Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tân sinh viên “gánh” nhiều loại phí khi nhập học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài học phí là đương nhiên, tân sinh viên khi nhập học phải chuẩn bị tài chính để đóng rất nhiều các loại phí, trong đó có những khoản 'lạ' hoặc những khoản mà sinh viên gia đình khó khăn sẽ rất khó xoay xở.

Năm học 2023 – 2024, tân sinh viên (SV) Trường ĐH FPT khi nhập học sẽ phải đóng 2 khoản tiền không nhỏ, đó là tiền học phí (HP) học kỳ định hướng và HP tiếng Anh chuẩn bị. Cụ thể, tại cơ sở TP.HCM và Hà Nội, HP học kỳ định hướng là 11,9 triệu đồng và HP tiếng Anh chuẩn bị là 11,9 triệu đồng/mức. Trong khi ở cơ sở Đà Nẵng, Cần Thơ, Quy Nhơn, mỗi khoản là 8,333 triệu đồng. Đây là đợt đóng HP đầu tiên, chưa tính đến HP chính thức. Được biết, những năm học trước, tân SV cũng phải đóng 2 khoản này.

Tại Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam), ngoài HP học kỳ 1 từ 6,5 – 40 triệu đồng (tùy ngành) và phí khám sức khỏe, bảo hiểm y tế theo quy định, tân SV còn phải đóng phí đồng phục bao gồm 1 bộ lễ phục, 1 bộ đồng phục đi học hằng ngày, 1 áo blouse, 1 bộ đồng phục thực hành tại phòng lab và 1 bộ đồng phục thể dục. Trong đó, ngành y khoa, răng hàm mặt và xét nghiệm, tổng chi phí đồng phục là 2,85 triệu đồng, ngành điều dưỡng 2,5 triệu đồng, quản trị bệnh viện 2,2 triệu đồng.

Tân sinh viên gánh nhiều loại phí khi nhập học - Ảnh 1.

Các loại phí nhập học của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM

Mới đây, tân SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng xôn xao vì 13 loại phí phải đóng khi nhập học. Các khoản bắt buộc gồm: lệ phí nhập học 280.000 đồng, lệ phí thư viện chính quy 690.000 đồng, giáo trình tài liệu số do trường biên soạn 800.000 đồng, gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến – wifi học tập 500.000 đồng, kiểm tra tiếng Anh đầu vào 345.000 đồng, lệ phí kiểm tra tin học đầu khóa 345.000 đồng. Bên cạnh đó là các khoản tùy chọn gồm HP kỹ năng mềm 600.000 đồng, HP tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 cho SV chương trình chính quy chuẩn 4,5 triệu đồng…

Trong khi đó, Trường ĐH Giao thông vận tải thu 200.000 đồng/SV cho phí hồ sơ, tài liệu nhập học, sinh hoạt chính trị đầu khóa, 100.000 đồng/khóa học tiền tin nhắn điện tử (thông báo kết quả học tập, học phí… về số điện thoại phụ huynh đăng ký). Ngoài ra, còn có phí khảo sát phân loại trình độ tiếng Anh (tự nguyện) 350.000 đồng/SV.

Trường ĐH Xây dựng Hà Nội còn thu phí làm thẻ SV gắn chip 130.000 đồng, phí tổ chức nhập học, khảo sát phân loại tiếng Anh, tuần công dân – SV 400.000 đồng.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng có phí kiểm tra tiếng Anh đầu vào 200.000 đồng, giáo trình điện tử 500.000 đồng/6 năm, sổ liên lạc điện tử 100.0000 đồng/năm…

Trường bảo "chỉ thu những khoản thiết yếu" !

Lý giải về 13 khoản thu đầu năm, tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, khẳng định trường cố gắng đưa ra những khoản thu cần thiết, hợp lý và mang lại lợi ích cho SV chứ không phải "tận thu" trong lúc tình hình kinh tế đang rất khó khăn này.

Tân sinh viên gánh nhiều loại phí khi nhập học - Ảnh 2.

