Thời điểm này, nhiều trường ĐH đã công bố đề án tuyển sinh năm 2021. Năm nay, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không chỉ là một trong những lợi thế được các trường ĐH ưu tiên xét tuyển mà ở nhiều trường ĐH, lợi thế này còn trở thành phương thức tuyển sinh độc lập, tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Chuyên gia đang tư vấn riêng cho học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền về các phương thức tuyển sinh trong năm 2021
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, để tận dụng hiệu quả lợi thế này, người học cần tìm hiểu thật kỹ yêu cầu riêng trong đề án tuyển sinh của từng trường. Đồng thời quan tâm đến việc học đều ở các môn, không học lệch, học tủ, đảm bảo tốt nghiệp THPT. Những thông tin trên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức sáng 18-1 tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình). Chương trình có sự phối hợp với Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM cùng sự đồng hành của nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Rộng cửa cho thí sinh có năng lực ngoại ngữ
Mùa tuyển sinh năm 2021, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) lần đầu tiên sử dụng phương thức xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài. Dù còn rất khiêm tốn khi chỉ chiếm 1-2% tổng chỉ tiêu, song theo ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp của trường), phương thức mới này sẽ tạo thêm cơ hội học tập cho thí sinh trong các chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế 2+2 của trường. Với phương thức này, thí sinh sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL iBT và năng lực tiếng Việt đối với học sinh người nước ngoài). Thí sinh phải đạt điểm trung bình THPT từ 7.0 trở lên. Tương tự, trong đề án tuyển sinh công bố mới đây, Trường ĐH Hoa Sen cũng đưa việc xét các điều kiện riêng theo yêu cầu của ngành trở thành một trong 4 phương thức xét tuyển của trường (chiếm 10% tổng chỉ tiêu), bên cạnh các phương thức truyền thống là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Chia sẻ rõ hơn về phương thức này, ThS. Nguyễn Hữu Phát (đại diện nhà trường) cho hay, phương thức này đòi hỏi thí sinh phải tốt nghiệp THPT, đồng thời đạt các điều kiện tuyển sinh tùy theo từng ngành do trường đưa ra. Một trong những điều kiện đó là yêu cầu thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.0 điểm trở lên hoặc TOEFL iBT từ 61 điểm trở lên hoặc TOEIC từ 600 điểm trở lên…
Ngày 18-1, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 13 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức còn diễn ra ở Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4) và THPT Sương Nguyệt Anh (Q.10). Đồng thời với TP.HCM, chương trình còn được tổ chức tại Vĩnh Long và Bến Tre. Theo đó, tại Vĩnh Long, chương trình diễn ra từ ngày 18 đến 23-1 (có sự phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh), tư vấn cho học sinh 20 trường THPT trên địa bàn; tại Bến Tre, chương trình diễn ra từ ngày 18 đến 24-1 (có sự phối hợp cùng Tỉnh đoàn và Sở GD-ĐT tỉnh), tư vấn cho học sinh 21 trường THPT trên địa bàn. |
Liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ, mùa tuyển sinh năm 2021, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng rộng cửa chào đón thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ xét tuyển vào trường thông qua phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, bên cạnh phương thức truyền thống là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo đề án tuyển sinh của trường, phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển chiếm tối đa 35% tổng chỉ tiêu. Trong đó, đối tượng xét tuyển thẳng sẽ là những thí sinh thuộc diện quy định của Bộ GD-ĐT; thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tốt nghiệp THPT năm 2021. “Với đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng, trường sẽ dành chỗ cho các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/thí sinh có kết quả thi SAT. Điều kiện tiên quyết với đối tượng thí sinh này là các em phải tốt nghiệp THPT, có trình độ ngoại ngữ quốc tế (hoặc kết quả thi SAT), cùng với đó là điểm trung bình 5 học kỳ THPT (học kỳ I, học kỳ II lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt từ 21 điểm trở lên”, bà Phạm Võ Thảo Liên (đại diện nhà trường) thông tin.
Đủ yêu cầu chứng chỉ nhưng vẫn rớt ĐH
Việc các trường ĐH rộng cửa “săn” thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong mùa tuyển sinh năm nay trở thành lợi thế rất lớn cho những em có chứng chỉ này. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay, dù rất linh hoạt song người học vẫn cần phải xây dựng kế hoạch học tập khoa học. Không nên dồn sức tập trung quá nhiều vào việc ôn luyện chứng chỉ ngoại ngữ mà quên đi việc học các môn thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí, ngay cả thí sinh đã đạt được các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo yêu cầu của trường ĐH cũng không nên chủ quan. “Thực tế các mùa tuyển sinh trước cho thấy rất nhiều thí sinh đủ các yêu cầu để trúng tuyển vào trường ĐH như đủ chứng chỉ ngoại ngữ, đảm bảo năng lực, thế nhưng điều kiện tiên quyết nhất là tốt nghiệp THPT thì lại rớt. Hoặc, ở nhiều trường ĐH, đi cùng với việc xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ là các yêu cầu về điểm học bạ, hạnh kiểm. Vì thế, trước hết thí sinh cần phải nắm kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH mà mình nhắm đến, đọc thật kỹ các yêu cầu đi kèm để tránh những tiếc nuối về sau”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)