Trẻ con vốn rất nhạy cảm, chúng cảm nhận được “ý định” trong từng lời tán dương, khen ngợi của người lớn. Vì thế, để phát huy hết hiệu quả của những lời biểu dương đối với trẻ, các bậc phụ huynh cần hết sức thận trọng.
Hãy tăng cường lòng tự tin ở trẻ bằng sự biểu dương của cha mẹ để trẻ phấn khởi. Ảnh: I.T |
Tán dương, khen ngợi là một trong nhiều phương pháp khích lệ trẻ nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi nếu khen không đúng cách… Chị An (Q.3, TP.HCM) tâm sự: “Đứa con gái của tôi vừa lên 8 tuổi. Gia đình tôi rất yêu thương và cưng chiều cháu. Vì muốn con tự tin, lạc quan trong cuộc sống nên chúng tôi không tiếc gì những lời khen ngợi dành cho cháu. Bất cứ việc gì con làm được mà vừa ý là chúng tôi tán dương bằng mọi cách. Nhưng dường như con tôi đã quá “nhàm chán” với lời khen ngợi, nên cháu chẳng còn hào hứng đón nhận. Thậm chí cháu còn trả treo “Sao con làm gì cha mẹ cũng khen vậy? Con ngán ngẩm với những lời tâng bốc của cha mẹ trước mọi người lắm rồi!”. Gia đình tôi không biết khen con sao cho phải để vừa khích lệ được con phấn đấu vươn lên vừa không làm con phật ý, khó chịu khi nhận được sự tán dương từ phía gia đình”.
Để phát huy hết hiệu quả của những lời biểu dương đối với trẻ, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý.
1. Khen ngợi phải kịp thời, đúng người, đúng việc. Trẻ chưa có cơ chế “đề kháng” như người lớn, chưa đủ hiểu biết để nhận diện điều tốt – xấu cho bản thân, trẻ em rất dễ tin vào người khác. Do đó, cha mẹ nên lựa lời biểu dương, khích lệ sao cho phù hợp, kịp thời. Khi trẻ cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt công việc của mình, cha mẹ cần động viên, khích lệ con kịp thời và chính xác, rõ ràng, nếu không trẻ có thể không rõ tại sao mình được biểu dương. Nếu vì bất kỳ lý do nào đó mà cha mẹ chưa kịp thời khen ngợi con. Để sau đó một thời gian mới biểu dương thì không thể nhấn mạnh về những điều tốt mà trẻ đã thực hiện vì chúng không nhờ. Do đó, cũng không tạo cho trẻ một ấn tượng nào tốt về lời khen, không có động lực để phấn đấu nên khiến việc biểu dương mất tác dụng giáo dục. Cha mẹ cần đưa ra những lời khen phù hợp với những thành tích mà trẻ đạt được. Việc ngợi khen bốc trời không những để lại lo ngại về sự nhầm lẫn, cho trẻ mà còn khiến chúng ảo tưởng không biết mình là ai.
2. Để tán dương hiệu quả. Có rất nhiều hình thức tán dương như tặng một cái ôm, vuốt ve âu yếm để bày tỏ thái độ ghi nhận. Đối với những cháu lớn hơn, có thể những hình thức biểu dương trên không phù hợp thì chúng ta có thể tặng những quyển sách báo mà các cháu yêu thích. Từ đó làm tăng tính tự tin, chí tiến thủ, quyết tâm tìm tòi, khám phá và tự khích lệ mình cố gắng vươn lên. Cha mẹ kết hợp linh hoạt hai phương thức tán dương con là: Biểu dương bằng tinh thần và biểu dương bằng vật chất. Lưu ý không quá đề cao và chú trọng hình thức biểu dương vật chất, bởi đó là động lực bên ngoài, cái chúng ta cần bồi dưỡng vẫn là động cơ bên trong của trẻ. Xin đừng lạm dụng hình thức phần thưởng vật chất. Mỗi đứa trẻ có sự phát triển riêng. Trong quá trình trưởng thành, nếu chúng được cha mẹ biểu dương những món quà vật chất lẫn tinh thần thích đáng thì tin rằng chúng sẽ ngày càng tự tin, có chí tiến thủ, dám tìm tòi, khám phá và tự động viên mình tích cực vươn lên.
3. Không nên quá tiết kiệm lời khen. Đối với trẻ nhỏ, sự khen ngợi động viên của cha mẹ là một nguồn động viên các cháu tiến bộ. Do vậy, có thể tranh thủ bất cứ một thành tích nho nhỏ để biểu dương con và nên biểu dương trước những người mà trẻ muốn khẳng định như bạn cùng trang lứa của trẻ. Cần tránh quan niệm cho rằng trẻ con cũng như người lớn, những việc cỏn con đáng gì phải biểu dương. Thực tế, đối với các cháu tuổi nhỏ làm được một số việc mà người lớn xem là “đơn giản” đó đâu có phải là dễ. Các cháu cũng phải quyết tâm cố gắng lắm mới hoàn thành. Cho nên, hãy tăng cường lòng tự tin ở trẻ bằng sự biểu dương của cha mẹ để trẻ phấn khởi, có động lực để cố gắng, có như thế mới mong gặt hái những thành tích lớn hơn sau này.
Nguyễn Lê Hoàng
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)