Rồng – chữ Hán là Long (), là một loài vật hư cấu bí ẩn, không tồn tại trong thế giới hiện thực, do con người tưởng tượng ra, xuất hiện trong nhiều nền văn hóa Đông – Tây, biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Cho đến nay vẫn chưa rõ hình tượng rồng cùng những con vật tưởng tượng: nhân sư, nhân mã, nhân ngư của phương Tây, đã ra đời từ khi nào.
Truyền thuyết Con rồng, cháu tiên
Ngược lại, ở phương Đông nói chung và trong văn hóa Việt Nam nói riêng, hình tượng con rồng lại được trang trọng xếp vào thập nhị chi – 12 con giáp cầm tinh cho các năm. Có lẽ do con rồng đặc biệt quá nên trong 12 con giáp thì hết 11 con là có thật, sống trên mặt đất, duy chỉ mỗi con rồng là con vật tưởng tượng, mà lại sống trên trời!
Trò chơi trẻ em “Rồng rắn lên mây”
Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng) đem lại điều tốt lành, may mắn. Hơn thế nữa, từ truyền thuyết “Con rồng, cháu tiên”, rồng còn là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của dân tộc Việt.
Rồng – vật tổ dân tộc Việt
Con rồng là biểu tượng tâm linh của cả thế giới phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, đối với dân tộc Việt thì rồng còn là vật tổ linh thiêng, là khởi thủy nòi giống, là niềm hãnh diện, tự hào về cội nguồn của người Việt Nam. Con rồng Việt đã ra đời từ thời Hồng Bàng với huyền thoại “trăm trứng”, nên cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều xem rồng là một biểu trưng của ý thức giống nòi và tinh thần đoàn kết dân tộc của dòng giống Tiên Rồng. Rồng còn tượng trưng cho những phẩm chất cao đẹp, tính nhân văn, tinh thần cao thượng, sức mạnh và lòng quả cảm của dân tộc ta.
Rước rồng (tranh dân gian Đông Hồ)
Rồng Việt Nam thường có hình ảnh tổng hợp quen thuộc: là con vật tưởng tượng mềm mại uốn lượn giữa mây trời, sóng nước, được kết hợp bởi các bộ phận của 9 loài vật có thật: đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, chân cọp.
Rồng – quyền lực vua chúa
Trước hết, rồng tượng trưng cho uy quyền phong kiến. Từ một biểu trưng cho nguồn cội của giống nòi, rồng hóa thân thành một hình tượng của quyền lực tối cao trong thiên hạ: ông vua. Khi đề cập đến vua chúa, có khá nhiều từ ngữ trong từ vựng tiếng Việt gắn liền với từ “long” hoặc “rồng”: long nhan, long thể, long bào, long sàng, sân rồng, bệ rồng, thuyền rồng, mình rồng… Quốc gia có vua cai quản và quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử được tôn trọng, đề cao bằng hình tượng rồng, biểu hiện cho uy quyền của vua và Nhà nước phong kiến, qua việc trang trí hình ảnh rồng trên áo mão cân đai, thuyền xe, kiệu lọng, cung điện, đền đài sang trọng trong cung vua, phủ chúa. Vua với rồng như hình với bóng. Hình ảnh con rồng cũng được các triều đại quân chủ Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn dùng để trang trí trên các công trình kiến trúc cung đình Thăng Long từ ngàn năm trước đến cố đô Huế hiện nay.
Múa rồng (tranh Tết Hàng Trống)
Quan niệm Tứ linh (bốn con vật thiêng) “Long – Ly – Quy – Phụng” cũng tượng trưng cho uy quyền của vương triều. Long (rồng) là đấng minh quân sáng suốt, đứng đầu trong tứ linh. Ba con vật thiêng còn lại là Ly (kỳ lân) tượng trưng cho muôn dân thái bình, Quy (con rùa) tượng trưng cho xã tắc bền vững và Phụng (chim phượng hoàng) tượng trưng cho triều đại thịnh trị.
