phù hợp để gắn bó và theo đuổi”, TS. Nghĩa nói. |
Tuy nhiên, theo ThS. Sự, yếu tố quyết định thành công trong kỳ thi sắp tới sẽ phụ thuộc vào chính sự chuẩn bị của mỗi học sinh. “Ở các kỳ thi trước, rất nhiều học sinh gặp phải vấn đề là, dù đã học bài rất kỹ rồi nhưng bước vào phòng thi lại thường không làm được bài tốt và không đạt kết quả cao. Vấn đề ở đây là người học đã không có sự chuẩn bị thật tốt. Chuẩn bị tốt ở đây không chỉ là chuẩn bị tốt về mặt kiến thức mà còn phải chuẩn bị tốt cả về mặt tinh thần, bao gồm sức khỏe và tâm lý. Khi chuẩn bị tốt những điều này là các em đã chuẩn bị tốt cho sự thành công”, ThS. Sự cho biết.
Trong thời gian sát kỳ thi, theo ThS. Sự, người học không nên thay đổi khẩu phần ăn đột ngột hay quá lạm dụng những chất kích thích như cà phê… Điều này sẽ tạo thêm cảm giác lo lắng trong mùa thi. “Các em cần ăn uống hợp lý, khoa học. Không nên có quan điểm ăn uống để… đậu mà cần phải ăn uống đa dạng với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước…”, ThS. Sự khuyên.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)