Hàng trăm hécta rừng sản xuất của Nhà nước ở các xã Ngọc Định, Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã và đang bị người dân địa phương xâm hại, đốt phá, khai thác trái phép vô tội vạ. Thực tế này đã tồn tại nhiều năm qua, gây mất cân bằng sinh thái, đẩy nguy cơ cháy rừng lên mức báo động, thế nhưng chính quyền các cấp ở tỉnh Đồng Nai vẫn… im lặng. Riêng lãnh đạo xã Ngọc Định còn tiếp tay cho người nhà phá rừng, khai thác đất rừng trái phép.
Biến rừng thành vườn cây ăn trái
Khu rừng La Ngà thuộc các xã Thanh Sơn, Ngọc Định (huyện Định Quán) và một phần xã Đắc Lua (huyện Tân Phú), tỉnh Đồng Nai do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (Vinafor La Ngà) quản lý, có tổng diện tích hơn 23.000ha, đang bị người dân địa phương thi nhau “xẻ thịt”. Dọc hai bên sông La Ngà hiện nay có rất nhiều tán rừng gỗ tếch, gỗ giá tỵ đã bị người dân đốn phá trơ gốc, thay vào đó là những vườn cây ăn trái với đủ loại: xoài, mít, điều… Không ít vườn cây ăn trái đã ra quả đến tuổi thu hoạch, cũng có khu vườn vừa được trồng cây ăn trái cao hơn gang tay. Trên cánh rừng tiểu khu 40 thuộc các ấp Hòa Thành, Hòa Trung (xã Ngọc Định), những ngày đầu tháng 4-2015, người dân địa phương vẫn ngang nhiên vào đốt rừng gỗ tếch, chặt phá cây giá tỵ để chiếm đất trồng xoài, keo lá tràm.
Keo lá tràm do người dân đem vào trồng trên diện tích rừng bị đốt phá.
Càng đi sâu vào khu vực rừng giáp lòng hồ Trị An, chúng tôi thấy rừng càng bị “xẻ thịt” tan hoang. Rất nhiều cây gỗ tếch bị người dân triệt dần sự sống bằng cách đốt cháy lá, hoặc chặt nửa thân cây, khoét lỗ ở gốc… Dưới những cây rừng đang “hấp hối”, người dân đem cây xoài vào trồng xen kẽ. Điều chúng tôi lấy làm lạ là khu vực rừng tếch bị người dân xâm hại này chỉ cách trụ sở của Vinafor La Ngà (đơn vị được giao quản lý rừng) chưa đến 1km và cách UBND xã Ngọc Định chỉ khoảng 2km nhưng hoạt động phá rừng, khai thác đất rừng trái phép vẫn diễn ra công khai hàng ngày. Ông Nguyễn Văn D., một cán bộ về hưu ở ấp Hòa Trung (xã Ngọc Định), cho biết tình trạng xâm hại, chặt phá cây rừng, khai thác đất rừng La Ngà trái phép bắt đầu từ năm 1995 và nở rộ trong những năm gần đây.
“Xuất phát từ việc Vinafor La Ngà tự ý ký hợp đồng giao khoán một số diện tích đất lâm nghiệp ở Lâm trường 3 và 4 cho tư nhân nhưng không trình lên cấp có thẩm quyền. Sai phạm này sau đó được phát hiện, có 103/196ha rừng giao khoán bị xâm hại, tuy nhiên việc xử lý các sai phạm của chính quyền và ngành chức năng đến nay vẫn không triệt để, thiếu quyết liệt nên người dân bất chấp pháp luật, tiếp tục phá rừng”, ông D. bức xúc. Còn một cán bộ của Vinafor La Ngà cho rằng do gần đây có thông tin “ảo”, hết năm 2015, Vinafor La Ngà sẽ giao hơn 11.000ha rừng cho địa phương chuyển mục đích sang đất canh tác, nên hiện người dân ồ ạt vào phá rừng, chiếm đất.
Bí thư xã tiếp tay phá rừng?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, diện tích rừng sản xuất do Nhà nước đầu tư tại các xã Thanh Sơn, Ngọc Định bị người dân xâm hại, đốt phá, khai thác trái phép đến nay đã hơn 400ha. Đáng nói hơn, trong số các trường hợp phá rừng, lấn chiếm và khai thác đất rừng trái phép có gia đình, người thân của Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Định – ông Hồ Nam Thắng. Cụ thể, ngày 19-10-2014, bà Trần Thị Lan (chị vợ ông Thắng) chở 1.300 cây con (keo lá tràm, xoài…) vào tập kết tại tán rừng lô 43, khoảnh 2, tiểu khu 40 và trồng trên phần đất rừng đã đốt phá trước đó. Hành vi vi phạm này của bà Lan đã được Vinafor La Ngà lập biên bản, tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, đến nay nhiều hécta rừng do bà Lan chặt phá trái phép để trồng cây ăn trái vẫn tồn tại.
Ngoài bà Lan, từ năm 2013 đến nay, bà Trần Thị Xa (chị họ của ông Thắng) và chồng là ông Phạm Văn Đông cũng ngang nhiên vào tiểu khu 40 đốt rừng, lấy đất trồng gần chục hécta điều, xoài. Để có nước tưới cây, vợ chồng bà Xa còn ngang nhiên đưa phương tiện vào múc, ủi 1,23ha rừng gỗ tếch thuộc các lô 69 và 80 (tiểu khu 40), lập trái phép 3 hồ tích nước. Trong khi hàng loạt vi phạm của gia đình chị vợ và chị họ của ông Thắng chưa được cơ quan chức năng xử lý, mới đây, người dân địa phương lại bức xúc hơn khi thấy bà Trần Thị Tình (vợ ông Thắng) và Hồ Hoàng Hà (con ông Thắng) cũng vào phá rừng, trồng xoài ở tiểu khu 40. Vinafor La Ngà đã lập biên bản vi phạm đối với bà Trần Thị Tình, tuy nhiên việc xử lý bà Tình và khắc phục hậu quả diện tích rừng bị xâm hại đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng liên quan thực hiện.
