Khách du lịch "phượt" vẫn hay rỉ tai nhau rằng: đi thăm miền núi Tây Bắc mà chưa đặt chân tới những con đèo thì coi như chuyến đi chưa hoàn thành. Ấy là bởi chỉ có đứng trên những con đèo nơi đây mới có thể khám phá và tận hưởng hết những nét đẹp huyền diệu nhất của vùng cao Tây Bắc.
Đèo Mã Pí Lèng vắt mình qua những triền núi trập trùng.
|
Miền đất Tây Bắc xinh đẹp chính là nơi hội tụ của "tứ đại đỉnh đèo" phía bắc: đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai – Lai Châu), đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang), đèo Pha Ðin (Sơn La – Ðiện Biên), đèo Khau Phạ (Yên Bái), những con đèo được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam. Ẩn trong mình vẻ hoang sơ, hùng vĩ gắn liền với những câu chuyện lịch sử oai hùng, mỗi con đèo Tây Bắc đều mang đến lợi thế phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa lịch sử.
Thời điểm này, khi đất trời ngập tràn trong nắng thu cũng là lúc những con đèo Tây Bắc khoe ra nhiều nhất vẻ đẹp kỳ diệu của mình, bên ngút ngàn mây núi điệp trùng, bên rậm rạp mênh mông những cánh rừng đại ngàn, bên nụ cười e ấp hồn hậu của những thiếu nữ vùng sơn cước…
Với độ dài kỷ lục gần 50 km, cao độ 2.073 m so với mực nước biển, con đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai, Lai Châu mang tên Ô Quy Hồ (còn gọi là Hoàng Liên Sơn) được mệnh danh là "đệ nhất đèo", nơi có cung đường ô-tô cao nhất Việt Nam. Lên tới đỉnh đèo, gió ào ạt thổi, mây vần vũ bay. Phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy đỉnh Phan Xi Păng vời vợi lưng trời. Phía dưới, trùng điệp những thảm rừng nguyên sinh xanh mướt, những lớp núi xen kẽ của dải Hoàng Liên như vút mình vươn lên trời xanh. Từ ngày tái lập tỉnh Lào Cai, Ô Quy Hồ đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách mỗi dịp lên thăm Sa Pa, bởi ai cũng muốn thử cảm giác choáng ngợp khi đứng từ lưng đèo ngắm nhìn phong cảnh kỳ vĩ, hoang sơ của núi rừng Hoàng Liên được vinh danh "Vườn di sản ASEAN".
Gắn liền với máu xương đổ xuống của những thanh niên xung phong và đồng bào dân công ngày đêm quyết tâm hoàn thiện cung đường Mã Pí Lèng trong suốt sáu năm (1959-1965), đèo còn có tên là Con đường Hạnh phúc. Ðộ cao dốc đứng cùng những khúc "cua tay áo" gây cảm giác mạnh khiến đèo Mã Pí Lèng từ trăm năm trước đã được các học giả Pháp mệnh danh là "Tượng đài địa chất" mang tầm quốc tế. Ði trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế bé như sợi chỉ. Ngày 16-11-2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực Mã Pí Lèng là danh lam thắng cảnh quốc gia, đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan. Lên đây, ngắm vẻ đẹp hùng vĩ, tìm hiểu thêm về những hy sinh, mồ hôi xương máu của thế hệ anh dũng làm nên kỳ tích Mã Pí Lèng, không ai không cảm động khi chứng kiến diện mạo vùng cao biên giới đổi thay…
Quanh co ôm núi, vắt ngang lưng trời Sơn La sang Ðiện Biên, đèo Pha Ðin lịch sử dài 32 km ghi danh cùng chiến thắng Ðiện Biên Phủ đầy hào khí. Trong tiếng Thái, "Pha" là "cha trời", "Ðin" là "mẹ đất", gọi là Pha Ðin bởi đỉnh đèo là sự giao hòa của trời – đất trong không trung bao la. Từ trên dốc đèo nhìn xuống, thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn mầu xanh của đồi núi. Phóng tầm mắt ra xa là thấy những bản làng chìm trong màn sương phủ, những màn khói lam chiều quyện mây.
Nằm tiếp giáp Phú Thọ, "sừng trời" Khau Phạ (Yên Bái) được coi là con đèo đẹp nhất Việt Nam nối liền nhiều danh thắng như: La Pán Tẩn, Tả Sình Láng, Mù Cang Chải, Tú Lệ… Ðèo Khau Phạ làm ngất ngây du khách nhất vào mùa lúa chín, quãng tháng 9, tháng 10. Con đèo ngoằn ngoèo uốn quanh những dãy núi điệp trùng, len lỏi giữa đại ngàn nguyên sơ, hùng vĩ, thấp thoáng bên dưới là những triền ruộng bậc thang đang vào vụ gặt hái. Những cánh rừng già tại Khau Phạ còn lưu giữ được nhiều loài động, thực vật quý hiếm như: thông dầu, chò chỉ và các loài chim muông, thú khác. Thời tiết mát mẻ quanh năm, nhiều khi có tuyết phủ, đỉnh đèo tiếp giáp với mây nên được người Mông coi là nơi trời có thể nghe thấu tiếng than của loài người, mỗi khi có chuyện chẳng lành, họ lại tìm tới đây để khấn Giàng.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà những tay máy chuyên nghiệp, những nhiếp ảnh gia, những người làm báo tìm đến với những con đèo Tây Bắc nhiều đến thế. Ấy là bởi không chỉ mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của đất trời Tây Bắc, những con đèo còn là những cung đường xây nên huyền thoại mới, kéo gần miền đất vốn heo hút, xa xôi này về với ấm no. Nơi "miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa, núi cao đèo sâu" hôm nay đã hình thành những tuyến đường dù chưa phải to rộng như đồng bằng, nhưng đối với đồng bào vùng Tây Bắc đã đủ để thỏa lòng mơ ước bao năm tháng. Vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai – đơn vị Trưởng nhóm hợp tác phát triển du lịch khu vực tám tỉnh Tây Bắc mở rộng đã xây dựng và ban hành "Kế hoạch hoạt động Chương trình hợp tác phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng trong năm 2011". Qua đó, những con đèo Tây Bắc sẽ trở thành một trong những sản phẩm có tính thương hiệu mang lại giá trị du lịch lớn cho vùng cao Tây Bắc.
Theo HỒNG TRANG
(NĐT)
Bình luận (0)