Tân sinh viên làm thủ tục và đóng các khoản phí đầu năm học. ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Vũ cho biết: "Lệ phí thư viện áp dụng cho hệ ĐH chính quy được thu theo quy định của nhà nước, đảm bảo mỗi môn học có tối thiểu 3 sách giáo trình, ngoài ra là tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo, tạp chí chuyên ngành… Về phí giáo trình, tài liệu, trường biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ trực tiếp cho các học phần bao gồm nội dung lý thuyết, bài tập, tình huống. Các tài liệu đã được số hóa, mỗi SV được cấp tài khoản riêng để truy cập và sử dụng không giới hạn thời gian, số lần truy cập. Tài khoản truy cập được cá nhân hóa, SV không cần phải mua sách bản giấy. Bình quân 1 chương trình đào tạo có khoảng hơn 40 môn học, SV chỉ phải trả phí mua học liệu số khoảng 19.000 đồng/môn học. Khoản thu này, bù đắp một phần chi phí mà trường đã đầu tư cho công tác biên soạn, thẩm định, phát hành, số hóa, vận hành và bảo trì hệ thống học liệu số".

Đối với phí wifi học tập, theo tiến sĩ Vũ, trường đã có những khoản đầu tư lớn để gia tăng băng thông wifi, đáp ứng nhu cầu truy cập internet phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu của người học tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Khoản thu phí 500.000 đồng cho 4 năm học, tính bình quân mức phí sử dụng cho 1 SV là khoảng 12.000 đồng/tháng.

"Về việc kiểm tra tiếng Anh và tin học đầu vào, thứ nhất SV cần kiểm tra để biết trình độ của mình ở đâu, từ đó có lộ trình phù hợp để đạt chuẩn đầu ra. Thứ 2, để học tiếng Anh chuyên ngành và tin học ứng dụng thì SV phải đạt trình độ nhất định, nếu kiểm tra mà chưa đạt thì các em phải có hướng chuẩn bị. Khi tổ chức kiểm tra phải có ngân hàng đề thi, huy động giáo viên coi thi chấm thi nên trường phải thu phí", tiến sĩ Vũ cho hay.

Trong khi đó, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Đào tạo Trường ĐH FPT cơ sở TP.HCM, giải thích học kỳ định hướng của trường diễn ra trước khi vào học chính thức, bao gồm 1 – 2 tuần sinh hoạt đầu khóa giúp SV nắm bắt thông tin cần thiết, dạy các kỹ năng quan trọng để có thể hòa nhập và học tập tốt ở trường. Sau đó là 1 tháng rèn luyện tập trung gồm kết hợp học học quân sự với trải nghiệm các nội dung khác.

"Sau thời gian rèn luyện tập trung, các em sẽ học chương trình tiếng Anh chuẩn bị và phải đạt tới cấp độ 6 mới có thể vào học chính khóa. Cứ mỗi cấp độ học trong 2 tháng, em nào từ cấp độ 1 nếu học đúng tiến độ thì phải mất 12 tháng mới đạt cấp độ 6 để vào học chính thức", ông Tuấn Anh thông tin.

Như vậy, tân SV Trường ĐH FPT ở TP.HCM và Hà Nội phải đóng tới 23,8 triệu đồng cho khoản phí khác với đa số các trường khác, là HP học kỳ định hướng và tiếng Anh chuẩn bị.

Bộ GD-ĐT: Yêu cầu giảm tối đa các khoản phí không cần thiết

Về vấn đề gánh nặng các khoản phí "đè" lên vai tân SV, ông Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác HS-SV (Bộ GD-ĐT), cho biết: "Thực ra trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, các trường ĐH không được tăng HP nên cũng rất chật vật. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH năm học mới chỉ đưa ra các khoản thu thực sự thiết yếu, cố gắng giảm tối đa các khoản phí không cần thiết hay các khoản phí "lạ" để giảm bớt gánh nặng chi phí cho SV".

Theo Mỹ Quyên/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)