Ngang nhiên phá cây rừng, trồng xoài trên đất rừng ở tiểu khu 40 (xã Ngọc Định, huyện Định Quán, Đồng Nai).
“Chúng tôi rất bức xúc trước việc một số người dân thiếu ý thức, vì lợi ích cá nhân đã vào tàn sát rừng của Nhà nước. Và càng bức xúc hơn khi người thân, gia đình của ông bí thư Hồ Nam Thắng ngang nhiên phá rừng, khai thác đất rừng trái phép nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý. Rất nhiều lần bà con phản ánh việc này đến xã, sau đó công an xã, Vinafor La Ngà có vào lập biên bản nhưng rồi đâu lại đấy, việc phá rừng vẫn tiếp diễn. Là người đứng đầu một địa phương, khi biết người nhà có hành vi vi phạm pháp luật, lẽ ra ông Thắng phải ngăn chặn, đằng này ông làm lơ, tiếp tay là điều khó chấp nhận”, ông Nguyễn Tuấn Gi. ở xã Ngọc Định bức xúc. Người dân địa phương cho biết, hiện nay gia đình ông Thắng còn đứng ra mua đất rừng bằng giấy tay của người dân chiếm được ở tiểu khu 40, sau đó san ủi làm ao nuôi cá.
Khó ngăn chặn
Trách nhiệm, vai trò của đơn vị quản lý rừng La Ngà ở đâu khi rừng liên tục bị tàn phá? Để trả lời câu hỏi này, phóng viên Báo SGGP đã làm việc với ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Vinafor La Ngà. Ông Lâm cho biết: “Đơn vị vẫn thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nạn xâm hại rừng. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng (toàn công ty chỉ có 80 người) nên không thể giám sát 24/24 giờ trước hành vi xâm hại rừng của người dân”. Ông Lâm thừa nhận hiện nay, tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Định có hơn 400ha rừng bị người dân xâm hại, lấn chiếm. “Để xảy ra tình trạng này, công ty xin nhận trách nhiệm. Đành rằng, rừng là do Vinafor La Ngà quản lý, tuy nhiên để ngăn chặn hiệu quả nạn xâm chiếm, đốt phá, khai thác đất rừng trái phép hiện nay đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc”, ông Lâm nói. Đối với những người thân của ông Hồ Nam Thắng có hành vi xâm hại rừng (bà Tình, bà Lan, bà Xa, ông Đông, Hồ Hoàng Hà …), ông Lâm cho biết Vinafor La Ngà đã nhiều lần mời lên làm việc, lập biên bản vi phạm và chuyển chính quyền địa phương, ngành chức năng xử lý, còn xử lý thế nào là do đơn vị có thẩm quyền.
Về phía lãnh đạo địa phương, ông Hồ Nam Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Định, thừa nhận bà Trần Thị Lan (chị vợ ông) có xâm hại rừng, trồng cây ăn trái trái phép trên đất rừng, việc này ông có nhắc nhở bà Lan. Đối với trường hợp bà Trần Thị Tình, ông Thắng khẳng định vợ ông không đốt phá rừng, khai thác trái phép trên đất rừng. Để xác thực, chúng tôi đưa biên bản vi phạm do Vinafor La Ngà lập đối với bà Tình cho ông Thắng xem, nhưng ông không đọc qua và thoái thác “cái này là vu khống, làm tầm bậy”. Chúng tôi tiếp tục đưa hình ảnh Hồ Hoàng Hà cầm rựa phát rừng, ông Thắng nói đây là ảnh con ông vào suối câu cá, chứ không phá rừng. “Câu cá sao không mang cần câu, mang rựa làm gì?”, ông Thắng lại chuyển ý khác “đất rừng, đất bán ngập lòng hồ Trị An bị lấn chiếm, xâm hại hiện nay không chỉ có ở Ngọc Định, mà còn diễn ra ở Phú Ngọc, Thanh Sơn”. Về việc ông đứng ra mua đất rừng bằng giấy tay do người dân lấn chiếm, rồi san ủi, xây ao nuôi cá, ông Thắng giãi bày: “Chỉ là hỏi để mua cho người thân, nhưng chưa mua”.
Thực tế trên cho thấy, rừng La Ngà đang ngày càng bị “xẻ thịt”, mà nguyên nhân có cả sự buông lỏng của đơn vị quản lý, sự tiếp tay của lãnh đạo địa phương. Bao giờ rừng La Ngà hết “chảy máu”?
Ông Phạm Thái Lai, ngụ ấp 3, xã Phú Ngọc (Định Quán, Đồng Nai), cho biết: “Nếu chính quyền, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai không vào cuộc xử lý hoạt động phá rừng ngay lúc này, tôi nghĩ thời gian tới an ninh trật tự tại khu rừng La Ngà sẽ khó đảm bảo. Vì đến nay, gia đình ông Thắng đã chiếm và khai thác trái phép hơn 20ha rừng. Thấy người nhà lãnh đạo chiếm rừng, trồng cây ăn trái, nhiều người dân cũng vào phá rừng, trồng cây nhưng bị người nhà ông Thắng lớn tiếng, rượt đuổi. Đã từng có ẩu đả tại khu rừng nói trên…”
TUẤN VŨ
(SGGP)
Bình luận (0)