Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tan nát đường đê bờ hữu sông Sài Gòn

Tạp Chí Giáo Dục

Đường đê bờ hữu sông Sài Gòn chạy từ An Phú Đông qua Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM), ngoài chức năng ngăn triều, còn là tuyến đường giao thông của cư dân sống ven sông. 

Tan nát đường đê bờ hữu sông Sài Gòn

Nhưng tuyến đường đê mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp, hư hỏng nặng. 

Bị cày nát
Từ khi tuyến đường đê đưa vào sử dụng đã khắc phục được tình trạng ngập nước, việc đi lại của người dân trở nên dễ dàng hơn. Con đường đê đã làm thay đổi bộ mặt đô thị, khu dân cư sống dọc theo bờ sông Sài Gòn. Nhiều nhà ở cao tầng, nhà xưởng được xây dựng. Vì đường đi thuận tiện, hàng loạt bến bãi, điểm tập kết cát đá, vật liệu xây dựng mọc lên dọc theo bờ sông, nhiều xe tải lớn lưu thông, chở cát đá ra vào bến bãi đã cày nát tuyến đường này.
Đứng trên cầu Bình Phước nhìn về hướng quận 12, có thể thấy ven bờ sông những đống cát, đá rất lớn nối nhau. Dưới sông sà lan, ghe tàu chở vật liệu chờ chuyển lên bờ. Trên bờ, hàng loạt cần cẩu vươn cao, xe ủi san cát đá làm việc hết công suất. Chỉ một đoạn ngắn gần chân cầu Bình Phước, có gần 10 vựa vật liệu xây dựng lớn đang hoạt động. Xe cộ vào ra các bãi vật liệu xây dựng tấp nập. Đứng ở điểm giao dưới chân cầu Bình Phước chỉ chừng 10 phút đã thấy 6-7 chuyến xe tải lớn chạy ra từ các bãi vật liệu xây dựng. 
Quan sát tuyến đường xe chở vật liệu xây dựng, không còn nhận ra đường bờ đê ngày nào. Mặt đường đầy bùn đất, vết bánh xe tạo ra vệt sâu, đầy những “ổ voi”, “ổ gà” lớn nhỏ. Chị Bùi Thị Thu (cư dân tại đây) cho biết: “Mấy hôm nay trời mưa nhỏ, đường ít đọng nước, tôi mới dám chở con đi học. Lúc mưa lớn, những “ổ voi” trên đường ngập nước, đầy bùn lầy, rất nguy hiểm. Nhiều người đi xe máy bị ngã, bùn đất lấm từ đầu đến chân. Đường hẹp mà xe chở vật liệu lại quá lớn, chiếm gần hết mặt đường. Khi lưu thông xe máy trên đường, gặp xe lớn phải chịu cảnh áo bùn đất văng làm quần lấm lem, nếu không muốn bị ngã dưới đường. Xe tải lớn chạy nhiều không chỉ gây hư đường, mà còn làm cả khu đất rộng lở xuống sông”.  
Bất chấp biển cấm
Xe tải lớn chở cát đá cày nát đường đê ven sông Sài Gòn cũng đã làm ảnh hưởng đến khả năng ngăn triều. Trong khi mức triều ngày một cao, con đường đê cứ lún thấp dần. Lực lượng thanh tra giao thông đã có nhiều biện pháp ngăn chặn xe tải lớn lưu thông trái phép trên đường đê này, nhưng vẫn không hiệu quả. Ngay tại chân cầu Bình Phước, đường dẫn vào đường đê  có đặt biển báo cấm xe trên 5 tấn lưu thông. Biển báo đã được lắp đặt nhưng nhiều lái xe vẫn bất chấp, không chịu chấp hành. Lái xe chỉ tuân thủ khi thấy có thanh tra giao thông cắm chốt, còn vắng bóng là vô tư vi phạm. Các chủ vựa vật liệu xây dựng tổ chức cảnh giới để lái xe né tránh lực lượng thanh tra giao thông, họ cho người cắm chốt trên đường, tại giao lộ, khi thấy có thanh tra giao thông xuất hiện liền sử dụng điện thoại thông báo cho lái xe biết để né tránh. Vì thế, rất khó bắt quả tang các xe quá tải chạy trên đường đê.  

Ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải TPHCM), cho biết: “Xe tải lớn chở vật liệu xây dựng là tác nhân gây hư hỏng đường đê bờ hữu. Mặc dù thanh tra giao thông đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng lực lượng mỏng và thiếu nên lực bất tòng tâm. Thanh tra giao thông đã từng đề nghị các cơ quan chức năng không gia hạn thời gian hoạt động của các bến bãi vật liệu ven sông, tuy nhiên đề xuất này đã bị các chủ bãi phản ứng quyết liệt, không đồng tình”.

 

TRẦN YÊN/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)