Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tản mạn về một đêm xuân xa xứ

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm chỉ có một lần khi cánh én chở mùa hối hả thì chúng ta mới dành những khoảng lặng để hoài niệm về cố hương, về không gian, về một khoảnh khắc nào đó ở quê nhà trong giờ phút giao chuyển của tiết trời lập xuân.

Có ai cất gót đi xa mà không một lần chạnh nhớ quê hương dù chỉ trong thời gian ngắn. Thời gian đó cũng đủ để nhung nhớ những buổi chiều về tím thẳm. Đêm đến, mưa dầm dề mà lắng lòng nghe bùi ngùi da diết ở bên trời. Nơi ấy có một dòng sông thơ ấu lững lờ trôi. Có vòm cây san sát nghiêng che. Có làn khói đốt đồng hòa quyện trên gian bếp nhà ai trong ráng chiều hoàng hôn từ từ khuất bóng phía cánh đồng xa.   

1. Vẫn còn nhớ, đêm hai tám tháng chạp, trằn trọc mãi không ngủ được vì chiều qua má có ghé tai nói nhỏ do sợ mấy đứa em phân bì: “Sáng mai nhớ dậy sớm má dẫn mày lên chợ huyện mua cho bộ đồ mới mặc ba ngày Tết nghen con”. Mới bốn giờ sáng đã thức giấc, mặt mày ráo hoảnh nhưng tôi vẫn nằm im cuộn tròn trong chiếc mền con rồng, giả vờ ngủ say để chờ má gọi dậy lên mé lộ đón xe lam đi chợ huyện. Những chiếc xe lam rô tranh thủ mấy ngày giáp Tết chạy sớm từ xã lên huyện, tiếng máy nổ rõ một không lẫn vào đâu được giữa đêm khuya vắng, cứ tành tạch nhỏ dần rồi chìm hẳn trong màn đêm tối mịch. Ba tôi lúc này cũng thức giấc. Ông ho sù sụ mấy cái, tay mân mê quấn điếu thuốc rê; chậm rãi hít – nhả những làn khói trong ánh sáng mờ mờ của cây đèn dầu ống chụp. Ông bâng quơ: Hổm rày lạnh quá đỗi. Mùa này đặt lộp, giăng lưới hứng đàn cá từ ruộng ra sông rạch trúng lắm à nghen. Tết nhứt tới nơi rồi mà mấy liếp vạn thọ trồng từ bữa rằm tháng mười, chắc thời tiết năm nay lạnh quá nên nghẹn lại, bông nào bông nấy nhỏ xíu, giống nhưng bông thọ nhái vậy. Rồi ông cứ miên man những câu chuyện không đầu, không đuôi cho đến trời hừng sáng.

2. Cánh đồng ruộng quê tôi sáng ba mươi tháng chạp nước lũ từ thượng nguồn sông Sài Gòn tràn về lênh láng, trắng xóa. Rõ là ông bà ta thường hay nói ba mươi, mười bảy nước nhảy khỏi bờ. Đứng trên mấy ụ gò mối ở triền làng, dõi mắt xuống cánh đồng, từng ô bờ ruộng giờ chỉ còn lé đé nước xấp qua bờ, chỉ ngoi ngóp lên khỏi mặt nước là những ngọn cỏ ống cứng cỏi. Trên những gò đất nổi nhô cao, vượt trên mặt nước mênh mông của cánh đồng ngày ba mươi Tết là những bụi mua già nua nở đầy bông tím. Ba tôi nói, loài cây này có bông đẹp, trái ngọt ong bướm rất thích nhưng không hiểu sao, hễ nơi nào có cây mua mọc đầy thì người dân nơi đó mần ăn ngóc đầu lên không nổi. Cho mãi đến bây giờ tôi cũng không thể lý giải được, tại sao một loài hoa đẹp như thế chỉ mọc ở những nơi đất cằn cỗi, nghèo nàn, thiếu sức sống như vậy.

Nhiều năm mùa nước nổi trôi qua, trở lại những nơi có hoa mua trổ bông tím biên biếc chiều ba mươi Tết, trước mắt tôi vẫn là những ngôi nhà nhỏ đơn sơ xây cất men theo triền gò đất nổi, mặt hướng ra cánh đồng đầy hoa mua tím! Thêm lần nữa, màu hoa tím đã gợi cho tôi một nỗi buồn man mác. Buồn vì con người ở đây vẫn chưa thể vượt qua được “lời nguyền” về cái nghèo khó ở những triền đất có đầy hoa mua như ba tôi đã nói.

… Chao ôi! Giờ đây giữa chộn rộn phố phường, giữa nô nức sắc hương trong khoảnh khắc bình yên bắt gặp gia đình nhà ai quây quần bên mâm cỗ, cũng đủ làm ngập ngừng những bước chân vội. Trên bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói nhang cũng dâng lên nỗi hoài niệm đến xốn xang. Đêm ba mươi, cả nhà quây quần bên nồi bánh tét nấu dở chuyện trò chờ pháo giao thừa điểm sang canh. Giữa ngồn ngộn bánh mứt của ngày Tết nhưng vẫn thèm mùi bánh tét khi gạo nếp vừa chín tới phả mùi thơm trong tiết trời se se lạnh. Tết mà xa quê, không mứt gừng cũng cay xé ruột. Và chính tôi cũng có một mùa xuân xa nhà. Chắc có lẽ xuân năm ấy mẹ tôi đã ra đứng đầu ngõ ngay ngáy đợi con về. Giờ đây tôi xin mạn phép được một lần khuyên các bạn, dẫu có thế nào thì cũng đừng nên xa xứ những ngày xuân…

Nguyn Phương Lam
Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)