Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tận dụng hiệu quả các phương thức để tăng khả năng trúng tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay, nhiều trường ĐH đã giảm chỉ tiêu ở phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, ở những ngành học nhiều thí sinh đăng ký, tỷ lệ chọi dự báo sẽ tăng mạnh. Để tăng khả năng trúng tuyển, thí sinh cần tối ưu hóa những cơ hội, tận dụng hiệu qủa các phương thức xét tuyển.

Đại diện một trường ĐH hướng dẫn học sinh Trường THPT chuyên Long An ghi hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH

Thông tin hữu ích này được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm học 2019-2020 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT Long An tổ chức tại tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh, với sự đồng hành của nhiều trường ĐH, CĐ uy tín.

Không đăng ký quá nhiều nguyện vọng

Trao đổi với các em học sinh, ThS. Trần Vũ (Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) lưu ý, khi thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cần phải chú ý các thông tin, tránh sai sót. Cụ thể, ở ô số 9, thí sinh nào sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cần phải đánh dấu. Ngoài ra, thí sinh cũng chỉ được chọn một trong hai bài thi, học tốt bài thi nào thì sử dụng bài thi đó. Cách tính điểm tốt nghiệp năm 2020 vẫn là: 30% điểm học bạ và 70% điểm bài thi. Do đó, thí sinh cần phải cố gắng học tốt trong học kỳ II lớp 12.

Cũng theo ThS. Vũ, tùy từng trường mà phương thức ưu tiên xét tuyển sẽ khác nhau. Thí sinh cần chú ý tìm hiểu để tăng cơ hội trúng tuyển. Riêng trong phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, ThS. Vũ cho rằng năm nay đa phần các trường ĐH đều giảm chỉ tiêu ở phương thức này. Vì vậy, đối với các ngành dự báo tỷ lệ chọi cao, thí sinh cần phải tối ưu hóa các phương thức xét tuyển để tăng cơ hội đậu. “Nói như vậy không phải là tỷ lệ chọi cao thì bằng mọi cách để vào ĐH. Các em cần xác định ngành học đó, trường học đó có đúng khả năng mình học hay không. Ngành học sẽ liên quan đến công việc của các em trong tương lai nên đừng vì “nghe nói, nghe bảo” ngành đó thiếu nhân lực mà đăng ký học”, ThS. Vũ nói.

Từ góc nhìn về nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực) cho rằng khi đăng ký ngành học, bậc học trong hồ sơ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng mà chỉ dao động từ 5-7 nguyện vọng. Những nguyện vọng này chỉ đặt ở những ngành học mà bản thân thật sự yêu thích, có năng lực, những ngành học mà bản thân có hiểu biết. “Không có ngành nghề nào gọi là hot và ngành nghề nào là không hot. Trong sự vận hành của xã hội, cơ hội việc làm rất đa dạng. Học bậc nào cũng được, miễn sao ngành học trong bậc đó bản thân cảm thấy yêu thích, có khả năng. Nghề nghiệp là một hành trình, để gia nhập nguồn lao động chất lượng, ngoài kiến thức các em còn cần phải có vốn ngoại ngữ, kỹ năng”, ông Tuấn chỉ rõ.

Học sinh Trường THPT Tân An trao đổi với chuyên gia về ngành nghề tuyển sinh hiện nay

Trong khi đó, ThS. Vũ Quang Huy (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nhấn mạnh, để tìm được môi trường học tập phù hợp, ngoài ngành học, thí sinh phải tìm hiểu về môi trường học tập của các trường ĐH, CĐ, quy trình yêu cầu đầu ra của từng trường… Công việc sau khi ra trường mới chỉ là bước đầu thôi. Quan trọng là trong quá trình học tập tại trường các em phấn đấu trở thành người như thế nào để đáp ứng được với những yêu cầu công việc của ngành nghề.

Không giỏi ngoại ngữ, học trường quốc tế được không?

Đây là băn khoăn được nhiều học sinh gửi đến các chuyên gia tư vấn trong chương trình. Giải đáp băn khoăn này, TS. Trần Văn Hùng (đại diện Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) cho hay, tân sinh viên chưa có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được nhà trường kiểm tra năng lực tiếng Anh thông qua một kỳ thi. Kỳ thi này sẽ chia ra 3 trình độ tương ứng với trình độ tiếng Anh của từng sinh viên, từ đó nhà trường sắp xếp những lớp học phù hợp để giúp sinh viên tăng cường tiếng Anh.