Rồng – đấng phò trợ cư dân văn minh lúa nước
Hình tượng rồng ngoài uy quyền gắn liền với vua chúa, nó còn là đấng phò trợ quyền uy tối thượng đối với cư dân Việt có nền văn minh lúa nước ngàn đời nay. Từ thuở xa xưa, nhân dân ta chuyên nghề trồng lúa nước, nên luôn mong mỏi mưa thuận gió hòa, vì nước đứng đầu của bốn yếu tố quan trọng trong hoạt động canh tác nói chung “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Những hình ảnh quen thuộc rồng hút nước biển, phun mưa, như là một nhu cầu thiết yếu, một điều kiện sống còn đối với nông nghiệp, hình ảnh con rồng luôn luôn đi kèm với mây trời và sóng nước, rồng đã trở thành phúc thần phò trợ cho người làm ruộng.
Rồng Việt Nam
Vì thế, nhà nông tin tưởng, hy vọng, mong chờ ở rồng, cũng chính là thể hiện sự gắn bó với tổ tiên, đồng thời cầu mong tiên tổ gia hộ, phù trợ cho đời sống của mình, cũng đồng nghĩa là cầu mong rồng cho mưa thuận gió hòa, luôn có đủ nước để mùa màng bội thu, cho nền nông nghiệp văn minh lúa nước phát triển.
Rồng – biểu tượng văn hóa gần gũi, quen thuộc
Cạnh đó, trong tâm thức của người Việt ngàn đời nay, rồng luôn là một biểu tượng văn hóa rực rỡ, biểu hiện sâu đậm và rộng khắp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Hình tượng rồng được dùng để trang trí rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, sân khấu, trang phục, gốm sứ… với những hình ảnh, dáng vẻ theo từng cảnh trí, đồ vật trong sự mong ước, cảm thức thẩm mỹ của con người. Nhưng con rồng không phải chỉ dùng để trang trí, mà nó còn có một ý nghĩa sâu xa trong mọi mặt sinh hoạt đời thường của người Việt, biến đổi qua các thời kỳ, các triều đại phong kiến. Hình ảnh rồng vừa thực vừa hư, vừa cao quý thiêng liêng vừa gần gũi, đã trở thành biểu tượng văn hóa gắn bó trong đời sống, tình cảm, tâm hồn cả dân tộc, thể hiện qua trò chơi dân gian quen thuộc “rồng rắn lên mây” của trẻ em nhiều thế hệ; sinh hoạt văn hóa múa rồng, rước rồng xuất hiện trong các lễ hội dân gian, phổ biến trong các loại hình nghệ thuật diễn xướng; cùng vô số câu tục ngữ, ca dao, câu đố dân gian đề cập đến hình ảnh rồng.
Rồng phương Tây
Rồng được coi là biểu tượng văn hóa, tâm hồn, tình cảm, sức mạnh, sự phồn vinh của cộng đồng người Việt Nam tự ngàn xưa qua các thời kỳ lịch sử với những phẩm chất cao đẹp, sức vươn lên mạnh mẽ và niềm tự hào dân tộc lớn lao. |
Nhiều địa danh trên mọi miền đất nước ta cũng gắn bó sâu sắc với huyền thoại rồng đẹp đẽ: kinh đô Thăng Long nơi rồng bay lên trời, vịnh Hạ Long nơi rồng đáp xuống, nơi rồng con theo mẹ xuống biển là Bái Tử Long, nơi đuôi rồng quẫy sóng trắng xóa là Bạch Long Vĩ, sông Cửu Long, phố Hàm Long, cầu Long Biên, biển Long Hải, TP.Long Xuyên, núi Hàm Rồng, cầu Hàm Rồng, bến Nhà Rồng…
Nhìn chung, rồng được coi là biểu tượng văn hóa, tâm hồn, tình cảm, sức mạnh, sự phồn vinh của cộng đồng người Việt Nam tự ngàn xưa qua các thời kỳ lịch sử với những phẩm chất cao đẹp, sức vươn lên mạnh mẽ và niềm tự hào dân tộc lớn lao.
Rồng Việt là biểu tượng tâm linh trong di sản văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, do cha ông ta sáng tạo ra suốt trường kỳ lịch sử, nên nó vừa mang tính siêu nhiên với uy quyền tối cao, lại vừa gần gũi, gắn bó, hòa hợp một cách thân thiện, qua sự thể hiện đa dạng về vật chất, tinh thần trong đời sống người dân Việt từ xưa đến nay. Từ mối quan hệ phong phú đó, hình ảnh con rồng còn tượng trưng cho tuổi thọ, vẻ đẹp, khả năng sinh sản trong niềm hy vọng về tương lai của cộng đồng.
Dương Thành
Bình luận (0)