Y tế - Văn hóaThư giãn

Tản mạn vài chuyện phiếm

Tạp Chí Giáo Dục

Tèo hớn hở khoe với tôi là vừa rồi công tác ngang quê nhà có tiện thể ghé thăm và gặp được thầy X – người thầy tôn kính của tất cả học sinh trường làng chúng tôi thời niên thiếu. Kỷ niệm về trường cũ – thầy xưa như đang hiển hiện về. Tèo tiếp tục say sưa kể:

– Thú thiệt, lâu năm gặp lại, thấy thầy dạy học cũ của chúng ta tuy đã gần tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe có suy giảm nhưng vẫn giữ nghề, dù không còn dạy ở trường vì đã qua tuổi hưu. Bây giờ, thầy dạy ở nhà và trường ngoại ngữ môn tiếng Hoa mà thầy tự học trước đây. Thầy trò ngồi tâm sự với nhau, thầy trải lòng nói thời gian gần đây xem qua báo đài thông tin thấy ngành sư phạm của một ít trường đại học không tuyển sinh được vì thiếu thí sinh dự thi, những năm trước đã có hiện tượng này, nhưng lần này thì không còn nguồn tuyển, một số chuyên ngành phải đóng cửa. Thầy nhắc lại chuyện cũ và bảo vào những thập niên 60, 70, việc được thi vào ngành sư phạm là rất khó, vì được ưu đãi có học bổng trong thời gian học, ra trường có mức lương ngang bằng kỹ sư, bác sĩ, được mọi người trọng vọng, kính nể. Đa số thầy cô giáo ngày ấy thường rất giỏi về kiến thức và sư phạm, vì đầu vào được tuyển chọn khá gắt gao, yêu nghề vì tự mình chọn ngành để học. Nay thì ngành sư phạm trong bậc thang giá trị xã hội, học tập lại quá khiêm tốn, thiếu người kế thừa…

Im lặng một hồi để trầm tư cùng nỗi lòng với Tèo. Tôi cũng tiếp lời nhưng lái sang một vấn đề khác. Tôi tâm sự:

– Vâng! Đó cũng là chuyện nhức nhối của ngành nhưng nhức nhối hơn nữa là chuyện… lạm thu của các trường đầu năm học mặc dù chủ trương của Bộ GD-ĐT đã nêu rõ là không được lạm thu trong các cơ sở giáo dục, nhưng thực tế lại không được chấp hành nghiêm. Tôi còn nhớ lúc học trong lớp thầy từng kể lúc thầy còn đi học, bạn nào nghèo thì được nhà trường, thầy cô, bạn bè giúp đỡ thêm, vì học trường công được miễn đóng học phí, không phải đóng một khoản nào – ngoài tiền niên liễm đầu năm học. Nay nhiều trường, nhất là ở đô thị có tình trạng lạm thu, có lẽ chỉ chạy theo thành tích, phô trương về mặt vật chất hình thức, nhưng quên đi nhiệm vụ chính là giáo dục học sinh và phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh được đi học đầy đủ. Rồi chuyện tự biên soạn tài liệu, giáo trình, giáo án một cách tùy tiện đã và đang được thực hiện ở một số trường đang gây phản ứng từ dư luận về nội dung có một số bài chưa mang tính sư phạm, diễn đạt còn lủng củng và còn hạn chế về khâu biên soạn nên làm cho nội dung có chỗ không phù hợp, chưa tham khảo thêm với ngành chủ quản.

Tèo gật gù đồng ý và kết thúc buổi chuyện trò của chúng tôi bằng một đoạn kết… có hậu. Tèo bảo:

– Việc được dạy học là một điều sung sướng, một niềm vinh dự, vì thế nhìn chung thế hệ trẻ ngày nay cũng rất hiếu học, có lễ nghĩa với thầy cô. Còn rất nhiều người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, luôn trăn trở với ngành. Những hiện tượng kể trên chỉ là vòng xoáy nhất thời, rồi sẽ có lúc trở lại dòng chảy lặng lẽ, hiền hòa của nó. Những giá trị đích thực và lâu dài của sự nghiệp giáo dục, cần phải được quan tâm, phát triển.

Kim Ánh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)