Hội nhậpGiáo dục phát triển

Tân Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen Mai Hồng Quỳ: Để “sen” khai nở rực rỡ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 22-12, Trường Đại học Hoa Sen chính thức công bố quyết định của UBND TP.HCM công nhận GS.TS Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM đảm nhiệm vị trí tân Hiệu trưởng của trường này.

GS.TS Mai Hồng Quỳ đã có nhiều chia sẻ về hành trình mới tại một ngôi trường mang tầm nhìn trở thành “đại học quốc tế cho người Việt”.

Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen cùng GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường

* Trải qua gần 30 năm trong công tác quản trị đại học, GS cảm nhận ra sao về vai trò mới của mình tại Trường Đại học Hoa Sen?

– Tôi đã kinh qua hầu hết các công việc ở một trường Đại học, từ giảng viên, Trưởng bộ môn, Trưởng khoa, Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng. Trong 30 năm đó, tôi rất tâm đắc với đúc kết của cổ nhân về “mệnh, số, địa, thư”, tức là chân mệnh, số phận, phong thủy và sách vở. Nhưng càng chiêm nghiệm, tôi lại càng thấy rằng vượt lên tất cả thì ý chí, hoài bão, lý tưởng của con người vẫn là yếu tố quan trọng để đạt được thành công.

Là Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen chắc chắn là một vinh dự với bất cứ người làm giáo dục nào. Nhưng vinh dự luôn song hành với nghĩa vụ, trách nhiệm, đòi hỏi một sự dấn thân và đương đầu với thử thách.

Nhận công việc đầy thách thức này, tôi không có một mong muốn nào khác ngoài đồng hành, đoàn kết cùng nhà trường để bảo vệ và nâng tầm thương hiệu, đưa Hoa Sen trở thành một Trường Đại học tư thục dẫn đầu ở Việt Nam và vươn tầm ra khu vực và thế giới, biến Hoa Sen thành trường đại học thân thiện và danh tiếng.

* Thách thức lớn nhất của cô khi chuyển từ việc quản lý một trường công lập sang một trường đại học tư thục là gì?

– Thách thức thứ nhất đó là đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư và xã hội trong việc giữ vững và phát triển thương hiệu Hoa Sen ở tầm quốc gia và khu vực.

Thứ hai, đó là việc duy trì và nâng cao một cách rõ rệt chất lượng đào tạo theo hướng quốc tế hóa. Ở điểm này sẽ đòi hỏi sự khác biệt trong quản lý điều hành.

GS.TS Mai Hồng Quỳ, tân Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen tại Lễ công bố

Thách thức thứ ba là những hoạt động của nhà trường trong thời gian tới cần đạt hiệu quả kinh tế tốt nhất. Hoạt động phi lợi nhuận không có nghĩa là một trường đại học không làm ra lợi nhuận, mà chúng tôi phải tạo ra lợi nhuận để sử dụng nó phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu.

* Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những cơ hội?

– Đúng là như vậy. Cơ hội lớn nhất đó chính là Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng đã tham gia đầu tư vào nhà trường. Là một trong những tập đoàn giáo dục hàng đầu Việt Nam, quan điểm làm giáo dục của Nguyễn Hoàng rất rõ ràng, đó là ưu tiên chất lượng và thương hiệu.

Cơ hội được làm việc với một tập đoàn chuyên nghiệp sẽ giúp tôi thực hiện triệt để “tự chủ đại học” – một trong những nguyên tắc sống còn của đại học. Nguồn vốn đầu tư đa dạng, phong phú chính là một cơ hội tuyệt vời. Không chỉ đến từ hoạt động đào tạo đơn thuần, nguồn vốn đến từ nhiều nơi hơn cho phép nhà trường mở rộng hoạt động để nâng cao chất lượng đào tạo.

Một cơ hội nữa là để đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư và xã hội, cơ chế quản lý nhà trường sẽ phải tinh gọn, nhanh nhạy và linh hoạt hơn. Nhờ đó, đây là nơi tạo điều kiện cho tôi được thực hiện những phương pháp quản lý tân tiến và hiện đại nhất.

*Định hướng của Hoa Sen trong thời gian tới có gì đặc biệt?

– Tôi rất tâm đắc với slogan “Uy Tín & Lãng Mạn” của Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng. Khi nghĩ về tầm nhìn và định hướng của Trường Đại học Hoa Sen, tôi cũng có những ý tưởng tương đồng.

Yếu tố “Uy Tín” sẽ được thể hiện bằng việc nâng cao vị thế nhà trường, còn yếu tố “Lãng Mạn” chính là tầm nhìn của tôi mong muốn Hoa Sen nằm trong top những trường hàng đầu khu vực. Tôi cũng tin rằng Hoa Sen có đủ “Uy Tín & Lãng Mạn” để cùng tôi thực hiện những điều này.

GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen

Thêm vào đó, tôi mong muốn nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo của trường sẽ hiệu quả hơn, để trường không chỉ nổi tiếng bởi những ngành học thực tiễn, mà sẽ có thêm những chương trình nghiên cứu hàn lâm.

Hai chương trình này sẽ song hành và bổ túc cho nhau, chương trình hàn lâm bổ túc cho chương trình thực tiễn, ngược lại chương trình thực tiễn sẽ kiểm nghiệm hiệu quả cho chương trình hàn lâm.

*Sau nhiều thăng trầm rối ren trong bộ máy quản lý tại Hoa Sen, bây giờ liệu đã là thời cơ thuận lợi để trường bước vào một giai đoạn ổn định, phát triển bền vững chưa?

– Thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” là quan trọng nhất. Khi Hoa Sen trở thành thành viên của Tập đoàn Nguyễn Hoàng, đó là thiên thời cho nhà trường thừa hưởng những tư tưởng, triết lý giáo dục hiện đại và nhân văn.

Nhờ đó, Đại học Hoa Sen cũng được hưởng cái “địa lợi” là sự đầu tư mạnh mẽ và điều kiện học tập, cơ sở vật chất tốt hơn. Đội ngũ cán bộ – giảng viên chất lượng, năng động và nhiệt tình chính là sự “nhân hòa”.

Trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều việc phải làm để Hoa Sen khai nở rực rỡ và xứng đáng là một đóa quốc hoa trong vườn hoa Đại học của Việt Nam.

Trang Tuyền

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)