Trong khi đó, ThS. Nguyễn Văn Định (Trưởng khoa Khách sạn – Nhà hàng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn) thông tin, nhà trường không yêu cầu tiếng Anh đầu vào nhưng sẽ có kỳ thi xếp lớp tiếng Anh để tăng cường khả năng tiếng Anh cho sinh viên theo đúng trình độ. “Học môi trường nào không quan trọng, dù là CĐ, ĐH công lập hay tư thục. Nhưng điều quan trọng mà các em cần lưu ý là về các tiêu chí ở môi trường đào tạo, mức học phí và cơ hội việc làm. Nắm bắt được năng lực và ước muốn của bản thân để chọn được môi trường học tập phù hợp”, ThS. Định cho biết.

Cũng về việc học ngoại ngữ ở trường ĐH, nhiều học sinh thắc mắc khi xếp lớp tiếng Anh đầu vào ở trường ĐH tương đương với việc phân trình độ người học thì có thiệt thòi cho sinh viên theo học không? Với vấn đề này, ThS. Trần Vũ cho hay, không riêng gì các trường quốc tế, mà hầu hết các trường ĐH đều có kỳ thi tiếng Anh để kiểm tra đầu vào người học. Thế nhưng, đây không phải là kỳ thi tiếng Anh xếp lớp mà căn cứ vào kết quả kiểm tra này nhà trường sẽ kiểm tra được trình độ của từng sinh viên để có sự đào tạo, bổ sung về năng lực tiếng Anh, qua đó có hướng đào tạo phù hợp.

Ngành học chất lượng cao khác gì hệ đại trà?

Làm rõ băn khoăn này, ThS. Trần Vũ cho biết đa phần các chương trình chất lượng cao (CLC) đều có điểm đầu vào thấp hơn hệ đại trà. Điểm thấp hơn không phải là chất lượng đào tạo kém hơn mà điểm thấp hơn xuất phát từ số lượng thí sinh đăng ký vào những ngành học CLC thường thấp hơn hệ đại trà do mức học phí cao. “Học ngành CLC hay học hệ đại trà, thí sinh cũng cần phải lưu ý tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký. Tùy vào điều kiện gia đình để đăng ký chọn lựa môi trường học cho phù hợp”, ThS. Vũ khuyên.

Chuyên gia tư vấn giải đáp thông tin cho học sinh Trường THPT Bà Đen

Đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – ThS. Trần Quang Sang – cũng khẳng định, hệ CLC và hệ đại trà khác nhau về điểm chuẩn do chênh nhau về học phí. Tuy nhiên, với mức học phí cao, hệ CLC sẽ được tăng cường khả năng tiếng Anh, tăng cường tương tác với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Như vậy, cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên hệ CLC sẽ rất rộng mở, đa dạng do các em có khả năng ngoại ngữ tốt.

Mạnh dạn rẽ ra biển lớn

Theo ông Trần Anh Tuấn, cơ hội việc làm đều có ở bất cứ ngành nghề nào, điều quan trọng không phải là học ngành nào mà chủ yếu là phụ thuộc vào bản thân của người học. “Trong môi trường 4.0, việc làm ở các ngành nghề là không có điểm dừng. Nhưng để có thể song hành cùng với robot, cạnh tranh trong các ngành nghề với robot trong kỷ nguyên này, ngoài niềm đam mê và yêu thích, các em phải cố gắng hết sức mình để từng bước xây dựng giá trị nghề nghiệp vững chắc, mang bản sắc riêng biệt mà robot không thể thay thế được”, ông Tuấn cho biết. Tương tự, ThS. Nguyễn Hồng Thơ (Giám đốc Trung  tâm Du học và Nhật ngữ Red book) cho hay, ở ngưỡng cửa này việc, trải nghiệm ra bên ngoài thế giới là những trải nghiệm quý báu. “Mạnh dạn bước ra biển lớn có thể gặp những con sóng to nhưng nếu các em nỗ lực đến cùng thì đều sẽ đến được đích”, ThS. Thơ nói.

Trong chương trình, một số học sinh hỏi: Muốn mở phòng chăm sóc thú cưng và bán đồ cho thú cưng thì học ngành thú y hay quản trị kinh doanh? Trả lời câu hỏi này, ThS. Vũ Quang Huy thông tin, hiện nay học một ngành khi ra trường người học có rất nhiều nghề để làm. Trong trường hợp này thì nên học ngành thú y để có hướng tư vấn chuyên sâu khi mở phòng khám. Khi đã nắm vững kiến thức trong tay thì dễ dàng chuyển sang các hướng khác. Định hướng kinh doanh có thể học một khóa ngắn hạn về quản trị kinh doanh. “Không chỉ đối với ngành thú ý, ở bất cứ lĩnh vực nào, muốn làm được nhiều điều, chúng ta cần phải giỏi một lĩnh vực nhất định”, ThS. Huy chia sẻ.

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)