Tòa soạnThư đi – tin lại

Tân sinh viên: Cảnh giác để “buýt” an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

Các tân sinh viên hãy cảnh giác để bảo vệ tài sản của chính mình. Ảnh: T.L

Những ngày qua, các tân sinh viên liên tục bị bọn trộm cắp trên xe buýt hoành hành. Chính vì thế, khi bước chân lên xe buýt, các tân sinh viên cần nâng cao ý thức cảnh giác cao độ để bảo vệ tài sản của chính mình.
Trộm cắp trên xe buýt
6 giờ sáng ngày 5-10, Lê Văn Dũng (quê ở Thanh Hóa, tân sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) đón xe buýt số 18 từ nhà trọ ở quận 12 đến trường. Khi đến trạm gần ngã tư Quang Trung – Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), nhiều người chen lấn bước xuống cửa, Dũng nhận thấy túi quần sau bị người nào đó sờ vào và cảm giác cái bóp không còn. Dũng nhanh tay chụp người phụ nữ trung niên vì biết rằng đây là kẻ móc bóp của mình. Nhưng người phụ nữ ấy đã nhanh chân lên xe ôm chờ sẵn vù đi mất. Theo nhiều người thường xuyên đi trên tuyến xe này, người phụ nữ và người đàn ông xe ôm kia là đồng bọn của nhau. “Em thường đọc báo nên rất cảnh giác, nhưng không thể ngờ bọn “đạo chích” lại ra tay quá nhanh” –  Dũng nói như khóc. Số tiền hơn một triệu đồng, thẻ ATM, giấy CMND cùng thẻ sinh viên đã “bay” cùng cái bóp. Cũng may là chiếc điện thoại di động Dũng cầm trên tay nên không mất. Còn bạn Nguyễn Minh Quang (tân sinh viên Trường ĐH Nông lâm -TP.HCM) kể: “Cách đây hơn một tuần, em đi trên xe buýt tuyến Bến Thành – Thủ Đức thì bị móc mất cái laptop. Vì xe hơi đông, bọn móc túi nhân dịp đó đã xô đẩy làm mọi người gần như ngã ra. Đến khi em cúi xuống nhìn chiếc ba lô đặt dưới chân thì cái laptop đã không còn. Em rất bực tức nhưng lúc đó đã muộn mất rồi, bọn móc túi vừa xuống xe. Trên xe vẫn còn đồng bọn của chúng, em biết nhưng không có bằng chứng gì cả. Em tiếc chiếc laptop vì có rất nhiều dữ liệu trong đó. Một bạn sinh viên đứng bên cạnh nói nhỏ vào tai em: “Thôi của đi thay người, làm lớn chuyện là hết đường đi xe buýt luôn đó””. Hơn 3 năm đi xe buýt, từng hai lần bị móc mất điện thoại nên bây giờ Minh Thủy (sinh viên năm 4 ĐH Kinh tế) có “đầy kinh nghiệm” để đối phó với bọn “đạo chích” là: “Khi lên xe buýt thì điện thoại nên cầm trên tay, ba lô treo trước ngực. Các bạn tân sinh viên cần cảnh giác và tránh xa ra khi thấy một số đối tượng ăn mặc bảnh bao, luôn đứng ngay cửa lên xuống. Đó là những đối tượng chuyên trộm cắp trên các tuyến xe buýt khắp thành phố. Cô bạn sinh viên ở chung phòng với tôi bị móc mất điện thoại đến 3 lần, sau mỗi lần mất đều “rút kinh nghiệm sâu sắc” nhưng rồi vẫn lại mất…
Hãy liên hệ với đường dây nóng
Anh L.V (nhân viên soát vé tuyến xe buýt 150 Thủ Đức – Bến Thành) cho biết: “Bọn “đạo chích” có một đặc điểm chung là hoạt động theo nhóm khoảng 3-5 người, thường đội mũ phớt để che một phần khuôn mặt. Đối tượng chúng thường hướng tới là sinh viên hoặc những người cao tuổi. Khi xe buýt tới trạm, chúng ùa theo dòng người để chen lên xe cũng là lúc thời cơ của chúng bắt đầu hành động. Ngoài thủ đoạn áp sát, chen lấn, xô đẩy để móc túi rồi chuyền tang vật cho đối tượng khác để tẩu tán, chúng còn tinh vi hơn khi dùng dao lam để rạch quần áo, giỏ xách, ba lô… Tình trạng trộm cắp trên xe buýt  đã xảy ra nhiều năm qua. Theo tôi, để các em sinh viên cũng như người dân yên tâm sinh hoạt, học tập, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng  này”.
ThS. Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Công an TP tăng cường kiểm tra trên các tuyến xe buýt và đã xử lý rất nhiều đối tượng trộm cắp. Nhưng, mỗi ngày TP.HCM có 18.000 chuyến xe buýt hoạt động nên công tác kiểm tra, xử lý tội phạm không thể đáp ứng hết. Vì thế hành khách nói chung và tân sinh viên nói riêng nếu bị trộm cắp hoặc phát hiện trộm cắp trên xe buýt, nên liên hệ đường dây nóng (08) 38214444 báo tin cho các cơ quan chức năng để được giải quyết kịp thời”.n
NGỌC RĂNG

Bình luận (0)