Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tản mạn về chữ “Phúc”

Tạp Chí Giáo Dục

Chữ Phúc. Ảnh: H.T

Trong quan niệm cổ truyền của gia đình người Việt luôn có chữ “Phúc”. Nhà có phúc là ước vọng ngàn đời của dân tộc, là niềm vinh dự nhất của người Việt Nam. Vì lẽ đó, cứ tết đến xuân về, người ta thường viết chữ Phúc trên một tờ giấy đỏ vuông dán ngoài cửa và xem như một điều may mắn trong năm.
Ước vọng đầu năm của hầu hết người dân Việt không thể thiếu chữ “Phúc”. Có một câu chuyện trong dân gian kể rằng: Đời vua Gia Long, có người lập nhiều công trạng được nhà vua hỏi muốn được thưởng gì. Thì người ấy thưa rằng: “Hạ thần chỉ xin được một chữ “Phúc” mà thôi”. Vua cười đáp rằng: “Tiền bạc, chức tước thì ta có thể ban, chứ Phúc thì chỉ có trời ban mà thôi, cả dòng họ ta chỉ nhờ có chữ Phúc mà vinh hiển nhiều đời”. Thật vậy, dòng họ Nhà Nguyễn đã lót chữ Phúc vào tên của mình (vua Gia Long là Nguyễn Phúc Ánh). Và cũng nhờ duyên phúc được thần linh mách bảo, kinh đô Huế đã được chọn ở đất Phú Xuân. Nhiều nhà khá giả không chỉ bằng lòng với câu đối có nội dung “Phúc” mà còn mua bộ 3 tượng “Tam đa” Phúc – Lộc – Thọ bày trong nhà quanh năm.
Chữ “Phúc” là từ Hán Việt, người miền Nam đọc là “phước”. Chữ “Phúc” trong Giáp cốt văn là hình tượng hai bàn tay bưng hũ rượu đứng trước bàn thờ. Như vậy, chữ “Phúc” vốn được xem là điều tốt lành do cầu cúng mà có được. Theo đó, “Phúc” có nghĩa là “thuận lợi”, “đồng thuận”. “Thuận” có nghĩa là từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài đều thông suốt, không có gì trở ngại cả. Trên thuận trời đất, dưới thuận vua tôi, dưới nữa thuận cha mẹ, con cái. Đời sống tinh thần bên trong và đời sống vật chất bên ngoài đều thuận lợi không có gì trắc trở, như vậy gọi là thuận, là đầy đủ là “Phúc”. Người Trung Hoa họ chơi chữ bằng cách vẽ hai con dơi đâu cánh lại, ngụ ý là trùng phúc, họ còn vẽ thêm một lúc năm con dơi biểu tượng cho ngũ phúc (ngũ phúc lâm môn) mà Sách Hồng Phạm viết: “Ngũ phúc, nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết khang minh. tứ viết du hảo đức, ngũ viết khảo chung mệnh” (năm phúc: sống thọ, giàu có, bình an, đức tốt, chết vào tuổi già).
Theo Tự điển Khai Trí Tiến Đức thì “Phúc” là điều hay, điều tốt, do việc làm nhân đức mà ra. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên trong tâm thức của người Việt, từ lâu đã quan niệm Phúc bao giờ cũng đi đôi với Đức. Thuật ngữ phúc đức luôn gắn liền nhau. Chính điều này đã làm sâu sắc thêm triết lý nhân duyên của nhà Phật và đem lại màu sắc tích cực cho hai chữ Họa Phúc (Họa vô đơn chí, Phúc bất trùng lai). Do quan niệm họa phúc ở đời là sợi dây gieo nhân gặt quả, nên người Việt Nam chú trọng đến việc “làm ơn, làm phước”. Hơn thế nữa, mỗi hành động, việc làm của chúng ta sẽ không những ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn lưu lại kết quả cho thế hệ sau. Nhà có phúc là nhà có được cuộc sống bình yên thanh thản, đặc biệt là có hậu vận tốt. Muốn được đức phải có phúc và ngược lại đức sẽ đem lại phúc, đó là quy luật. Nội dung của đức phụ thuộc điều kiện lịch sử, xã hội, văn hóa, tôn giáo… Ngày nay, khi kinh tế có chiều khởi sắc, dường như người ta ít đặt, hay lãng quên chữ “Phúc” trong mối quan hệ với “đức” hay “thiện” phúc đức, phúc thiện mà thường đặt “phúc” trong mối quan hệ với chữ “đạt” (thành đạt) hay “lợi” phúc đạt, phúc lợi.
Đầu năm, xin được tản mạn về chữ “Phúc” tạm kể như là một món quà xuân thay cho lời chúc phúc tốt đẹp nhất trong năm mới đầy niềm hân hoan của đất nước.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín 
 

Bình luận (0)